Tinh giản biên chế: Đừng bớt chỗ này, tăng chỗ kia

Quốc Toản (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rà soát chức năng, nhiệm vụ hệ thống bộ máy chính trị để xây dựng cơ cấu tổ chức phù hợp, Nhà nước kiến tạo phát triển và T.Ư phải làm gương mẫu, quyết liệt để cấp dưới noi theo.

Đó là ý kiến của nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về những giải pháp thực hiện tinh giản biên chế (TGBC), sắp xếp lại bộ máy trong hệ thống chính trị sao cho hiệu quả.
Ông đánh giá thế nào về vấn đề “nóng” đang được dư luận quan tâm khi tổ chức bộ máy đang ngày càng phình to, hiệu quả vẫn còn rất nhiều hạn chế?

- Câu chuyện TGBC không phải gần đây mới “nóng”, mới được đề cập đến, mà trước đây chúng ta cũng đã nhìn ra, ngay từ Đại hội VI (1986) đã thực hiện cuộc cải cách lớn về tổ chức bộ máy của các cơ quan Nhà nước theo hướng gọn nhẹ, có chất lượng cao; Chính phủ đã có các Nghị quyết và các Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001 - 2010, rồi tiếp theo là giai đoạn 2011 - 2020. Kết quả là đã có những chuyển biến tích cực, không phải không có. Số bộ, ngành, các cơ quan thuộc Chính phủ giảm từ 40 xuống còn 30, được sắp xếp hợp lý hơn.

Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra là chưa đạt, thậm chí còn nhiều hạn chế. Bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, chồng chéo. Số bộ, ngành đã giảm, nhưng nội bộ thực tế lại tăng thêm các tổng cục, cục, rồi các vụ, viện. Bộ máy mới, đương nhiên đi kèm là chức năng, quyền hạn mới và các thủ tục hành chính. Thế là bớt chỗ này lại tăng chỗ kia, đâu lại vào đấy.

Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực còn chồng chéo, dẫm chân lên nhau. Như lĩnh vực ATTP, 3 Bộ cùng quản là Công Thương, NN&PTNT và Y tế; hay khoáng sản là Bộ TN&MT và Bộ Xây dựng; vấn đề đô thị của Bộ Xây dựng và Bộ GTVT… Điều này dẫn đến bộ máy hành chính chưa được thống nhất, thông suốt, nhiều đơn vị cùng chịu trách nhiệm, nhưng cuối cùng chẳng có ai, hòa cả làng cả nên hiệu lực hiệu quả còn hạn chế. Đây là rào cản lớn cho sự phát triển của nền kinh tế.

Về tổng thể, chúng ta cần làm gì cho bộ máy thực sự tinh gọn, hiệu quả?

- Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 vừa được BCH T.Ư ban hành đã thể hiện rất rõ các mục tiêu, giải pháp về tổ chức bộ máy, TGBC và cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo tôi, 3 việc cần tập trung phải làm cho được là thực hiện rà soát tổng thể lại tất cả chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, Nhà nước pháp quyền để xây dựng Nhà nước theo đúng nghĩa kiến tạo, phát triển.

Các cơ quan T.Ư không thực hiện các công việc mang tính chất “tác nghiệp” cụ thể nữa, mà cần tập trung xây dựng thể chế, chiến lược, hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát. Vậy nên đầu tiên phải xem lại từng chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước nói chung, tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Từ đó mới “ra” được cơ cấu, tổ chức bộ máy và nhân sự hợp lý. Việc này nếu để các bộ, địa phương tự rà soát, tôi nghĩ sẽ khó hiệu quả, vì không ai dại gì tước đi quyền của mình cả, vì thế phải có sự rà soát tổng thể, thành khung chức năng nhiệm vụ chung của hệ thống các cấp. Phải rà soát xem bộ nào là cần thiết, có nên hình thành một bộ kinh tế tổng hợp hay không cho gọn đầu mối, bớt nhân lực và làm cơ sở để thực hiện ở các địa phương.

Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Long Biên. Ảnh:  Thanh Hải

Nhiều ý kiến đề xuất nên hợp nhất một số cơ quan có chức năng tương đồng, nhất thể hóa chức danh lãnh đạo Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã ở những nơi có điều kiện. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Đây là chủ trương đúng, nhưng cần tính toán và thực hiện từng bước vững chắc cho phù hợp, hiệu quả. Việc nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã ở những nơi đồng thuận cao, cán bộ đáp ứng được về năng lực, phẩm chất sẽ rất tốt, nhưng ngược lại không cẩn thận dẫn đến hậu quả khó lường. Bởi ngay chỉ ở cấp thôn thôi đã có không ít trường hợp cán bộ tự tung tự tác, lạm quyền, làm bất ổn tình hình cơ sở. Vì vậy, để thực hiện được thì bên cạnh nhân sự, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ làm sao vừa phát huy được vai trò người đứng đầu, vừa kiểm soát được hoạt động, tránh những hệ lụy không đáng có.

Trước đây, nhiều chương trình, kế hoạch được đề ra, nhưng chuyển biến vẫn không rõ nét. Vậy lần này, chúng ta phải làm thế nào để những nhiệm vụ này sẽ không còn “nguyên giá trị” đến nhiệm kỳ sau, thưa ông?

- Tôi cho rằng phải dứt khoát từ trên xuống dưới đều phải thực hiện nghiêm. Có quá nhiều chủ trương, nghị quyết ban hành, nhưng kết quả chỉ ở mức độ nhất định, còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân vì chúng ta thiếu quyết liệt, ngại va chạm, né tránh trách nhiệm. Rồi tình trạng trên quyết tâm, nhưng dưới cứ đủng đỉnh. Thậm chí có việc ngay từ T.Ư cũng chưa thực hiện triệt để. Như vấn đề dư luận đặt câu hỏi, tại sao số thứ trưởng luôn vượt quá quy định, trong khi đó nhân sự này do Ban Bí thư quyết định, nếu không duyệt thì làm sao vượt được? Hay cơ quan đại diện phía Nam của các bộ, trước kia Bộ Nội vụ đã đề nghị bỏ nhưng có được đâu, thậm chí một số nơi còn nâng cấp thành cục, quyền hạn, vị thế to hơn trước. Đã quy định về cơ bản không có cấp phòng trong các vụ ở bộ, tổng cục, nhưng thực tế vẫn tồn tại ở hầu hết các bộ, ngành. Nói thế để thấy rằng, ngay từ các cơ quan T.Ư cũng phải gương mẫu hơn, quyết liệt làm thì bên dưới mới noi theo.

Xin trân trọng cảm ơn ông!