Thượng viện Mỹ công bố gói đầu tư hạ tầng nghìn tỷ USD sau nhiều lần trì hoãn

Nguyễn Phương (Theo AP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều tuần thảo luận căng thẳng, ngày 1/8, các thượng nghị sĩ Mỹ đã công bố dự luật về đầu tư cơ sở hạ tầng lịch sử trị giá 1.000 tỷ USD.

Phát biểu tại phiên họp của Thượng viện Mỹ ở Washington hôm 1/8, lãnh đạo phe Dân chủ Chuck Schumer cho biết nhóm nghị sĩ lưỡng đảng đã hoàn tất nội dung dự luật cơ sở hạ tầng và Thượng viện có thể tiến hành các sửa đổi liên quan ngay trong tuần này.
Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer phát biểu trong cuộc họp báo bên ngoài tòa nhà quốc hội ở thủ đô Washington hôm 16/6/2020. Ảnh: AP
Theo ông Chuck Schumer, cuộc bỏ phiếu thông qua dự luật về gói đầu tư hạ tầng này có thể được tổ chức "trong vài ngày tới".
Dự luật - đề xuất quan trọng trong chương trình nghị sự sâu rộng của Tổng thống Joe Biden - dài khoảng 2.700 trang và cung cấp khoản tài trợ một nghìn tỷ USD. Lãnh đạo đảng Dân chủ đã tập hợp thành công một số nghị sĩ Cộng hòa để hoàn tất đề xuất này.
Nhóm nghị sĩ ra tuyên bố chung cho biết mục tiêu của dự luật là đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tạo việc làm mà không tăng thuế.
Nếu được thông qua, dự luật sẽ cung cấp tài chính cho các khoản đầu tư liên bang lớn chưa từng có trong giao thông công cộng, vận tải, xử lý nước sạch, hệ thống kết nối Internet tốc độ cao cho người dân.
Các nhà đàm phán chính của lưỡng đảng, Rob Portman - thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, và Thượng nghị sĩ Kyrsten Sinema của đảng Dân chủ, ca ngợi dự luật sẽ có lợi cho tất cả người dân Mỹ.
Dự luật này sẽ cần được lưỡng viện thông qua, trước khi Tổng thống Biden ký thành luật.
Sau dự luật về xây dựng cơ sở hạ tầng, Nhà Trắng sẽ tiếp tục thúc đẩy một kế hoạch tham vọng khác, đó là dự luật ngân sách cho chăm sóc y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội, và biến đổi khí hậu trị giá 3.500 tỷ USD.
Tuy nhiên, rất ít khả năng đảng Cộng hòa sẽ hợp tác với Tổng thống Biden và phe Dân chủ để thông qua dự luật này tại Quốc hội.