Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực hiện 2 Quy tắc ứng xử: Nắn chỉnh hành vi lệch chuẩn văn hóa

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa bao giờ, cụm từ “quy tắc ứng xử” (QTƯX) lại xuất hiện với tần suất nhiều như thời gian vừa qua.

Bài 2: Hiệu ứng cho thông điệp văn hóa

Người mừng, người chạnh lòng vì thực tế cho thấy câu chuyện về văn hóa ứng xử ở nhiều nơi, nhiều thời điểm dường như đang rơi vào vùng trũng khủng hoảng. Sự ra đời dồn dập khiến dư luận đặt câu hỏi, QTƯX có mang đến thay đổi, hay vẫn chỉ đơn thuần là những thông điệp… một chiều?
Chưa ra đời đã bị phản ứng

Đầu năm 2017, Hà Nội liên tiếp ban hành 2 QTƯX sau gần 8 năm nghiên cứu, trăn trở. QTƯX dành cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội được ra đời vào đầu tháng 1/2017. Tuy nhiên, trước đó một bản dự thảo được đưa ra lấy ý kiến với các quy định: Về trang phục, công chức, viên chức phải sử dụng trang phục công sở lịch sự (mặc áo có ống tay, cổ áo; mặc váy dài đến gối), đầu tóc gọn gàng, không xăm hình, vẽ hình phản cảm, sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phù hợp… Những quy định này được cho là xâm phạm vào quyền công dân.
 Khách du lịch nước ngoài mượn áo dài miễn phí tại đền Ngọc Sơn.  Ảnh: Thanh Hải
Không ít người đặt câu hỏi, việc sử dụng nước hoa, mỹ phẩm như thế nào thì được coi là phù hợp? Ai sẽ là người kiểm tra công chức có xăm hình hay không? Nhiều công chức trót xăm mình lo lắng khi đối diện với “án” cắt giảm nhân sự chỉ bởi chút mực trên người. Chị em phụ nữ lo lắng khi đứng trước hai sự lựa chọn, một là “xấu” đi, hai là bị xử phạt vì trang điểm, xức nước hoa “không phù hợp”.

PGS.TS Hà Thị Mai Hiên (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cùng nhiều chuyên gia xã hội học bày tỏ không đồng tình vì quy định về sử dụng nước hoa, mặc váy trong dự thảo QTƯX dành cho công chức Hà Nội: “Dùng nước hoa thì sao, không phù hợp là thế nào? Công chức mà đến công sở thì chỉ cần ăn mặc không trái với hoạt động chung chứ lại mặc trên với dưới đầu gối. Còn nước hoa thì mỗi người có một mùi hương riêng”. Có thể trên phương diện câu chữ thì một số điều khoản ở dự thảo QTƯX có hơi cứng nhắc. Bởi chúng ta không thể đánh giá nhân cách cũng như hiệu quả làm việc của cá nhân thông qua những hình xăm, hương thơm trên người hay cách trang điểm.

Lắng nghe những góp ý của người dân, Hà Nội đã chỉnh sửa dự thảo QTƯX cho phù hợp. Tuy nhiên, khi mới ban hành, không phải ai nghe cũng lọt tai những quy định trong QTƯX. Đúng như quan điểm của nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: “Tôi chắc rằng, sự vật ngay từ đầu cũng không thể hoàn hảo ngay được nên câu cuối cùng trong QTƯX của cán bộ, công chức, người lao động đã nêu, quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh sẽ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung. Câu đấy cũng là câu tốt và trong thực tế, có những điều đã thực hiện rồi nhưng vẫn còn các ý kiến, chính kiến, yêu cầu đa dạng khác nhau”.

"Hiện nay có một số dư luận phản ánh hiện tượng cán bộ, công chức có thái độ không đúng mực. Do đó, việc Hà Nội đưa ra QTƯX cán bộ, công chức là hợp lý." - GS.TS Nguyễn Hữu Tri - Viện trưởng Viện Đào tạo nghiên cứu về tổ chức và hành chính


"Tôi rất đồng tình với việc ban hành QTƯX nơi công cộng của Hà Nội. Nó giống như hương ước ứng xử của làng xã Việt Nam. Ông cha ta đã xây dựng và thực hiện thành công các hương ước làng để đảm bảo trật tự, lối sống trong làng, thì không có cớ gì một TP lớn đang đứng trước rất nhiều nguy cơ lệch chuẩn văn hóa như công chức đánh người, bún mắng, cháo chửi mà lại không xây dựng ra một bộ QTƯX." - PGS.TS Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học)

2 tháng sau khi ban hành QTƯX dành cho các cơ quan hành chính, Hà Nội tiếp tục ban hành QTƯX nơi công cộng, với những quy định cấm vứt rác bừa bãi, nói to, gây tiếng ồn, phá cây xanh, xâm hại hoa, cỏ, cảnh quan; chiếm dụng vỉa hè lòng đường; đun nấu đốt củi trên vỉa hè… Những quy định này đã “đánh trúng” vào những bức xúc về sự phản cảm nơi công cộng nên được người dân nhiệt tình hưởng ứng.

Quần ngắn, áo sát nách hết đất diễn ở di tích

4 chương, 11 điều của QTƯX dành cho khối các cơ quan hành chính trên địa bàn Hà Nội nhanh chóng được in phát bằng những quyển sổ cầm tay hoặc trên một mặt giấy A4 để mọi cán bộ, công chức, viên chức có thể đọc và dễ nhớ. Không hô hào khô cứng, nhiều địa phương đã mềm hóa các quy định bằng các tiểu phẩm kịch, các bài hát rap hoặc câu vè dễ nhớ. Quận Đống Đa nổi tiếng với tiểu phẩm “Làm hay không làm?” để tuyên truyền về quy định đi làm đúng giờ, không ăn lận giờ làm việc vào các việc cá nhân. Đặc biệt, địa phương này đã cập nhật trào lưu bán hàng online trong thời gian làm việc ở công sở của nhiều cá nhân…

Bước vào đền Ngọc Sơn, chùa Quán Sứ, khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đập vào mắt du khách là tấm biển thông tin những quy định của QTƯX nơi công cộng, đặt ngay tại cổng vào di tích. Các nội dung của QTƯX nơi công cộng được trình bày dễ hiểu bằng ngôn ngữ Việt - Anh. Ngoài ra, ăn mặc phản cảm không còn đất diễn ở các di tích. Ban Quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội triển khai cho du khách mặc quần áo không phù hợp mượn miễn phí áo choàng vào tham quan di tích đền Ngọc Sơn. Còn ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, trước khi có những bộ áo choàng thiết kế riêng cho các du khách nhỡ mặc quần đùi, áo sát nách muốn vào nơi thờ tự, Trung tâm Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám phân công nhân viên nhắc nhở du khách không vào khu thờ tự nếu trang phục không phù hợp. Trung tâm đề nghị các hãng lữ hành khi đưa khách vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám cần khuyến cáo du khách mặc trang phục phù hợp ngay từ ban đầu. “Quan điểm chúng tôi là giải quyết vấn đề này ngay từ gốc, khi khách đã đến di tích rồi khó có thể ngăn không cho họ vào được” - Giám đốc Trung tâm Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết.

Những động thái ráo riết triển khai thực hiện QTƯX ngay từ khi mới ban hành giúp Hà Nội phần nào ngăn chặn được những phản cảm, nhưng vẫn khiến nhiều người hoài nghi về hiệu quả do nó đem lại.

(Còn nữa)