Tiêu điểm tuần qua: Nghị trường Quốc hội bắt đầu "nóng"

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phiên thảo luận Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội; việc lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh... là những sự kiện nổi bật, đáng chú ý trong tuần qua.

Sáng 22/10, vào ngày thứ 2 đầu tuần, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã chính thức khai mạc tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Dự kiến, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 24 ngày và họp phiên bế mạc vào ngày 21/11/2018. Đây là kỳ họp quan trọng, quyết định các vấn đề kinh tế xã hội đất nước trong năm tiếp theo. Vì lẽ đó, những sự kiện đáng chú ý trong tuần qua chủ yếu xoay quanh các hoạt động tại Quốc hội.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV
Quy mô nền kinh tế tăng mạnh
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Báo cáo do Thủ tướng trình bày được đánh giá là khá toàn diện, thẳng thắn và bao trùm mọi khía cạnh của phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, báo cáo của Chính phủ cho biết, GDP 9 tháng đạt 6,98%, ước cả năm sẽ vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%). Kết quả này cũng đảm bảo tăng trưởng bình quân 3 năm 2016 - 2018 của nền kinh tế đạt 6,57%, đạt chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao trong giai đoạn 2016 - 2020 (6,5 - 7%/năm).
Theo Thủ tướng, quy mô nền kinh tế năm 2018 tăng mạnh, ước đạt trên 5,5 triệu tỷ đồng (khoảng 240,5 tỷ USD), gấp trên 1,3 lần năm 2015. GDP bình quân đầu người ước đạt 2.540 USD, tăng 440 USD so với năm 2015.
Tăng trưởng này đã phần nào gắn với sự ổn định, thể hiện qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn được duy trì ở mức bình quân dưới 4%, trong khi tín dụng 9 tháng tăng 10,41% (dự kiến cả năm tăng dưới 17%) và được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng vào bất động sản, chứng khoán được kiểm soát chặt chẽ.
Báo cáo của Chính phủ cũng khẳng định, tỷ giá, thị trường ngoại tệ được kiểm soát tốt, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục (trên 60 tỷ USD). Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Việt Nam được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi… Đáng chú ý, vốn FDI thực hiện đạt 18 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Nền kinh tế theo đánh giá đã có sự chuyển dịch tích cực, trong đó, tỷ trọng nông nghiệp giảm, tỷ trọng công nghiệp dịch vụ tăng. Nông nghiệp có sự phục hồi về chất lượng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn. Còn khu vực công nghiệp trở thành động lực chủ yếu của tăng trưởng.
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ trước Quốc hội
Tân Chủ tịch nước tuyên thệ trước Quốc hội
Tiếp đó, tại phiên làm việc sáng 23/10 các đại biểu đã tiến hành bầu Chủ tịch nước, thảo luận phê chuẩn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông. Với đa số phiếu tán thành, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được bầu làm Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
Trong phần phát biểu nhậm chức, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trân trọng cảm ơn Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch nước, nhấn mạnh đây là vinh dự vô cùng to lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề với ông.
Một ngày sau đó, vào sáng 24/10, 95,05% số đại biểu Quốc hội có mặt đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng.
Quốc hội cũng đã phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn bằng bỏ phiếu, và biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn.
Lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh
Sáng 25/10, Quốc hội đã lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Kết quả, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận được số phiếu tín nhiệm cao, đứng đầu khối Quốc hội và Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ bị đánh giá tín nhiệm thấp nhất với 137 phiếu tín nhiệm thấp, chỉ có 140 phiếu tín nhiệm cao.
Theo đánh giá, việc lấy phiếu tín nhiệm được chuẩn bị kỹ lưỡng, bằng hình thức bỏ phiếu kín đảm bảo nghiêm túc, đúng quy trình, thủ tục, các đại biểu khẳng định đã phát huy được tính khách quan, tinh thần trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát.
Với các chức danh nhận được tín nhiệm cao như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và một số bộ trưởng, trưởng ngành đã phản ánh đúng nỗ lực của Chính phủ, Quốc hội và một số bộ ngành qua nửa nhiệm kỳ.
Việc một số chức danh không đạt phiếu tín nhiệm cao không phải người đó không đủ phẩm chất làm Bộ trưởng, trưởng ngành. Việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm giám sát và nhắc nhở các Bộ trưởng, trưởng ngành cố gắng hơn nữa để giải quyết những vướng mắc, khó khăn của ngành đó.
Nguồn ảnh: TNO.
Trước kết quả trên, người đứng đầu ngành giáo dục chia sẻ, "đúng như tinh thần Nghị quyết của Quốc hội, việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm giúp người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động".
"Tôi coi kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là động lực để bản thân tôi và toàn ngành cố gắng hơn, có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa để đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
"Nóng" phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội
Trong 2 ngày (26 - 27/10), Quốc hội dành thời gian thảo luận kết quả thực hiện Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, cùng với đó là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm sau. Đồng thời, Quốc hội cũng sẽ đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.
Tổng hợp tại 2 phiên thảo luận, đã có 88 đại biểu Quốc hội phát biểu, đưa ra các giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển của kinh tế - xã hội. Các ý kiến đều đồng thống nhất công nhận nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế thời gian qua, như: Tăng trưởng kinh tế đạt và vượt kế hoạch Quốc hội đề ra; GDP bình quân đầu người đạt 2.540 USD/người/năm; nền kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn về kinh tế được bảo đảm, tạo môi trường, động lực thúc đẩy kinh tế phát triển...
Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ nhiều băn khoăn, lo lắng về chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế; góp ý, phản biện về những vấn đề nóng của xã hội trong thời gian qua, trong đó lĩnh vực giáo dục và giao thông nhận được nhiều phản ánh nhất. Bên cạnh đó, các đại biểu đã đưa ra những giải pháp khắc phục và được các thành viên Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ
Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật nhiều cán bộ
Cũng trong tuần qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố kết quả kỳ họp 30. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận nội dung kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an; ông Chu Hảo - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri Thức...
UBKT Trung ương kết luận: Đại tá Nguyễn Thanh Trang - Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra và đại úy Nguyễn Chí Trung - Phó Trưởng phòng thuộc Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra đã vi phạm các nguyên tắc và quy định về hoạt động tố tụng hình sự, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
Với ông Chu Hảo, từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Hảo đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ông Hảo đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Vi phạm, khuyết điểm của ông Chu Hảo là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật một số đảng viên và tổ chức đảng. Cụ thể, thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với Thiếu tướng Phan Tấn Tài, do trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tư lệnh Quân khu 7 đã ký hợp đồng chuyển nhượng 2 khu đất quốc phòng do Quân khu 7 đang quản lý, sử dụng cho doanh nghiệp khi chưa thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với bà Hồ Thị Lệ Hà - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Võ Thanh; Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Đặng Trọng Vân; đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Hướng Hóa nhiệm kỳ 2015 - 2020 về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 29 của UBKT Trung ương.
Cũng trong kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận kiểm tra tài chính đảng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước; giám sát đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh; giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng khác.
 
Sẽ sửa quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng lần đầu tiên có những phát ngôn xoay quanh vụ việc một người dân ở Cần Thơ đổi 100 USD bị xử phạt hành chính 90 triệu đồng.
Ông Hưng cho biết đã giao cho Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cơ quan phía Nam tiếp cận, kiểm tra hồ sơ của vụ việc ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) bị xử phạt hành chính 90 triệu đồng. Sau đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước phía Nam sẽ có tư vấn cho UBND TP Cần Thơ hướng xử lý phù hợp.
Trước câu hỏi của báo chí về việc Nghị định 96/2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có quy định mức phạt như hiện nay liệu có hợp lý, ông Lê Minh Hưng cho biết Ngân hàng Nhà nước đang có kế hoạch sửa đổi nghị định trong năm nay. Cụ thể, ông cho rằng việc phân loại mức vi phạm để đưa ra mức xử lý “cũng là một cách” trong việc sửa đổi Nghị định.
Liên quan đến vụ việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu tính hợp pháp, hợp lý của vụ việc và có kiến nghị cần thiết, phù hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/10/2018.
Sửa chữa trên cao tốc 34.500 tỷ đồng
Cao tốc 34.500 tỷ thu phí trở lại
Sau 15 ngày tạm dừng thu phí để sửa chữa các hư hỏng, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã chính thức thu phí trở lại ở đoạn tuyến sử dụng vốn JICA (Km0+000 - Km65+000) vào 0h00 ngày 27/10.
Thông báo của chủ đầu tư, thực hiện Công điện số 39 của Bộ GTVT về việc khẩn trương sửa chữa hư hỏng mặt đường dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đến thời điểm hiện tại, công tác sửa chữa đã được hoàn thành, cơ bản đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, tuyệt đối an toàn giao thông và đã được xác nhận hoàn thành bởi các đơn vị có chức năng.
Liên quan đến vụ việc, Bộ Giao thông vận tải đã quyết định thành lập Tổ giám sát công tác thu phí tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi ngay khi tuyến đường này được thu phí trở lại.
Theo quyết định của Bộ Giao thông vận tải, Tổ giám sát sẽ do ông Phan Quang Hiển - Cục phó Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông làm trưởng đoàn. Ngoài ra còn có sự tham gia của đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Thanh tra Bộ Giao thông vận tải.
Người phụ nữ gây tai nạn tại ngã tư Hàng Xanh.
Khởi tố nhiều vụ việc gây xôn xao dư luận
Vào ngày 23/10, Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội đã công bố quyết định khởi tố vụ án điều tra hành vi giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ theo điều 124 Bộ luật hình sự năm 2015 trong vụ nữ sinh ném con mới sinh từ tầng 31 chung cư Linh Đàm, Hà Nội xuống đất.
Trước mắt do sức khỏe nữ sinh còn yếu nên cơ quan công an sẽ để người này bình phục sau đó tiến hành lấy thêm lời khai phục vụ công tác điều tra, làm rõ vụ án. Được biết, mức hình phạt cao nhất mà nữ sinh này phải đối diện là 3 năm tù.
1 vụ việc nghiêm trọng khác cũng được cơ quan chức năng khởi tố trong tuần qua liên quan đến tại nạn liên hoàn tại ngã tư Hàng Xanh, TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, chiều 24/10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Nga (46 tuổi, ngụ quận 12) về hành vi "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" theo điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.
Bà Nga được xác định là tài xế điều khiển xe BMW gây tai nạn liên hoàn ở ngã tư Hàng Xanh, khiến 1 người chết và nhiều người khác bị thương vào tối 21/10.