Thực hiện mục tiêu có 400.000 doanh nghiệp hoạt động: Quyết liệt vào cuộc, hỗ trợ hiệu quả

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Từ 1/8, Hà Nội sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí và dịch vụ tiện ích khi làm thủ tục thành lập DN” - Đây là chính sách quan trọng, tạo cơ chế thuận lợi cho DN gia nhập thị trường, bên cạnh các giải pháp thúc đẩy DN hoạt động hiệu quả, mở rộng sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện mục tiêu 400.000 DN đăng ký vào năm 2020. Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ngay sau khi HĐND TP chính thức thông qua nội dung trên.

 Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền
HĐND TP đã thông qua đề xuất của UBND TP là miễn phí thành lập và hỗ trợ các dịch vụ tiện ích khi làm thủ tục đăng ký kinh doanh DN, đề xuất này có ý nghĩa như thế nào. Và Sở KH&ĐT được TP giao thực hiện cụ thể ra sao, thưa ông?

- Ngoài việc triển khai các chính sách hỗ trợ của T.Ư theo quy định tại Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) có hiệu lực từ 1/1/2018, Hà Nội sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ riêng theo cơ chế của TP sau khi HĐND TP thông qua cho DN thành lập mới gồm: Hỗ trợ phí công bố nội dung đăng ký DN lần đầu tại Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia cho DNNVV thành lập mới; hỗ trợ kinh phí làm một dấu pháp nhân công ty cho DN thực hiện đăng ký qua mạng điện tử; kinh phí chuyển phát nhanh cho DN thành lập mới nhận kết quả Giấy chứng nhận đăng ký DN tại nhà/ trụ sở làm việc. Việc hỗ trợ sẽ thực hiện từ 1/8/2018. Chúng tôi sẽ rà soát lại quy trình, tất cả các khâu phải được thực hiện công khai minh bạch (ví dụ như lựa chọn DN nào cung cấp khắc dấu, lựa chọn ngân hàng cung cấp tài khoản trực tuyến…) cung cấp tốt nhất cho DN. Xây dựng quy trình hỗ trợ như thế nào, các bước ra sao, phải thực hiện tốt công khai đảm bảo quy trình.

Dù tính ra mức hỗ trợ chi phí cho mỗi DN thành lập mới chỉ khoảng 620.000 đồng nhưng cảm nhận đây là bước đầu, là một trong những giải pháp thiết thực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN khởi nghiệp, đồng thời góp phần khuyến khích, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh thành lập DN trên địa bàn Hà Nội.

Việc hỗ trợ DN như trên mới chỉ là tạo điều kiện cho DN gia nhập thị trường. Nhưng để DN duy trì hoạt động, hoạt động hiệu quả, lâu dài… thì cần thêm nhiều chính sách, thể chế khác? Làm sao để DN thấy được cái lợi khi tham gia chuyển từ hộ kinh doanh lên DN?

- Không chỉ dừng lại ở thành lập DN, từ nay đến hết 2018, Sở KH&ĐT tiếp tục phối hợp với các đơn vị, đề xuất hỗ trợ các DN đồng bộ kể cả trong quá trình sản xuất, kinh doanh. UBND TP đã giao Sở KH&ĐT nghiên cứu Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ. Ví dụ như, khi thành lập rồi, tham gia thị trường có những vấn đề liên quan đến vốn, lao động, mặt bằng, đào tạo, định hướng thị trường, kết nối kinh doanh… những nội dung này Sở KH&ĐT tiếp tục cùng các đơn vị của TP có cơ chế chính sách hỗ trợ. Hiện UBND TP đang xem xét, xin ý kiến góp ý của Bộ KH&ĐT, dự kiến ban hành và triển khai thực hiện ngay trong tháng 7/2018.
 Làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT Hà Nội.  Ảnh:  Hải Linh
Cùng với đó, tổ chức nhiều cuộc đối thoại với DN từ đó có cơ chế chính sách, tháo gỡ kịp thời… làm sao để DN tiết kiệm thời gian nhất, yên tâm tập trung vào kinh doanh cho ra sản phẩm chất lượng, thúc đẩy DN hoạt động hiệu quả cao nhất, tốt nhất.

Mục tiêu Hà Nội đặt ra là 400.000 DN, ông có thể cho biết những năm qua Hà Nội đã làm gì để hỗ trợ DN?

- Tính đến tháng 7/2018, tổng số DN đăng ký thành lập trên địa bàn Hà Nội là 251.460 DN. Riêng 6 tháng đầu năm, TP đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho gần 12.500 DN thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 140.000 tỷ đồng, tăng 50% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Trung bình giai đoạn 2015 - 2017, số DN thành lập mới tăng từ 9 - 11%/năm. Bình quân cứ 38 người dân Thủ đô có 1 DN được đăng ký thành lập, cao gấp 3,7 lần mức bình quân chung cả nước (là 150 người dân/DN).

Không phải cho đến hiện nay, Hà Nội mới triển khai các chính sách hỗ trợ dành cho DN. Trước thời điểm Luật Hỗ trợ DNNVV ra đời, TP đã thực hiện nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ; thực hiện các dịch vụ tiện ích hỗ trợ DN như: Đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV; Thông qua: Chương trình đào tạo, tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; Hỗ trợ các thủ tục về đầu tư dự án và thủ tục đăng ký kinh doanh; Kinh phí nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng đề tài khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; Hỗ trợ hoạt động xúc tiến đầu tư; Cung cấp thông tin và xúc tiến thương mại mở rộng thị trường; Hình thành một số vườn ươm DN trong các lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, công nghệ thông tin; Hỗ trợ tiếp cận tài chính: Hỗ trợ về lãi suất sau đầu tư và vốn vay sản xuất kinh doanh; Triển khai Chương trình kết nối DN – Ngân hàng; Tiếp cận Quỹ đổi mới sáng tạo quốc gia, Quỹ phát triển DNNVV…

Với lĩnh vực được giao phụ trách, thời gian tới Sở KH&ĐT sẽ hành động thế nào để hướng tới mục tiêu này?

- Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nội dung mà Thành ủy, HĐND, UBND TP đã giao nhiệm vụ cho Sở KH&ĐT với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp cùng các sở, ngành của TP tập trung cải thiện mạnh về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), về môi trường đầu tư kinh doanh. Với các mục tiêu đặt ra phấn đấu Top 10 trong cải thiện chỉ số PCI, tập trung khuyến khích hỗ trợ, thúc đẩy DN khởi nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho DN. Với 251.460 DN hiện có, để phấn đấu đạt 400.000 DN, từ nay đến 2020 Hà Nội cần thành lập mới thêm được khoảng 160.000 DN đây là nhiệm vụ rất khó khăn cần phải có nhiều giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị TP để tuyên truyền, vận động về những chủ trương chính sách hỗ trợ của Chính phủ và TP, phải nhất quán chủ trương trong công tác hỗ trợ DN, tinh thần lấy DN làm đối tượng phục vụ, mọi hoạt động hỗ trợ DN phải thiết thực, hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần