Tích hợp mã số thuế vào căn cước công dân: Giảm phiền hà, tăng hiệu quả quản lý

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ quan thuế đang đẩy nhanh tiến độ thay toàn bộ mã số thuế (MST) cá nhân hiện nay bằng số căn cước công dân. Việc tích hợp này được đánh giá cao, vừa thuận lợi cho công tác quản lý, vừa giảm thời gian, chi phí cho người dân.

Thuận lợi, minh bạch

Việc chuẩn hóa dữ liệu MST với số căn cước công dân nhằm cụ thể hóa Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” ban hành kèm theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06); tiến tới chuyển sang sử dụng số căn cước công dân thay cho MST. Mục tiêu của việc rà soát, chuẩn hóa dữ liệu MST cá nhân là mỗi cá nhân được cấp 1 MST duy nhất và người phụ thuộc của cá nhân được cấp MST để phục vụ giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân.

Người dân làm thủ tục tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Người dân làm thủ tục tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Mai Sơn cho biết, trên cơ sở quy chế phối hợp, Tổng cục Thuế và Bộ Công an đang tiến hành đối chiếu dữ liệu quản lý của cơ quan thuế và dữ liệu quản lý dân cư để sau khi thông tư hướng dẫn có hiệu lực, sẽ chuyển đổi hoàn toàn MST theo mã định danh. Ngành Thuế đang đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người nộp thuế là cá nhân thực hiện cập nhật, thay đổi thông tin đăng ký thuế của mình chính xác, tạo thuận lợi cho việc rà soát chuẩn hóa dữ liệu MST cá nhân.

Ông Mai Sơn khẳng định, việc chuyển đổi MST cá nhân theo mã định danh công dân không ảnh hưởng tới người dân, ngược lại sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc xác định nghĩa vụ thuế với Nhà nước. “Mỗi cá nhân hiện có nhiều giấy tờ cần phải ghi nhớ thông tin như MST, số căn cước công dân, số bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Do đó, mỗi khi kê khai thông tin cho các cơ quan quản lý Nhà nước, công dân gặp rất phiền toái, vì không thể nhớ hết được các loại thông tin cá nhân” – ông Mai Sơn chỉ ra.

Khi dùng căn cước công dân làm MST để giải quyết thủ tục hành chính với cơ quan thuế và sử dụng mã định danh để giải quyết thủ tục hành chính với các cơ quan Nhà nước khác thì người dân chỉ cần kê khai thông tin số định danh của mình.

Đánh giá cao việc tích hợp này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho rằng, đây là mục tiêu mà chúng ta phải hướng đến. Thực tế ở các nước phát triển trên thế giới, việc tích hợp tất cả những giấy tờ liên quan đến con người như căn cước, số tài khoản… đã được thực hiện từ rất lâu. Điều này sẽ giảm phiền hà cho người dân và tăng hiệu quả quản lý cho các cơ quan quản lý Nhà nước, tăng tính công khai, minh bạch rõ ràng.

Mặt khác, việc tích hợp này cũng góp phần cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế, thương mại điện tử… góp phần hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong DN và cộng đồng.

Việc tích hợp MST vào căn cước công dân cũng nhận được sự ủng hộ tích cực từ cộng đồng kế toán. Chị Nguyễn Thị Loan, Kế toán trưởng một công ty trên địa bàn quận Thanh Xuân cho biết, tích hợp số căn cước công dân làm MST rất thuận lợi cho DN, đặc biệt là những người làm kế toán. Bởi, trong công ty thường có biến động về nhân sự kế toán, với những người mới tiếp nhận vào tìm thông tin MST của người cũ sẽ rất khó khăn. Hơn nữa, việc tích hợp này sẽ minh bạch thông tin, kiểm soát được thu nhập của lao động ở những nơi khác, tránh thất thu thuế. Đồng thời tạo thuận lợi cho việc thanh tra, quyết toán được đồng bộ, đỡ thủ tục khai báo phức tạp.

Nâng cấp hạ tầng đáp ứng yêu cầu tích hợp

Cục Thuế Hà Nội là một trong những đơn vị đi đầu cả nước trong việc rà soát, chuẩn hóa dữ liệu MST cá nhân. Theo Cục trưởng Cục thuế Hà Nội Nguyễn Mạnh Cường, hiện, đơn vị đã tích hợp được khoảng 80%, bảo đảm đồng bộ dữ liệu về thuế với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế.

Trong quá trình triển khai chuẩn hóa dữ liệu MST theo đề án 06, Cục thuế Hà Nội ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, về dữ liệu MST cá nhân sử dụng đất phi nông nghiệp, có nhiều trường hợp nằm trong danh sách phải rà soát, tuy nhiên qua rà soát phát sinh người nộp thuế là chủ đất đã chết, mất tích, chưa thể làm thủ tục chuyển đổi chủ sở hữu, dẫn đến khó khăn trong việc rà soát, chuẩn hóa MST. Bên cạnh đó, dữ liệu thực tế về số căn cước công dân, chứng minh nhân dân trên hệ thống còn nhiều trường hợp đặc thù (chứng minh thư quân đội…), không chính xác do đó việc đối chiếu dữ liệu với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư gặp khó khăn.

Ngành thuế cũng đang nâng cấp ứng dụng, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn thông tin khi kết nối với cơ sở dữ liệu Quốc gia dân cư. Đồng thời, bảo đảm duy trì, vận hành ứng dụng, hệ thống công nghệ thông tin, bảo đảm hệ thống hoạt động liên tục, ổn định bảo đảm dữ liệu được cập nhật kịp thời từ cơ sở dữ liệu Quốc gia dân cư sang cơ sở dữ liệu quản lý thuế.

Góp ý về cách thức đẩy nhanh tiến độ tích hợp dữ liệu, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho rằng, đây là quy định hoàn toàn mới mẻ, có tính đột phá, do vậy các bước triển khai cần thực hiện thận trọng nhằm bảo đảm việc sử dụng mã định danh cá nhân thay cho MST khả thi, thông suốt. Tổng cục Thuế và cơ quan Thuế các cấp cần rà soát, chuẩn hóa dữ liệu MST cá nhân bảo đảm cập nhật chính xác trước mắt 3 thông tin: Họ và tên, số căn cước công dân, số chứng minh nhân dân còn hiệu lực, hoặc số định danh đối với cá nhân chưa có căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân, ngày tháng năm sinh của cá nhân vào dữ liệu MST.

Cùng với đó, các cơ quan Nhà nước cần nâng cấp ứng dụng, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn thông tin khi kết nối với cơ sở dữ liệu Quốc gia dân cư. Đồng thời, đảm bảo duy trì, vận hành ứng dụng, hệ thống công nghệ thông tin, bảo đảm hệ thống hoạt động liên tục, ổn định bảo đảm dữ liệu được cập nhật kịp thời từ cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư sang cơ sở dữ liệu quản lý thuế.

 

Việc tích hợp này nhằm 3 mục tiêu tạo thuận tiện cho người nộp thuế chỉ cần sử dụng một mã duy nhất, tạo thuận lợi trong việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan phục vụ người dân, DN. Thông qua đó, ngân hàng cũng dễ dàng quản lý thông tin đăng ký tài khoản, liên kết tài khoản với cơ quan thuế và hỗ trợ nộp thuế.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Mai Sơn

Các cá nhân cần tiến hành định danh điện tử, thực hiện theo đúng, kịp thời quy định của các cơ quan tổ chức có thẩm quyền. Đối với DN, thúc đẩy người lao động thực hiện các chính sách, chủ trương, đề án của Chính phủ, đồng thời hỗ trợ người lao động, cơ quan Nhà nước trong việc định danh điện tử và tích hợp với MST nhằm bảo đảm tính khả thi và tiến độ thực hiện đề án. Góp phần phục vụ việc chuyển đổi số Quốc gia hiện nay.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn