Tin giả trên Facebook: Thông tin ảo – Trách nhiệm thật

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mạng xã hội ngày càng phát triển đem đến nguồn thông tin to lớn cho người dân nhưng đồng thời cũng đặt ra vấn đề “fake news” (tin giả) đe dọa chính trị quốc tế.

Ảnh minh họa
Điều hướng dư luận trước các cuộc bầu cử
Nỗi lo tin giả ảnh hưởng tới các sự kiện địa chính trị đang lan rộng trên toàn cầu. Trước thềm bầu cử, đất nước Tây Phi Nigeria đang phải vật lộn chống lại "dịch bệnh" tin giả lan rộng khắp quốc gia này. Theo Nhật báo Phố Wall, tình hình nghiêm trọng tới mức Chính phủ Nigeria phải phát đi cảnh báo rằng thông tin sai lệch có thể là mối đe dọa lớn nhất đối với cuộc bầu cử sắp tới. Cảnh sát phải sử dụng các chương trình phát thanh và đường dây điện thoại để chống lại thông tin sai lệch.
Năm 2009, Le Monde, một trong những tờ báo lớn nhất của Pháp đã thành lập một công cụ kiểm tra thông tin có tên là Les Decodeurs. Khi sử dụng công cụ này, nếu người dùng truy cập vào một website tin giả, họ sẽ nhận được một cảnh báo.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine diễn ra ngày 31/3, tin tức giả bằng tiếng Nga đã ngập tràn trước đó, gây lo ngại ảnh hưởng tới sự kiện quan trọng của đất nước này. Cụ thể, vào ngày 5/1, ngay sau khi diễn viên hài Volodymyr Zelensky tuyên bố chạy đua vào vị trí Tổng thống Ukraine, một tài khoản Facebook của trang bbccn.co đã đăng tải rằng công tố viên Ukraine, Yuriy Lutsenko đã quyết định truy tố hình sự chống lại diễn viên Zelensky.
Bài đăng thu hút khoảng 20.000 phản ứng, từ lượt thích, đến lượt đăng lại và bình luận. Trang bbccn.co tự nhận là “sự kết hợp” giữa BBC và CNN, tuyên bố đã lấy nguồn tin này từ trang Facebook của Zelensky. Nhưng sự thực là không có hành động pháp lý nào được thực hiện chống lại danh hài và câu chuyện này là bịa đặt.
Sự lan truyền của tin giả và thông tin sai lệch cũng tăng đột biến ở Indonesia trong những tháng gần đây, vài tuần trước khi hàng triệu người dự kiến bỏ phiếu trong cuộc bầu cử của đất nước ngày 17/4. Dữ liệu được công bố trong một báo cáo mới từ Mafindo, một tổ chức chuyên chống lại tin giả cho thấy, tin giả và sai lệch trên các mạng xã hội tại Indonesia gia tăng 61% từ tháng 12/2018 đến tháng 1 năm nay. Trong số 109 thông tin có vấn đề phát hiện trong tháng 1, 58 tin có bản chất chính trị. Trong tháng 12 có 88 mục tin tức giả, trong đó có 36 mục có bản chất chính trị. Thậm chí có tin đồn sai lệch về hàng triệu phiếu bầu đã đánh dấu được trữ tại một cảng ở Jarkarta.
Trong số các dấu hiệu gây nhiễu nhất, lãnh đạo của Mafindo cho biết, mục tiêu các thông tin này không chỉ nhằm vào các ứng cử viên chính trị mà còn cả các tổ chức bầu cử. Thậm chí, nếu quá trình bầu cử diễn ra cạnh tranh thì người dân có thể không tin tưởng vào kết quả bầu cử, gây ra tổn hại lớn cho uy tín quốc gia. Indonesia, quốc gia nằm trong nhóm 5 nước có số lượng người dùng Facebook và Twitter hàng đầu thế giới đã bị nạn tin giả tấn công, làm sâu sắc thêm sự phân chia xã hội, dân tộc và tôn giáo, nhằm đạt được lợi ích chính trị.
Động thái của các “ông lớn”
Trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ hồi tháng 11/2018, mạng xã hội Twitter đã tiến hành thanh lọc, xóa bỏ hàng nghìn tài khoản giả mạo và các hoạt động mang tính phối hợp tự động trên nền tảng này nhằm chia sẻ các thông tin sai lệch về cuộc bầu cử. Theo Reuters, Twitter đã loại bỏ khoảng 10.000 tài khoản nhắm đến các cử tri và mạo danh là đảng viên, quan chức của đảng Dân chủ. Theo trang tin The Verge, Twitter đã tiến hành quá trình thanh lọc tài khoản giả mạo và chống lan truyền thông tin sai lệch về bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ trong khoản thời gian từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10/2018.
Trong một bài viết đầy bức xúc đăng trên Guardian hồi tháng 3, giới chức châu Âu nhận định “Chúng ta đang ngày càng sử dụng internet như nguồn thông tin chính. Một khảo sát cho thấy 57% người châu Âu lấy thông tin từ các nguồn trực tuyến”, đồng thời bày tỏ thất vọng cho rằng Facebook và Twitter đã không thực hiện được những cam kết chống nạn tin giả, trong bối cảnh cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5 đang tới gần hơn bao giờ hết.
Trước cuộc bầu cử “lớn nhất hành tinh” của Ấn Độ vào tháng 5 tới, Facebook đã thiết lập năm quan hệ đối tác mới ở Ấn Độ để mở rộng chương trình kiểm tra thực tế (fact-checking). Gã khổng lồ công nghệ tuyên bố đã hợp tác với India Today Group, Vishvas.news, Factly, Newsmobile và Fact Crescendo. Tất cả đều được chứng nhận thông qua mạng lưới kiểm tra thực tế quốc tế. Các đối tác sẽ xem xét các tin tức được đăng trên Facebook để biết sự thật và đánh giá độ chính xác của chúng. Các bài viết được đánh giá là sai dự kiến sẽ giảm tỷ lệ phát tán xuống khoảng 80%.
Trong một động thái liên quan, Facebook và Instagram ngày 2/3 đã lần đầu tiên đệ đơn kiện lên tòa án liên bang Mỹ về các tài khoản giả trên nền tảng của hai mạng xã hội. Đối tượng là 4 công ty và 3 cá nhân có trụ sở tại Trung Quốc đã thúc đẩy việc bán các tài khoản, lượt thích và người theo dõi giả mạo này. Sau phản ứng dữ dội về sự lây tan của tin và tài khoản giả trên Facebook và Instagram, Facebook đã có những động thái trong việc xóa tài khoản giả ở Mỹ cùng các nước khác. Hơn 600.000 người Mỹ đã theo dõi các tài khoản Instagram và Facebook giả mạo bị nghi ngờ có liên quan đến Nga. Tuy nhiên, những động thái này dường chưa vẫn chưa “làm thỏa mãn” chính quyền các nước.
Phản ứng “tự phòng vệ”
Thay vì chờ đợi những động thái của chính quyền hay cam kết của những gã khổng lồ công nghệ, các tờ báo và hãng tin đã tự tìm những biện pháp để kiểm chứng nguồn thông tin đăng tải trên các ấn phẩm. Đầu năm nay, trang báo DW đã bắt đầu sử dụng công cụ CrowdTangle, theo dõi cách thức nội dung lan truyền trên internet, để theo dõi tin giả trên các mạng xã hội liên quan đến cuộc bầu cử Nigeria. DW đặc biệt chú ý đến tin tức giả mạo tiếng Nga, thu được số lượng lớn lượt thích, đăng lại và bình luận. Các bài báo giả mạo phổ biến nhất xuất hiện trên Facebook, được chia sẻ bởi các tài khoản có tới 2 triệu người theo dõi.
Hãng tin Al Jazeera uy tín của Trung Đông đã làm một thử nghiệm để kiểm chứng tin giả khi tự tạo một số quảng cáo không chính xác, bao gồm một tuyên bố sai rằng nhóm vũ trang Boko Haram sẽ tham gia cuộc bầu cử. Các tuyên bố giả khác bao gồm Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng ủng hộ lãnh đạo phe đối lập Atiku Abubakar, thời hạn thu thập thẻ cử tri cá nhân ở Nigeria được kéo dài thêm một tuần và hàng nghìn người tị nạn Nigeria được gia hạn bỏ phiếu sau ngày bầu cử 16/2. Cả 4 tuyên bố đều sai nhưng Facebook đã phê duyệt quảng cáo cho các bài viết được chạy trên nền tảng truyền thông xã hội sau khi Al Jazeera thực hiện một số thay đổi nhỏ để khắc phục sự từ chối ban đầu của Facebook, đánh lừa hiệu quả hệ thống phê duyệt của mạng xã hội lớn nhất thế giới.
Một số tổ chức nghiên cứu cũng như các cơ quan báo chí đã phải tìm mọi phương thức để phát hiện các tin tức giả. Học viện báo chí Poynter có trụ sở tại Florida đã thành lập Mạng lưới Kiểm tra Sự kiện Quốc tế (IFCN). Facebook hiện đã tham gia mạng lưới này. Theo đó, người dùng Facebook tại Mỹ và Đức hiện có thể gắn cờ các bài viết mà họ nghi ngờ là tin giả, sau đó các bài viết này sẽ được chuyển tới những người kiểm tra của bên thứ 3 độc lập đã đăng ký với IFCN. Những người kiểm tra sự kiện này đến từ các tổ chức truyền thông uy tín như Washington Post hoặc trang web chuyên “bóc phốt” Snopes.com. Theo Giám đốc IFCN Alexios Mantzarlis, nếu một thông tin được xác minh là “fake news”, người dùng mạng xã hội sẽ nhận được một cảnh báo nếu muốn chia sẻ thông tin này.
(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần