Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần biến khát vọng thịnh vượng cho dân tộc bằng hành động cụ thể

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Tăng trưởng và phát triển là cuộc đua maraton đường trường chứ không phải cuộc chạy đua nước rút. Cần biến khát vọng thịnh vượng cho dân tộc bằng hành động cụ thể, phấn đấu trở thành “con hổ” kinh tế mới của châu Á. Bây giờ chưa được, nhưng tại sao lại không và luôn phải tìm câu trả lời làm gì để đạt được điều ấy".

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên thảo luận Đối thoại chính sách cấp cao trong Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 do Ban Kinh tế T.Ư tổ chức ngày 11/1.
Tăng năng suất để cạnh tranh
Việc tìm ra giải pháp thiết thực để tăng năng suất lao động có tác dụng quyết định đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhìn chung mô hình tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua về cơ bản vẫn theo mô hình cũ, chậm được đổi mới, việc tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư và số lượng lao động. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng chậm lại, phương thức phân bổ nguồn lực xã hội chưa có sự thay đổi rõ rệt, năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp còn thấp. Việc thúc đẩy tăng năng suất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nền tảng của nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững.
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chị đạo tại Diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên.
Tuy nhiên, theo Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Ngô Văn Tuấn, có một điều đáng buồn là năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7% năng suất lao động của Singapore, 17,6% của Malaysia và đặc biệt chỉ tương đương với 87,4% của Lào. Vì vậy, việc tìm ra giải pháp thiết thực để tăng năng suất lao động có tác dụng quyết định đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững. “Bên cạnh nỗ lực phát huy sức sáng tạo của chính mình, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ và tham vấn của các đối tác phát triển, cộng đồng DN, các chuyên gia trong và ngoài nước để tìm ra giải pháp, các chính sách phù hợp trong bối cảnh khoa học công nghệ tiến bộ vươt bậc”- ông Tuấn nói.
Trong khi đó, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, Phát triển nhanh và bền vững nói chung và phát triển kinh tế nhanh và bền vững nói riêng là chủ trương xuyên suốt của Đảng, thể hiện rõ ràng qua các văn kiện Đại hội Đảng, nhất là chủ trương này được nhấn mạnh và mang tầm cao mới là không những nhanh bền vững mà còn bao trùm. Trong 30 năm đổi mới nhất là 15 năm qua có thành tựu kinh tế ấn tượng, phát triển nhanh bền vững có nhiều nội dung trong đó có năng suất lao động. “Muốn có năng suất lao động tốt phải có trình độ KHCN và nền giao dục tương thích. Đó là nội dung cơ bản trong nội dung Đảng về phát triển nhanh và bền vững tới đây để năng lượng luôn là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội” – ông Nguyễn Văn Bình nói.
Trở thành “con hổ” kinh tế mới
Với 1.500 đại biểu là các học giả kinh tế hàng đầu quốc tế và Việt Nam, Diễn đàn Kinh tế vĩ mô 2018 là nơi đóng góp nhiều ý kiến, tham luận và sáng kiến cho Việt Nam về tăng trưởng, phát triển trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương sau Diễn đàn cần phải tập hợp các ý kiến, tham luận của các diễn giả để tập hợp báo cáo Bộ Chính trị, hoàn thiện Đề án tăng trưởng nhanh và bền vững để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thứ và Chính phủ để ban hành những quyết sách phát triển trong thời gian tới.
Phát biểu tại phiên đối thoại chính sách trong khuôn khổ Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh sự kỳ vọng mỗi người dân Việt Nam cần thay đổi cách nghĩ, cách làm để biến ước mơ và khát vọng nền kinh tế Việt Nam thịnh vượng trở thành hiện thực.
Năm 2017 là thành công của nền kinh tế Việt Nam với tốc độ tăng trưởng 6,81%, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á và toàn cầu. Cải cách kinh tế được đẩy mạnh, môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể, cạnh tranh bình đẳng công bằng... củng cố lòng tin của nhà đầu tư và DN, tạo ra sinh khí mới cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, Người đứng đầu Chính phủ thẳng thắn thừa nhận kinh tế Việt Nam còn đối mặt nhiều thách thức trong trung và dài hạn, trong đó làm thế nào để phát triển nhanh và bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình là yêu cầu quan trọng nhất thời gian tới. Năm 2018, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải phấn đấu cùng mục tiêu tăng trưởng trên mức Quốc hội giao, năng suất lao động xã hội cao hơn hẳn so với trước, các chỉ số môi trường được cải thiện, nền kinh tế có chuyển biến mạnh mẽ, sức sống, năng lực cạnh tranh nền kinh tế từng ngành, từng địa phương, từng DN...
Nguyên Ngoại trưởng Mỹ John Kerry: Chúng ta cố gắng đưa ra giải pháp tốt nhất trong sử dụng năng lượng, nhưng cần phải làm có trách nhiệm. “Những chính sách về năng lượng thông minh, có sẵn, không cần đợi 10 năm, 25 năm, chỉ cần đưa ra quyết định thông minh. Chính phủ Việt Nam đang muốn hướng tới nền tảng năng lượng khác biệt mà vẫn duy trì tăng trưởng, vì đang trong vị thế rất tuyệt vời để có những lựa chọn tốt hơn…
Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nền Kinh tế Việt Nam trở thành nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ, điểm đến đầu tư hấp dẫn khu vực và thế giới. Song, Thủ tướng cũng cho rằng, chúng ta không được chủ quan và thỏa mãn, Việt Nam cần kiên trì thay đổi mô hình mới dựa trên nền tảng năng suất và đổi mới sáng tạo, giảm dần sự phụ thuộc tài nguyên, lao động giá rẻ. Muốn vậy, cần biến khát vọng của dân tộc thịnh vượng thành hành động cụ thể, tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, phấn đấu trở thành con hổ kinh tế mới của châu Á. Bây giờ chưa được, nhưng tại sao lại không và luôn phải tìm câu trả lời làm gì để đạt được điều ấy.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam nên thực hiện các biện pháp để tăng trưởng, phát triển hài hòa 2 mục tiêu trên là: Năng lượng xanh và phát triển bền vững; Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh công nghệ hoá; Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua cải cách quản trị rủi ro trong tín dụng thương mại, đầu tư. Tăng trưởng và phát triển là cuộc đua maraton đường trường chứ không phải cuộc chạy đua nước rút.