[Tiếng dân] Giá của phích nước sôi

Đèn Đường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tự ngày xưa, mỗi khi gia đình có người đi viện là phải chuẩn bị sẵn cái làn nhựa, đựng đồ đạc cần thiết đi theo, cái phích là đồ dùng không thể thiếu được. Đơn giản là nó cần dùng để uống thuốc, pha sữa, rửa mặt cho bệnh nhân…

Có cung ắt sinh ra có cầu, hàng ngày tại bệnh viên có hàng loạt dịch vụ ăn theo xung quanh người bệnh, giá mỗi phích nước sôi từ vài hào, giờ lên đến 5.000 đồng/phích. Nếu người bệnh điều trị lâu dài, đêm xuống người nhà còn phải thuê chiếu rộng 1,2 m, giá thuê 15.000 - 20.000 đồng, thuê chiếc giường xếp cũng 20.000 - 25.000 đồng, mùa đông còn cả dịch vụ thuê chăn đắp,…đủ thứ.
Chẳng biết từ khi nào, những chắc là lâu lắm rồi tất cả các bệnh viện trên toàn quốc, kể cả bệnh viên tuyến huyện đều đã cung cấp nước nóng miễn phí cho người bệnh thông qua cây nước nóng tại phòng bệnh. Nhưng không hiểu sao, Bệnh viện Bạch Mai là cấp T.Ư nhưng vẫn duy trì việc... bán nước sôi, báo chí và người dân phản ánh, mặc kệ.
Với giá 5.000 đồng/phích nước/bệnh nhân/ngày, thì Công ty TNHH Trường Sinh có khoản thu sẽ là khoảng 30 triệu đồng/ngày và khoảng 900 triệu đồng/tháng và hơn 10 tỷ đồng mỗi năm. Công ty Trường Sinh là DN đã cung cấp dịch vụ cho Bệnh viện Bạch Mai từ năm 2003 đến nay. Công ty này còn cung cấp dịch vụ tại 5 bệnh viện, bao gồm Bệnh viện Bạch Mai (cả 2 cơ sở tại Hà Nội và Hà Nam), Bệnh viện Nội tiết T.Ư cơ sở 2, Bệnh viện Hữu nghị và Bệnh viện A Thái Nguyên. Chỉ riêng bán nước sôi, Trường Sinh cũng bỏ túi không dưới 30 tỷ đồng/năm.
Để duy trì các dịch vụ ăn uống tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty Trường Sinh phải duy trì thường xuyên khoảng 90 nhân viên. Trong đợt đại dịch Covid, gần 30 nhân viên của Công ty Trường Sinh nhiễm Covid-19, đa số là các trường hợp chuyên cung cấp ăn uống, phục vụ nước sôi cho các khoa, phòng của Bệnh viện Bạch Mai - những người ngày ngày cầm phích nước lang thang đi khắp bệnh viện.
Vẫn còn tranh cãi nhưng nhiều chuyên gia y tế bước đầu có thể nhận định Công ty Trường Sinh là nguồn lây nhiễm chính tại Bệnh viện Bạch Mai, không phải từ các y bác sĩ, nhân viên y tế. Ngoài việc bệnh viện, nhân viên bệnh viện phải cách ly 15 ngày và cũng phải mất 2 tuần mới có thể quay trở lại khám chữa bệnh, điều trị cho bệnh nhân. Tính ra, thiệt hại phải lên đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí còn hơn.
Ngày 18/3, sau khi tân Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn ký hợp đồng, chỉ mất 3 giờ người ta đã lắp đặt xong 100 cây nước nóng tại bệnh viện. Đến giờ, Công ty Trường Sinh cũng đã bị đơn phương cắt hợp đồng dịch vụ. Nhưng để có được một quyết định như thế, phải mất đến mấy đời giám đốc, cùng một đống tiền và nỗi lo thấp thỏm của cộng đồng suốt nửa tháng trời. Giá nước sôi tại Bệnh viên Bạch Mai vì thế trở nên đắt nhất hành tinh.