Thực hiện chính sách dân tộc: Sở, ngành phối hợp chưa chặt chẽ

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính sách dân tộc đã được T.Ư, TP ban hành đầy đủ, kịp thời tuy nhiên, sự vào cuộc của một số sở, ngành chưa thực sự tích cực.

Đây là nội dung được thảo luận nhiều nhất tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 do Ban Dân tộc TP tổ chức sáng 3/7.
Cụ thể chính sách hỗ trợ
Nửa đầu năm 2019 ghi nhận tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn Hà Nội tiếp tục phát triển ổn định. Có được kết quả trên là nhờ việc thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách dân tộc của T.Ư, TP.
 Nhiều hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế. Ảnh: Trọng Tùng
Theo đó, từ đầu năm đến nay, Ban Dân tộc TP đã phối hợp với các sở ngành, hướng dẫn 14 xã thuộc 5 huyện vùng DTTS triển khai Kế hoạch số 216/KH-UBND của UBND TP về thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 – 2020, với tổng kinh phí trên 21 tỷ đồng.
Đồng thời phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tham mưu TP ban hành Quyết định số 900/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch phân bổ nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó, cho vay hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS gần 15 tỷ đồng. Hiện, các địa phương đang tích cực triển khai kế hoạch.
Cùng với hai chính sách phát triển kinh tế trọng tâm trên, thời gian qua, Ban Dân tộc TP cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn 5 huyện triển khai Quyết định số 798/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng hôn nhân và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 – 2025”; Kế hoạch số 20/KH-UBND của UBND TP về thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2019 – 2025” theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2017 – 2020”, Ban Dân tộc TP cũng đã tổ chức 12 lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho cán bộ làm công tác dân tộc từ huyện đến cơ sở...
Sở, ngành cần tích cực vào cuộc
Mặc dù T.Ư và TP đã có nhiều chính sách cho vùng đồng bào dân tộc, song nhiều ý kiến tại hội nghị đã nhận định, sự phối hợp giữa các sở, ngành của Hà Nội, đặc biệt là Sở Nội vụ và Sở TN&MT có lúc còn thiếu chặt chẽ.
Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ về Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030, Ban Dân tộc TP đã chủ động xây dựng Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực và việc làm cho người DTTS Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020 và hai lần trình TP xem xét. UBND TP cũng đã có ý kiến giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thống nhất đề xuất, báo cáo TP phê duyệt. Tuy nhiên đến nay, kế hoạch trên vẫn chưa được thông qua.
Triển khai Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, TP đã ban hành Kế hoạch số 216/KH-UBND để tổ chức thực hiện tại các địa phương. Tuy nhiên, theo Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Ba Vì Lê Văn Sử, quá trình triển khai phát sinh vướng mắc do hiện nay các sở, ngành vẫn chưa ban hành quy định về định mức bình quân diện tích đất sản xuất cho mỗi hộ gia đình trên địa bàn huyện, làm cơ sở xác định số hộ thiếu đất sản xuất để thực hiện chính sách.
Liên quan tới vấn đề trên, Trưởng ban Dân tộc TP Nguyễn Tất Vinh cho biết, đơn vị đã nhiều lần có văn bản gửi Sở TN&MT phối hợp giải quyết khó khăn vướng mắc trong thực hiện Kế hoạch số 216.
Tuy nhiên đến nay, Sở TN&MT vẫn… im hơi lặng tiếng. Chính vì vậy, kiến nghị UBND TP tiếp tục quan tâm, đôn đốc các sở ngành, tích cực phối hợp với Ban trong việc triển khai các chính sách dân tộc, bảo đảm mục tiêu phát triển vùng DTTS và miền núi của Thủ đô.