Tiếc cho… một tổ ấm

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nhiều gia đình đã chuyển từ mô hình "nhà một cột" sang "nhà hai cột" và cả hai vợ chồng đều có ý thức phát triển bản thân.

Tuy nhiên, giữ được nhau, giữ được gia đình hạnh phúc là một thử thách mà nhiều người đã không thể vượt qua.
 Ảnh minh họa
Ngày chưa cưới, anh đã biết vợ mình là người phụ nữ ham hiểu biết, có nhiều tham vọng về công danh, sự nghiệp, anh hoàn toàn ủng hộ những ước nguyện hết sức chính đáng ấy. Nhưng anh không thể ngờ rằng, chị lại quá ham danh vọng và những thú vui ngoài gia đình. Chị coi việc có chồng chỉ để làm xong bổn phận với bố mẹ và với chính tiếng tăm của mình, còn những bổn phận vốn có của một người vợ chị lại cho là quá nặng nhọc và vướng víu.
Ngay sau đám cưới ít ngày, chị được cử đi học nước ngoài. Cơ hội chỉ có một lần, không chớp ngay cũng đồng nghĩa với an phận. Mặc sự phản đối mạnh mẽ của gia đình chồng, chị vẫn giữ vững lập trường và cũng nhận được ở anh sự ủng hộ. Chị nói với anh, chỉ ba năm thôi, sau đó về chị sẽ sinh con và làm tròn bổn phận người vợ, người mẹ. Ba năm sau, chị về nước với cái bằng thạc sỹ trong tay, nhưng chị vẫn cảm thấy chưa đủ. Lần này chị lại bảo với chồng: “Tiện thể, em sẽ đi thêm mấy năm nữa để lấy bằng tiến sĩ. Lúc đó, gia đình mình sẽ thực sự hạnh phúc". Anh không vui, anh nói với chị là anh muốn được làm bố, muốn chị hãy vì anh mà chấp nhận thiệt thòi một chút trong công danh. Nhưng chị không chịu, chị nhất mực ra đi. Hai năm trôi qua cũng nhanh, chị trở về với bằng tiến sĩ và công tác ở một cơ quan danh tiếng. Không chỉ thăng tiến nhanh trong chuyên môn, chị dành thời gian phát triển khả năng hùng biện, khiêu vũ, giao thiệp rộng... Nhưng đối với gia đình, chị chỉ như khách trọ.
Trong ngôi nhà khá tiện nghi của họ, chỉ thường xuyên có mặt bà giúp việc hết lau lại dọn, bởi làm gì có ai để mà chăm sóc. Chị còn mải mê với những cuộc họp quan trọng, những buổi tiếp khách không thể bỏ… Anh cũng vì chán nản mà mải miết ở một quán nhậu nào đó. Ngày nào chợt nhớ đến nhà, anh về sớm, nhưng bước chân vào lại chỉ thấy bà giúp việc, anh không biết trách chị hay trách chính mình đã không biết kiềm chế chị để níu giữ hạnh phúc.
Nhiều người bạn bảo anh, gia đình anh đã nguội lạnh từ lâu như thế sao không xóa đi cho rồi. Nhưng anh tiếc những ngày tháng yêu nhau hạnh phúc, tiếc những kỳ vọng của mình về một tổ ấm ngập tiếng cười… Và hơn hết, anh vẫn còn yêu chị.
Trong cuộc sống hiện đại, câu chuyện của gia đình anh có lẽ không phải là duy nhất. Nhiều người vẫn than thở rằng, chợt nhớ và suy ngẫm lại, đã rất lâu rồi vợ chồng họ không ngồi cùng mâm cơm với nhau. Do vòng quay của cuộc sống cứ cuốn họ xoay tròn, xoay tròn mỗi ngày. Công việc của chồng, chồng biết, công việc của vợ, vợ lo… Vợ chồng không được giãi bày, chia sẻ, cứ thế, mất dần đi những điểm chung, và đây cũng là nguyên nhân khiến họ ngày càng xa cách.
Nhiều trường hợp khác, cũng chì vì mải lo thăng tiến cho bản thân, quên vun đắp cho mái ấm gia đình, để đến lúc quay đầu dường như đã muộn. Có đôi vợ chồng sống chung được bảy năm, đến lúc chồng muốn có con thì chị lại không thể có con, do kế hoạch quá lâu, do mải mê sự nghiệp. Sự hiếm muộn không phải "thủ phạm" gây ra sự xa cách vợ chồng, nhưng lại là cái cớ khiến hai người có cuộc sống ngày càng... riêng. Một người phụ nữ kể, sau một thời gian miệt mài phấn đấu, khi được thăng tiến, đòi hỏi giờ làm việc nhiều hơn bình thường. Vì thế, ít khi cùng ăn tối với chồng con. Chị đã không để ý rằng, anh cũng bắt đầu ít về nhà ăn tối. Chỉ đến khi chợt nhìn lại ngôi nhà vắng vẻ, chị mới thấy rằng hình như hạnh phúc có gì không ổn. Chị muốn giảm bớt công việc, để về nhà đúng giờ hơn. Nhưng hình như chồng chị đã quen với việc vắng mặt trong bữa cơm gia đình mất rồi, mái ấm của họ cũng cứ lạnh dần theo những mải miết của cuộc sống.
Trong xã hội hiện nay, có không ít cặp vợ chồng yêu nhau vì tình và bỏ nhau vì tiền. Vì vậy, khi đang có những gì trong tầm tay, phải biết trân trọng và giữ lấy nó. Mỗi người phải biết được giá trị của hạnh phúc để đừng biến “tổ ấm” của mình thành “tổ lạnh”. Trở lại câu chuyện của người đàn ông trên, anh chỉ mong rằng, một lúc nào đó chị nhớ đến trách nhiệm của mình với gia đình, thay vì chỉ mải miết với những tính toán của việc thăng tiến. Mong chị hiểu được việc người phụ nữ lập gia đình không thể trốn tránh nhiệm vụ xây tổ. Có đạt được bằng cấp cao, địa vị, chức vụ, thu nhập... cũng chỉ để cái tổ của mình được êm ấm hơn. Dù có bao nhiêu tiền, họ cũng không thể thuê người xây tổ cho mình.