Thưởng Tết - không chỉ ở con số

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Câu chuyện thưởng Tết cứ “đến hẹn lại lên” và luôn là đề tài nóng trong những ngày Tết đến, Xuân về. Dù việc thưởng Tết cho người lao động không có quy định bắt buộc, nhưng từ lâu đã trở thành văn hóa của các đơn vị, DN tại Việt Nam.

Thưởng Tết cũng là một phần không thể thiếu trong các mối quan hệ nghề nghiệp, không chỉ mang lại niềm vui, sự quan tâm, còn là động lực để người lao động thêm gắn bó với đơn vị.

Mức thưởng Tết – đề tài đã và đang được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. “Thưởng Tết năm nay được bao nhiêu?”, là câu hỏi hầu như ai trong độ tuổi lao động cũng ít nhiều nhận được vài lần trong những ngày này.

Và nhìn từ thực tế năm nay, mặt bằng chung cho thấy, mức thưởng cũng dao động từ khoảng từ 500.000 đồng đến 7 triệu đồng/người, tùy theo tình hình kinh doanh, sản xuất của từng đơn vị, tùy theo lĩnh vực làm việc công lập hay tư nhân.

Như vậy có thể nói, trong điều kiện nền kinh tế đang vực dậy sau những khó khăn, mức thưởng Tết trung bình này cũng cho thấy những tín hiệu đáng mừng. Và nhiều nơi còn có thêm những hình thức thưởng khác để hỗ trợ, động viên, khích lệ thêm người lao động khó khăn trong dịp Tết. Có thể nói, thưởng Tết tốt hơn không chỉ mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người lao động trong những ngày Tết đoàn viên mà còn là động lực gắn kết, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế.

Nhưng cùng với niềm vui, vẫn còn những nỗi buồn khi mức thưởng Tết lại thường song hành cùng với mức thu nhập của người lao động. Ấy là mức tiền thưởng Tết cao chủ yếu nằm ở những đơn vị làm ăn khá, thu nhập thường xuyên của người lao động ở những đơn vị này cũng ổn định ở mức cao và ngược lại ở những DN, đơn vị thu nhập bình quân của người lao động thấp thì tiền thưởng Tết cũng… gọi là cho có. Vẫn có những hiện tượng thưởng Tết bằng hiện vật, hoặc thưởng Tết mà người lao động nhận rồi còn thấy buồn hơn.

Tùy theo văn hóa và điều kiện cụ thể của từng đơn vị, DN mà mức thưởng Tết có thể nhiều hay ít. Nhưng không chỉ ở những con số về mặt tài chính, mà thưởng Tết còn đồng nghĩa với sự chăm sóc đến an sinh xã hội, hơn lúc nào hết, vai trò của tổ chức công đoàn các cấp cần được phát huy, trở thành cầu nối giữa người lao động và DN để có được những quyết định thưởng phù hợp, công bằng nhất.

Và như chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, công đoàn cơ sở đã đề xuất với DN xây dựng công khai phương án trả lương và thưởng Tết trước ngày nghỉ Tết Nguyên đán 20 ngày nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Cùng với đó, rà soát quy chế lương, thưởng để đảm bảo việc thực hiện theo đúng quy định.

Vấn đề này được nhiều DN và người lao động hưởng ứng, bởi tạo ra sự minh bạch. Công đoàn cơ sở cũng cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động; kịp thời hướng dẫn, động viên người lao động chia sẻ, đồng hành cùng DN để có được việc làm ổn định, đảm bảo cuộc sống lâu dài. Ngược lại, phía DN cũng cần chia sẻ với người lao động, tùy tình hình thực tế có thể tăng lương, thưởng Tết để người lao động cảm thấy phấn khởi hơn, nhất là trong thời điểm năm hết, Tết đến.

Từ câu chuyện thưởng Tết, không chỉ dừng ở con số ít hay nhiều, mà việc chăm lo tốt cho người lao động dịp Tết sẽ khẳng định uy tín, thương hiệu của DN, của tổ chức công đoàn và tạo sự gắn kết mật thiết giữa người lao động với tổ chức công đoàn và DN. Sự sẻ chia từ hai phía sẽ giúp người lao động được vui Xuân, đón Tết trong không khí đầm ấm, thẫm đẫm sự quan tâm và tạo ra sự gắn bó lâu dài, tích cực thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo thúc đẩy DN phát triển nhanh và bền vững hơn.