Tiêu điểm kinh tế tuần: Liên Bộ "tính nhầm" thuế xăng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khoản chênh lệch thuế xăng trong quãng thời gian từ 1/7 đến 18/8 Liên Bộ Tài chính - Công thương đã tính nhầm lên đến 185 đồng/lít.

Tính thiếu hơn 163 tỷ đồng thuế xăng
Trong tuần qua, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã gửi một văn bản tới Bộ Tài chính và Bộ Công Thương về vấn đề tính thuế mặt hàng xăng. Cụ thể, Petrolimex cho rằng, trong 3 kỳ điều hành giá xăng dầu từ 1/7 đến 18/8, Liên Bộ vẫn dựa trên căn cứ giá cơ sở mặt hàng xăng theo công thức cũ ở Nghị định 84 thay vì Nghị định 100 do vậy đã dẫn tới tình trạng tính thiếu thuế với mặt hàng này.
Khoản chênh lệch tăng lên mà Liên Bộ "quên" không tính trong giá cơ sở xăng là khoảng 185 đồng/lít. Trong đó, khoản thuế tiêu thụ đặc biệt bị tính thiếu là 165 đồng/lít và thuế giá trị gia tăng bị tính thiếu là 17 đồng/lít. Thay vì thuế tiêu thụ đặc biệt phải tính là 989 đồng/lít thì Liên Bộ chỉ tính có 824 đồng/lít.
Với cách tính chưa cập nhật này, hệ quả là, trước mắt tại thời điểm tháng 7 và nửa đầu tháng 8, người tiêu dùng đã được lợi nhờ giá bán lẻ được giảm sâu hơn so với quy định mới về thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, ngược lại, phía các DN có nguy cơ chịu thiệt bởi cơ quan thuế sẽ thu theo chính sách mới từ 1/7.
Khoảng thời gian 45 ngày áp dụng theo công thức cũ, tổng số thuế bị tính thiếu khi điều hành giá xăng có thể đã lên tới 163,2 tỷ đồng.
SCIC thoái hết vốn tại Maritime Bank
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang chào bán toàn bộ hơn hai triệu cổ phần mà SCIC đang sở hữu tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank).
Tiêu điểm kinh tế tuần: Liên Bộ "tính nhầm" thuế xăng - Ảnh 2SCIC sẽ bán đấu giá hơn 2,4 triệu cổ phần tại Maritime Bank (chiếm tỷ lệ 0,204% vốn điều lệ của ngân hàng này) với giá khởi điểm 11.700 đồng/cổ phần. Tổng giá trị chào bán theo mệnh giá là trên 24 tỉ đồng. Phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào ngày 26/10/2016 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Maritime Bank có vốn điều lệ 11.750 tỉ đồng, với tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành tính đến cuối năm 2015 là 11,75 tỉ cổ phiếu. Tính đến cuối năm ngoái, số cổ phần Nhà nước nắm giữ tại ngân hàng này chiếm tỷ lệ 8,37% vốn điều lệ. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam nắm giữ 6,092%.
PVN muốn bán "cục nợ" PVTex
Trong báo cáo về sắp xếp DN năm 2015 và kế hoạch năm 2016 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa được gửi lên Thủ tướng, theo kế hoạch, PVN sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ vốn tại Công ty cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi tổng hợp Dầu khí (PVTex).
Tập đoàn cho biết, đang trình cơ quan có thẩm quyền kế hoạch bán vốn trong giai đoạn 2016 -2020. Theo đó, PVN sẽ duy trì tỷ lệ sở hữu 74% tại PVTex để thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, trong trường hợp được chấp thuận, PVN sẽ giảm sở hữu Nhà nước tại PVTex xuống 36% hoặc bán toàn bộ nếu tìm được các đối tác.
PVTex có tổng vốn đầu tư khoảng 325 triệu USD (7.200 tỷ đồng) ra đời cuối năm 2008. Tuy nhiên, trước và sau khi vận hành thương mại, nhà máy đã nhiều phải tạm dừng hoạt động để tiêu thụ sản phẩm tồn kho và thu hồi vốn. Năm 2015, PVTex lỗ 1.255 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 504 tỷ. Trước đó trong năm 2014, doanh thu của nhà máy này cũng chỉ đạt 992 tỷ đồng, lỗ 1.085 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2015, công ty có vốn điều lệ 2.165 tỷ đồng. Tình hình tài chính của công ty theo đó cũng đang cạn kiệt, mất cân đối lớn và không đủ nguồn vốn trả nợ đến hạn (riêng nợ ngắn hạn là 1.600 tỷ đồng). Hợp đồng tín dụng với BIDV và một số ngân hàng ghi nhận mức nợ 221,3 triệu USD.
Thanh tra Chính phủ vạch "lỗi" của Bộ Công Thương
Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong hoạt động tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập và chuyển khẩu của Bộ Công Thương.
Theo đó, mặc dù hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất của DN còn có những khó khăn nhất định nhưng cũng đang được dần điều chỉnh các quy định này đã tạo cơ sở pháp lý cho việc quy định điều kiện kinh doanh tạm nhập tái xuất đối với một số loại hàng hoá phù hợp.
Tuy nhiên, đối với Bộ Công Thương vẫn còn một số tồn tại, khuyết điểm như việc ban hành Thông tư về công tác báo cáo còn chưa chặt chẽ, chưa phân định rõ vai trò, trách nhiệm đơn vị chủ quản, cơ chế phối hợp với đơn vị tham gia quản lý nhà nước về tạm nhập tái xuất (Bộ Tài chính, các địa phương, Sở Công Thương).
Để các tồn tại, bất cập này là do Bộ Công Thương chưa thực hiện đầy đủ các quy định tại Nghị định 95 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương. Các tồn tại, bất cập trên cũng làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến mục tiêu khắc phục những hạn chế của hoạt động tạm nhập, tái xuất…