Thúc đẩy tỷ lệ sinh và nhiều hơn thế

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay cả những chính phủ "giàu có nhất, hiểu biết và tận tâm nhất" cũng đang vật lộn để tìm ra các chính sách thúc đẩy tỷ lệ sinh sụt giảm nghiêm trọng. Vậy câu hỏi đặt ra là: tại sao rất khó để thuyết phục mọi người sinh sản?

Đa dạng nỗ lực

Tính đến nay, Đài Loan (Trung Quốc) đã chi hơn 3 tỷ USD để khuyến khích công dân của mình sinh thêm con.

Sau loạt đòn bẩy thông thường kể từ năm 2009 - thời điểm vùng lãnh thổ này chứng kiến tỷ lệ sinh giảm mạnh sau nhiều thập kỷ, các nhà lập pháp Đài Loan đã bắt đầu sáng tạo hơn, với việc đứng ra tổ chức một số buổi mai mối tập thể để kết đôi cho những người trẻ tuổi và mong mỏi các cặp đôi sớm kết hôn để sinh con. Hình thức này cũng đang được một số địa phương ở Hàn Quốc - nước có tỷ suất sinh thấp nhất thế giới lúc này - áp dụng.

Nhìn lại lịch sử, tỷ lệ sinh giảm từng là câu chuyện thành công của nhiều quốc gia, là kết quả của việc phụ nữ nước đó có nhiều quyền tự quyết và tự do hơn trong hôn nhân.

Tuy nhiên, số lượng trẻ chào đời "lao dốc không phanh" trong nhiều năm trở lại đây đã làm dấy lên lo ngại trên toàn thế giới, đẩy nhiều quốc gia đến bờ vực tăng trưởng chậm lại và dân số già đi.

Tỷ lệ sinh thấp thực sự kéo theo nhiều hậu quả đối với cách vận hành của gia đình và xã hội. Ví dụ, vào năm 2010, ước tính có hơn 7 thành viên trong một gia đình sẵn sàng chăm sóc mỗi người trên 80 tuổi, nhưng tỷ lệ này sẽ chỉ còn là 4 vào năm 2030.

Một xã hội già đi cũng đồng nghĩa với việc có ít lao động hơn trong các ngành công nghiệp then chốt, cũng như ít người chi trả cho các chương trình như an sinh xã hội hơn.

Trẻ sơ sinh tại một bệnh viện phụ sản ở New York, Mỹ. Ảnh: New York Times
Trẻ sơ sinh tại một bệnh viện phụ sản ở New York, Mỹ. Ảnh: New York Times

Philip Cohen - giáo sư xã hội học tại Đại học Maryland, người chuyên nghiên cứu về vấn đề sinh sản - chỉ ra nhiều quốc gia châu Âu, từng trải qua tình trạng tỷ lệ sinh giảm mạnh trong những năm 1980 và 1990, đã áp dụng ngày một nâng cao các chính sách ủng hộ gia đình, thường bao gồm nghỉ phép có lương cho cha mẹ, hỗ trợ chăm sóc con cái…, để định hướng nhân khẩu học và cấu trúc gia đình.

Ví dụ, Áo đã kéo dài thời gian nghỉ thai sản lên 2,5 năm. Đức tăng cường đầu tư vào chăm sóc trẻ em và giáo dục mầm non, và kể từ năm 2013, mọi trẻ em trên 1 tuổi tại Đức đều có quyền được tới nhà trẻ công.

Nhiều quốc gia khác thậm chí đã phát tiền để các bậc cha mẹ sinh con: Nga bắt đầu cung cấp khoảng 7.000 USD cho các gia đình có trên 2 con, trong khi Italia và Hy Lạp đã thử nghiệm "tiền thưởng sinh con" cho mỗi đứa trẻ chào đời. Năm 2019, Hungary cấp khoản vay khoảng 30.000 USD cho mỗi cặp vợ chồng mới cưới và sẽ xóa nợ này nếu họ có 3 đứa con.

Các chiến dịch giáo dục cộng đồng cũng đã ra đời nhằm kêu gọi mọi người sinh đẻ. Ví dụ, vào năm 2012, Chính phủ Singapore hợp tác với hãng kẹo Mentos để phát hành một video nhạc rap khuyến khích các cặp vợ chồng "làm cho tỷ lệ sinh của Singapore tăng đột biến".

Hay chính quyền Copenhagen (Đan Mạch) từng "gây sốc" hồi năm 2015 với một áp phích nơi công cộng in câu hỏi: "Hôm nay bạn đã đếm trứng chưa?"

Nhìn chung, hầu hết các quốc gia đến nay đều cố gắng khuyến khích người dân sinh con một cách nhẹ nhàng, hoặc làm dịu đề xuất tế nhị này bằng các khoản tiền. Tuy nhiên, nếu những nỗ lực như vậy vẫn không hiệu quả thì việc hạn chế lựa chọn sinh sản của người dân có thể được Chính phủ cân nhắc.

Chẳng hạn, tại Mỹ, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson mới đây đã liên kết tỷ lệ sinh giảm và sự thay đổi nhân khẩu học gây ra tình trạng khan hiếm lao động ở nước này với lệnh cấm phá thai "Roe v. Wade"gây tranh cãi. Còn tại Trung Quốc, đã có những lo ngại rằng việc khuyến khích phụ nữ giảm làm việc và sinh thêm con có thể chuyển thành hình phạt đối với những người không tuân thủ, tương tự cách mà nước này từng thực hiện chính sách "Một con" có phần hà khắc.

Quyết định cuối cùng ở người dân

Nỗ lực là vậy, nhưng kết quả dường như không mấy lạc quan. Ở Mỹ, tỷ lệ sinh đã giảm liên tục kể từ cuộc Đại suy thoái, ở mức gần 23% từ năm 2007 - 2022. Ngày nay, một phụ nữ Mỹ trung bình có khoảng 1,6 con, giảm so với mức 3 con vào năm 1950 và thấp hơn đáng kể so với "mức sinh thay thế" là 2,1 trẻ em cần có để duy trì dân số ổn định.

Ở Italia, hiện cứ 7 em bé được sinh ra thì lại có 12 người chết đi. Ở Hàn Quốc, tỷ suất sinh đã giảm xuống chỉ còn 0,81 trẻ trên một phụ nữ. Còn tại Trung Quốc, sau nhiều thập kỷ thực thi chính sách "Một con" nghiêm ngặt, dân số đang giảm lần đầu tiên kể từ những năm 1960.

Trent MacNamara, giáo sư lịch sử tại Texas A&M, tác giả của loạt nghiên cứu về tỷ lệ sinh, bình luận: "Ngay cả những chính phủ giàu có nhất, hiểu biết và tận tâm nhất, cũng phải vật lộn để tìm ra các chính sách tạo ra sự tăng trưởng bền vững về mức sinh". Vậy câu hỏi đặt ra là: tại sao rất khó để thuyết phục mọi người sinh sản?

Nguyên nhân lớn nhất được chỉ ra là các quyết định liên quan đến việc sinh con, trên thực tế, lại chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố xã hội to lớn hơn và nằm ngoài phạm vi chính sách của chính phủ. Giải thích thêm về điều này, ông Cohen nói rằng khi giáo dục và năng suất kinh tế tăng lên theo thời gian, "chi phí cơ hội" khi có con cũng tăng lên. "Mọi người, đặc biệt là phụ nữ, có nhiều việc sinh lợi hơn là làm mẹ" - vị chuyên gia cho biết.

Các chiến dịch dịch vụ công hay các sự kiện dành cho người độc thân do chính phủ tài trợ bị nhận xét là thường mang bầu không khí lúng túng và ngại ngùng. Theo ghi nhận, 3 sự kiện mai mối tập thể do TP Đài Nam, Đài Loan tổ chức từ năm 2019 đến nay vẫn chưa tạo nên một đám cưới nào, chứ đừng nói đến một đứa trẻ.

Trong khi đó, việc thiếu các chính sách thân thiện với gia đình đang góp phần làm giảm tỷ lệ sinh ngay ở nền kinh tế số 1 thế giới. Một cuộc thăm dò tại Mỹ năm 2018 cho thấy, khoảng 1/4 số người được hỏi cho biết họ đã hoặc đang có kế hoạch sinh ít con hơn mức họ mong muốn. Trong đó, 64% cho rằng chi phí chăm sóc trẻ em là lý do lớn nhất.

Chi phí tăng vọt - về chăm sóc trẻ em, nhà ở, đại học… - là một thực trạng trên toàn thế giới, trong đó Hàn Quốc và Trung Quốc hiện đứng đầu danh sách những nơi đắt đỏ nhất để nuôi dạy một đứa trẻ. Từ đó, các chuyên gia tin rằng các nhà lập pháp nên tập trung vào các chính sách cho phép mọi người có được gia đình mà họ mong muốn, bất kể quy mô ra sao, thay vì cố gắng tăng tỷ lệ sinh một cách khiên cưỡng.

"Chúng ta cần đầu tư vào con người và sự thành công của họ. Chẳng hạn ở Mỹ, điều đó có nghĩa là các biện pháp phải hướng đến cải thiện khả năng tiếp cận công việc chất lượng cao, nghỉ phép có lương và chăm sóc trẻ em với giá cả phải chăng, cũng như hỗ trợ các gia đình trong quá trình chuyển đổi sang làm cha mẹ" - Alison Gemmill, giáo sư về dân số, gia đình và sức khỏe sinh sản tại Đại học Johns Hopkins, nêu quan điểm.

Cũng theo ông, bất kỳ cuộc thảo luận nào về thúc đẩy tỷ lệ sinh ở Mỹ cũng cần đề cập đến sự an toàn của trẻ em, bao gồm cả bạo lực phân biệt chủng tộc và tỷ lệ tử vong do súng đạn tăng vọt, bởi "ai cũng cần nuôi dạy con mình trong môi trường an toàn và lành mạnh".

Các chuyên gia thậm chí đề xuất, một khi cải cách chính sách gia đình không tạo ra mức tăng vọt về tỷ lệ sinh như kỳ vọng, các quốc gia có thể cần tập thích ứng, cả về kinh tế - xã hội, với một dân số già. "Các nhà lập pháp có thể phải chấp nhận rằng họ không thể kiểm soát số lượng con cái của mỗi một người dân" - giáo sư Cohen nói - "Tốt hơn hết là hãy chỉ giúp người dân giải quyết các nhu cầu của họ, và rồi để họ tự quyết định".