Thương mại điện tử Việt Nam trước những thách thức mới

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính theo giá trị thanh toán, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Trung Quốc đạt 2,2 ngàn tỉ USD chiếm một phần ba toàn cầu theo sau là Mỹ và Vương quốc Anh. TMĐT Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào?

Nếu như TMĐT Việt Nam chỉ mới phát triển ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh (hơn 70% thị phần) thì sự tăng trưởng của thị trường Trung Quốc gần đây nhờ sự phát triển của các hoạt động TMĐT ở khu vực nông thôn. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, doanh số bán lẻ trực tuyến ở khu vực nông thôn đã tăng 12,5% trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022.

Kinh nghiệm Trung Quốc

Việc mua sắm trực tuyến cho phép khách hàng xem trước và mua sản phẩm thông qua các nội dung livestream đã biến mua sắm trực tuyến thành một xu hướng tại Trung Quốc. Các nền tảng mạng xã hội như WeChat đã chớp tốt thời cơ này khi cung cấp nhiều ứng dụng phụ cũng nhiều tính năng hữu ích cho phép người dùng mua sản phẩm mà không cần phải tải thêm app hoặc chuyển hướng đến một trang web khác. Các giải pháp thanh toán trực tuyến của Alipay và WeChat Pay đang làm rất tốt nhiệm vụ kết nối.

Kho hàng ở Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: CFP
Kho hàng ở Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: CFP

Các chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới đánh giá thị trường TMĐT Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển nhờ sự gia tăng của số lượng người mua sắm trực tuyến, sự cải thiện và phổ biến của các cơ sở hạ tầng, phương tiện thanh toán. Thị trường TMĐT Trung Quốc dự kiến ​​​​sẽ tăng trưởng với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm 11,6% từ năm 2023 đến năm 2027 và sẽ đạt 23,5 nghìn tỷ NDT vào năm 2027.

Trong 5 năm qua, giá trị TMĐT xuyên biên giới của Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần. Trong vòng năm 5 tỷ trọng trong giá trị ngoại thương cũng tăng từ dưới 1% lên 5%. Ước tính có hơn 100.000 người tham gia thị trường TMĐT xuyên biên giới ở Trung Quốc. Logistics là mối quan tâm lớn đối với TMĐT xuyên biên giới. JD Logistics, đơn vị giao dịch hàng hóa của JD.com, vận hành gần 90 kho ngoại quan trên khắp thế giới và có kế hoạch phát triển mạng lưới hậu cần chuỗi cung ứng toàn diện bao phủ các nước lớn trên toàn cầu trong vòng ba năm tới. Nền tảng thương mại điện TMĐT quốc tế AliExpress của Alibaba và đơn vị chuyển phát nhanh Cainiao cũng đang hướng tới thị trường nước ngoài.

Xây thêm kho, giao hàng chỉ 12 giờ

Sau khi hoàn thành mục tiêu giao hàng trên toàn quốc là 24 giờ, các sàn TMĐT Trung Quốc đang đặt mục tiêu sẽ giao hàng trên toàn quốc lên 12 giờ. Nên nhớ Trung Quốc là quốc gia có diện tích là 9.597km2, đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Liên bang Nga (17.075 km2) và Canada (9.971 km2) thực hiện được điều này là điều “không tưởng”.

“Để làm được điều này, chắc chắn Trung Quốc phải dựa vào hệ thống 45.000 km2 đường sắt tốc độ cao, dùng robot AI để tìm kiếm hàng hoá trong kho và xây dựng hệ thống các kho hàng lớn gần sát với người mua nhất, để đảm bảo thời gian giao hàng cho người mua nhanh nhất” CEO AZ Digital Phạm Trung Thành, đơn vị đang làm tư vấn Chuyển đổi số nhận định.

Xây mới nhiều kho hàng ở các thành phố Thiên Tân, Trùng Khánh, Thâm Quyến, Quảng Châu, Thượng Hải, Hàng Châu, Bắc Kinh, Thành Đô, Cáp Nhĩ Tân, Vũ Hán cùng hàng ngàn địa điểm livestream bán hàng, thanh toán online thuận lợi, tốc độ đưa hàng nhanh là điều kiện để TMĐT nước này phát triển trong thời gian tới. Sự xuất hiện của các kho hàng khổng lồ tại Quảng Châu, Đông Hưng, Bằng Tường, Côn Minh, Hà Khẩu nằm trong chiến lược này và là điều kiện TMĐT xuyên biên giới của Trung Quốc phát triển. Tỷ trọng xuất khẩu trên GDP tỷ trọng xuất khẩu trên GDP (trên 3.700 tỉ USD) của Trung Quốc chỉ 22% nhưng chắc chắn sẽ đe dọa đáng kể Việt Nam tỷ lệ trên 83% (trên 339 tỉ USD- số liệu 2022). Đơn giản là các giá trị tuyệt đối bán hàng trên sàn của Trung Quốc lớn gấp nhiều lần Việt Nam, lại đang có lợi thế về giá.

Tiểu thương Chợ Đồng Xuân chuyển hướng bán hàng trực tuyến. Ảnh TT
Tiểu thương Chợ Đồng Xuân chuyển hướng bán hàng trực tuyến. Ảnh TT

Các mặt hàng Việt bán phổ biến trên Amazon như đồ thực phẩm chức năng, chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc sắc đẹp, dệt may, cà phê, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng, gia vị cho món ăn, đồ nội thất, đồ nhà bếp…sẽ bị cạnh tranh. Với các kho hàng sát biên giới, thời gian giao hàng các địa phương phía Bắc chỉ còn 1-2 ngày, thì ngành hàng bán lẻ Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc. Dự báo doanh thu Tiktok Shop Việt Nam năm 2024 lên đến trên 200 ngàn tỷ đồng là có cơ sở.

Sự cạnh tranh sẽ gia tăng khi các sàn TMĐT Trung Quốc đang có kế hoạch đào tạo người Việt Nam livestream bán hàng cho họ, kinh nghiệm đào tạo hơn 1,2 triệu nhân viên livestream mấy năm qua sẽ khiến họ không gặp khó khăn khi tiến hảnh công việc này. Với chiến lược “các kho hàng gần người mua nhất, thời gian giao hàng nhanh nhất” chắn chắn các quốc gia có đường biên giới sát với Trung Quốc không còn cách nào khác phải nhanh chóng phát triển TMĐT.