Thuốc lá - nguyên nhân gây bệnh mạch máu ít được chú ý

PGS.TS. BS Nguyễn Hoài Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bệnh mạch máu có nhiều biến chứng nguy hiểm, với nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân chủ yếu là người bệnh hút thuốc lá. Cần nhấn mạnh, dù điều trị thế nào đi nữa, phải kiên quyết bỏ hẳn thuốc lá, việc giảm hút dù rất nhiều cũng không mang lại kết quả nào cho người bệnh.

Thuốc lá và bệnh viêm tắc mạch máu ngoại vi

Bệnh viêm tắc động mạch mạn tính (bệnh Buerger) do tình trạng viêm nhiễm nặng nề của toàn bộ 3 lớp thành động mạch và các tĩnh mạch đi kèm, gây nên những di chứng nặng nề là hoại tử chi và diễn tiến cuối cùng là phải cắt cụt chi bị hoại tử.

Bệnh thường xảy ra ở người trẻ tuổi dưới 45, đàn ông, nghiện thuốc lá, có tổn thương loét hoại tử khu trú ở đầu ngón chân và không có các yếu tố biểu hiện của các loại bệnh khác như: xơ vữa động mạch, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipide, đái tháo…
 Hút thuốc lá là nguyên nhân gây bệnh mạch máu. Ảnh: Trần Anh
Các biểu hiện chính của bệnh: Đau, là triệu chứng quan trọng nhất chiếm đến 75 - 80% số bệnh nhân và là biểu hiện đầu tiên của tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng chi. Lúc đầu, bệnh nhân có tình trạng đau cách hồi, đau như chuột rút ở bắp chân, đau xuất hiện khi đi lại nhiều và giảm khi nghỉ ngơi. Về sau đau liên tục, bệnh nhân không chịu nổi, đau nhiều về đêm, có khi người bệnh lâm vào tình trạng trầm cảm vì đau đớn.

Ngoài ra, khi khám bệnh Bác sĩ còn phát hiện thêm các triệu chứng: xanh tím, tím tái và cuối cùng là hoại tử đen của chi bị tắc động mạch. Tình trạng liệt chi và mất mạch, rối loạn cảm giác, dị cảm cũng rất hay gặp và là những dấu hiệu tiên lượng rất xấu của bệnh.

Những xét nghiệm cơ bản cần phải làm: Siêu âm Doppler màu mạch máu là xét nghiệm đầu tay, tiếp đến là chụp hình động mạch với thuốc cản quang bằng kỹ thuật số.

Ở giai đoạn sớm của bệnh, có thể thấy các tổn thương của tĩnh mạch nông đi kèm, biểu hiện bằng tình trạng viêm tắc tĩnh mạch tái phát. Hiếm khi thấy tổn thương của các tĩnh mạch lớn và sâu như tĩnh mạch đùi hoặc tĩnh mạch chậu.

Bệnh có thể tiến triển thành nhiều đợt cấp, trên nền tổn thương mạn tính. Sau giai đoạn cấp là giai đoạn hình thành của các mạch máu bàng hệ, đó là các nhánh nối bắc cầu của chính cơ thể, giai đoạn này rất quan trọng ở những bệnh nhân trẻ. Người bệnh thấy giảm hoặc hết các triệu chứng đau nhức, triệu chứng tím tái đầu ngón chi và bệnh có thể tự lành. Tuy nhiên, chu kỳ lành bệnh này có thể bị phá vỡ nếu bệnh nhân tiếp tục hút và gia tăng mức độ hút thuốc lá. Bệnh tiến triển theo xu hướng nặng dần, khoảng cách giữa các lần lành bệnh ngắn lại, thời gian đau kéo dài ra và tỷ lệ tử vong của bệnh nhân trong vòng 10 năm cao gấp 3 lần so với những người bình thường, tỷ lệ phải cắt cụt chân lên đến trên 20%, đó là ở Mỹ và các nước phát triển, còn ở nước ta, tỷ lệ này còn cao hơn nhiều.

Trong điều trị bệnh Buerger, hiện nay có hai cách điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa.

Điều trị nội khoa bao gồm: Nằm nghỉ tại giường, hạn chế tối đa vận động, chống đau cho bệnh nhân bằng các thuốc giảm đau, nhưng thường thì không có hiệu quả, săn sóc vết thương tại chỗ, các thuốc làm giãn mạch và làm loãng máu cho bệnh nhân. Điều trị ngoại khoa là giai đoạn kế tiếp theo sau, nhưng các biện pháp can thiệp như: cắt thần kinh giao cảm, phẫu thuật bắc cầu động mạch rất khó thực hiện và không có hiệu quả, cuối cùng đều đưa đến cắt cụt chân…

Viêm tắc động mạch do xơ vữa và hút thuốc lá

Hút thuốc lá, trong thực tế không những là một trong những nguy cơ gây xơ vữa động mạch mạnh nhất. Các yếu tố khác là: đàn ông, tiền sử gia đình có người bị thiếu máu cơ tim, rối loạn chuyển hóa lipid, béo phì ở bụng, tiểu đường, cao huyết áp… Ngoài ra nó còn là một trong những yếu tố khi bị giảm hoặc bỏ hẳn thì sẽ làm giảm rõ ràng nguy cơ phát triển bệnh xơ vữa động mạch. Các bằng chứng nghiên cứu trong nhiều năm cho thấy: Có sự gia tăng trung bình vào khoảng 70% và tăng gấp 3 - 5 lần nguy cơ bị nhồi máu cơ tim do tắc động mạch vành ở những người hút một gói thuốc một ngày so với những người không hút thuốc lá. Tỷ lệ tổn thương xơ vữa của động mạch vành cũng tăng lên đáng kể ở những phụ nữ trên 35 tuổi có sử dụng thuốc ngừa thai và hút thuốc. Cơ chế gây bệnh chính của thuốc lá là gây nhiễm độc trực tiếp trên lớp nội mạc động mạch, do việc tạo thành các chất oxy hóa.

Khác với bệnh Buerger, những bệnh nhân bị tắc động mạch do xơ vữa mạch máu thường trên 50 tuổi, tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn có những bệnh nhân còn khá trẻ. Các mạch máu bị tổn thương ngoài các động mạch ngoại vi còn có cả các động mạch lớn như động mạch chủ gây phình hoặc bóc tách động mạch chủ bụng, ngực là một cấp cứu tối khẩn cấp, nếu không xử trí kịp thời người bệnh có thể tử vong.

Các tổn thương khác: Tắc động mạch vành tim, tắc động mạch tạng gây tình trạng hoại tử ruột, có khi phải cắt toàn bộ ruột non và ruột già, tắc động mạch thận làm nặng thêm tình trạng cao huyết áp có sẵn của bệnh nhân...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần