Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 229 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 20/2 (tức mùng 5 Tết Mậu Tuất), Lễ hội Gò Đống Đa kỷ niệm chiến thắng đánh tan hơn 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh cách đây 229 năm đã được tổ chức.

 Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội tưởng nhớ vị anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Tới dự buổi lễ có đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra T.Ư Đảng Trần Quốc Vượng; Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải; Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TP Hà Nội và đông đảo Nhân dân tới tham dự, dâng hương kỷ niệm.
Theo ghi nhận phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, thời tiết ngày mùng 5 Tết ấm áp nên rất thuận lợi cho việc tổ chức lễ hội. Vì vậy, ngay từ sáng sớm, người dân và du khách đổ về Công viên văn hóa Đống Đa rất đông. Trong khi đó, không gian lễ hội ở đây ngập tràn sắc màu rực rỡ của cờ hội, trang phục tế lễ và kiệu rước... Ngay từ 7 giờ sáng 20/2, các đoàn tế lễ địa phương đã thực hiện nghi lễ dâng hương, tế lễ và lễ rước kiệu, múa rồng thu hút sự quan tâm của đông đảo Nhân dân và du khách thập phương.

Trước giờ khai mạc, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội cùng đoàn đại biểu các cơ quan, đoàn thể tổ chức lễ dâng hoa tại tượng đài Hoàng đế Quang Trung, nghe Trúc văn trước cửa đền thờ Hoàng đế và dâng hương tưởng niệm trong đền thờ để tưởng nhớ công lao của Hoàng đế Quang Trung anh dũng chiến đấu chống quân Thanh để bảo vệ độc lập dân tộc.
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tại Lễ hội Gò Đống Đa.

Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đã đi vào lịch sử dân tộc, ghi dấu công lao vang dội của Hoàng đế Quang Trung cùng tướng lĩnh, nghĩa quân Tây Sơn và những người con đất Việt đã anh dũng chiến đấu, hy sinh chống giặc ngoại xâm, giải phóng Kinh thành Thăng Long xưa, góp phần làm nên Hà Nội nghìn năm văn hiến, TP vì hòa bình ngày nay.

Trong diễn văn kỷ niệm 229 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Phó Bí thư quận ủy, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong ôn lại, mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, ngày này cách đây đúng 229 năm, trên mảnh đất lịch sử này, nghĩa quân Tây Sơn, dưới sự chỉ huy của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ đã hành quân thần tốc, táo bạo tiến công vào Kinh thành Thăng Long và đỉnh cao là trận chiến sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu, đánh tan hơn 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, Kinh thành Thăng Long được giải phóng, đất nước trở lại bình yên.

Từ đó, ngày mùng 5 tháng Giêng hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm truyền thống thiêng liêng, trọng đại, có ý nghĩa lịch sử rất lớn đối với Nhân dân cả nước nói chung và quận Đống Đa nói riêng. Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là sự hội tụ, phát huy tinh thần yêu nước, yêu độc lập, tự do nghìn đời của dân tộc Việt Nam; của truyền thống đoàn kết, dũng cảm và ý chí quật cường không cam chịu sống kiếp đời nô lệ.

“Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là chiến công vĩ đại, hiển hách, mãi mãi đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của Nhân dân ta; là bản hùng ca bất hủ trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta…” - Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong phát biểu.
 Chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc do Nhà hát Tuồng T.Ư thực hiện
Sau lễ khai mạc là chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc do Nhà hát Tuồng T.Ư thực hiện. Chương trình đã tái hiện lại cuộc chiến đấu thần tốc, bất ngờ của người anh hùng áo vải Quang Trung cùng nghĩa quân Tây Sơn làm nên Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vang dội.

Lễ hội Gò Đống Đa kéo dài hết ngày mùng 5 Tết với các chương trình rước rồng lửa Thăng Long, các tiết mục thi đấu võ thuật, cờ người cờ tướng... thể hiện tinh thần thượng võ, khí thế hào hùng của chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa lịch sử, hào hùng.
Gò Đống Đa hiện nay nằm trên phố Tây Sơn. Tên phố được đặt theo tên nghĩa quân Tây Sơn (nay thuộc phường Quang Trung, quận Đống Đa). Gò Đống Đa nằm ngay giữa trung tâm của quận là một khu di tích lịch sử có giá trị nổi bật với điểm đặc biệt không phải chùa, đình hay miếu mà chỉ là một cái gò nổi lên giữa khu dân cư đông đúc sinh sống.
 Các đoàn tế từ nhiều quận, huyện và các tỉnh làm lễ dâng hương dưới chân tượng đài vua Quang Trung.
 
 Nhân dân dâng hương tại Lễ hội Gò Đống Đa 2018