Thúc đẩy các động lực tăng trưởng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Nửa chặng đường đầu tiên của năm 2023, kinh tế Việt Nam trải qua nhiều khó khăn, thách thức. Từ nay đến cuối năm cần thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng và thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Động lực nào vực dậy tăng trưởng kinh tế?

GDP 6 tháng đầu năm tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020. Đây là mức tăng trưởng thấp thứ hai trong lịch sử 13 năm, chỉ cao hơn so với mức tăng trưởng của quý I/2020 là 3,2%. CPI tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,74%, cao hơn mức CPI bình quân chung.

Theo các chuyên gia, khó khăn có thể kéo dài đến hết năm 2023, thậm chí đến năm 2024. Ảnh minh hoạ
Theo các chuyên gia, khó khăn có thể kéo dài đến hết năm 2023, thậm chí đến năm 2024. Ảnh minh hoạ

Một số địa phương có mức tăng trưởng thấp. Đặc biệt, tăng trưởng của đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương và xếp hạng 56/63 địa phương. Tổng Cục Thống kê cho rằng, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% là một thách thức lớn.

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh đánh giá kết quả tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng có  một số điểm rất đáng lưu ý. Đó là khu vực sản xuất công nghiệp. Ngay cả khi nền kinh tế trải qua những cú sốc lớn về khủng hoảng hay dịch bệnh thì cũng gần như chưa bao giờ thấy ngành công nghiệp tăng trưởng sụt giảm đến như thế.

Trong khi đó, vốn là điểm sáng của nền kinh tế trong nhiều năm qua song từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn do lạm phát gia tăng trên toàn thế giới và nhu cầu giảm sút ở nhiều thị trường. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước.

Từ nay tới cuối năm, nền kinh tế thế giới giảm cầu; trong khi các chi phí đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh tăng cao. Theo các chuyên gia kinh tế, với xu hướng biến động ngày càng phức tạp, khó lường về địa chính trị và địa kinh tế trên thế giới, với độ mở lớn, khó khăn có thể kéo dài đến hết năm 2023, thậm chí đến năm 2024.

Trong bối cảnh như vậy, theo các chuyên gia Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần thúc đẩy nhiều giải pháp nhằm tạo động lực đột phá để tăng trưởng kinh tế phù hợp với một số động lực chính. Đó là tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư.

Tổng kim ngạch bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa tiêu dùng năm 2022 vượt ngưỡng 230 tỉ USD với tốc độ tăng gần 20%. Điều này cho thấy thị trường trong nước đang dần trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng.

Nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh đã góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực này. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng tăng 6,33% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,18% và 4,53% của cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021.

Về xuất khẩu, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống, thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại đã ký kết. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng các thị trường mới, đồng thời triển khai hiệu quả việc nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu, nhất là hàng nông sản xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc... Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tiếp tục theo sát diễn biến thị trường để sản xuất linh hoạt, thích ứng phù hợp khi có biến động; giảm bớt các chi phí không cần thiết.

Về đầu tư, theo Vụ trưởng Vụ Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) Phí Thị Hương Nga, giải ngân nguồn vốn này sẽ là “vốn mồi” quan trọng để thúc đẩy phát triển hạ tầng, tạo thuận lợi cho kinh doanh cùng các hoạt động kinh tế trên diện rộng.

Theo đó, cần phát huy hiệu quả các Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát các vướng mắc, khó khăn về pháp lý, thủ tục hành chính để đề xuất sửa đổi theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương.

Thực thi các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn nhận định, không chờ đến giai đoạn này, mà từ cuối năm ngoái, Chính phủ đã dự báo những khó khăn của nền kinh tế và chủ động từ ban đầu giúp đưa ra những chính sách tương đối phù hợp. Chính phủ có chương trình ngắn hạn, tập trung vào chính sách tài khóa và tiền tệ.

GS, TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân đánh giá cao thời gian vừa qua, Chính phủ đã tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ, như quyết định ngay việc giãn, hoãn các khoản đóng góp, tiền thuế… Sắp tới, Bộ Tài chính cần khẩn trương hướng dẫn triển khai Nghị định của Chính phủ về việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm 2% thuế giá trị gia tăng một số loại hàng hóa.

Ông Hoàng Văn Cường cho rằng, chúng ta đang có dư địa khá tốt để thực hiện chính sách tài khóa. Thí dụ như có thể xem xét giải pháp về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn, các giải pháp hỗ trợ xã hội hay giãn hoãn nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho những doanh nghiệp có khả năng vì khó khăn quá mà phải sa thải lao động...

Về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, tuy nhiên các ngân hàng cần tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.

Cũng theo ông Hoàng Văn Cường, tăng lương cơ sở mới kể từ tháng 7/2023 sẽ là nhân tố để kích thích nhu cầu tiêu dùng do tăng thu nhập, nâng cao mức độ thụ hưởng của người lao động. Đồng thời, lạm phát được kiểm soát hiệu quả cũng là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng.

Chia sẻ quan điểm, Uỷ viên thường trực, Ủy viên Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho biết, trong năm 2023 và những năm tới, ngoài việc xử lý các vấn đề để tạo động lực trước mắt cho tăng trưởng, còn cần phải xử lý các vấn đề để tạo nền tảng cho sự phát triển trong trung và dài hạn.

“Chúng ta cũng đã có những giải pháp dài hạn và căn cơ được làm trong suốt nhiều năm qua. Đó là chương trình cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, chương trình cơ cấu lại nền kinh tế, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội… Đó là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm thiểu thủ tục hành chính nhằm kiến tạo thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước, tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, kinh doanh” - ông Hiếu nhấn mạnh và đề nghị các bộ ngành cần quyết liệt mạnh mẽ hơn. Cùng với đó, không nên ban hành thêm quy định nào làm gia tăng thêm chi phí hoặc rào cản cho sản xuất kinh doanh, nếu cần thiết ban hành quy định mới cần tính đến cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp.