Tọa đàm trực tuyến “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội”

Kinh Tế Đô Thị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 26/12, báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội” trên báo điện tử tại địa chỉ http://kinhtedothi.vn.

Hiện nay, rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối toàn cầu, mỗi năm lượng rác thải được sản sinh ra đủ phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất. Ở Việt Nam, lượng rác thải nhựa ngày càng gia tăng.
Trên địa bàn TP Hà Nội, khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ 5.500 - 6.000 tấn; trong đó, rác thải nhựa chiếm khoảng 8 - 10%. Các sản phẩm nhựa và túi ni lông đã trở nên phổ biến trong cuộc sống người dân, nhưng lại để lại những hậu quả không nhỏ đến môi trường, sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Ban tổ chức tặng hoa các khách mời tham gia buổi tọa đàm.

Thực hiện Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/10/2019 của UBND Thành phố về Công tác Phòng, chống rác thải nhựa và túi nilon đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn TP Hà Nội; Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội"trên báo điện tử tại địa chỉ http://kinhtedothi.vn.
Tham gia buổi tọa đàm có:
- Về phía đơn vị đồng chủ trì Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội có: Ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường.
- Bà Nguyễn Thị Hưởng - Trưởng phòng Thẩm định & Đánh giá tác động môi trường
- PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học & kỹ thuật Hà Nội, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII
- Ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm
- Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng giám đốc Thường trực Hapro (Tập đoàn BRG)
- Ông Phạm Bình Dương - Phó Trưởng phòng TN&MT quận Cầu Giấy
Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức phát biểu tại buổi tọa đàm.

Phát biểu mở đầu tọa đàm, ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị cho biết, theo thống kê, mỗi ngày khối lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội từ 5.500 - 6.000 tấn, trong đó rác thải nhựa chiếm 8 - 10% (khoảng 50 - 60 tấn). Tác hại của rác thải nhựa với môi trường đã được cảnh báo rất nguy hiểm.

Cách đây chưa lâu, báo Kinh tế & Đô thị cũng phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường tổ chức tọa đàm “Túi nilon và chất thải nhựa dùng một lần: Tác hại và giải pháp”, điều này cho thấy môi trường đang là vấn đề rất bức bối của người dân hiện nay.

Công tác bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa và túi nilon trong những năm gần đây luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp và Hà Nội đặc biệt quan tâm. TP đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt.

Qua việc tổ chức cuộc tọa đàm hôm nay, báo Kinh tế & Đô thị mong muốn nhận được sự đóng góp của các chuyên gia, các sở ban ngành để có thể góp phần vào việc bảo vệ môi trường sống của người dân Thủ đô, đặc biệt góp phần vào việc hạn chế rác thải nhựa mà TP đang và sẽ triển khai trong năm 2020.

KHÁCH MỜI THAM DỰ
  • Tọa đàm trực tuyến “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội” - Ảnh 3

    Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường

    Ông Mai Trọng Thái

  • Tọa đàm trực tuyến “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội” - Ảnh 4

    Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học & kỹ thuật Hà Nội, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII

    PGS.TS Bùi Thị An

  • Tọa đàm trực tuyến “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội” - Ảnh 5

    Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm

    Ông Phạm Tuấn Long

  • Tọa đàm trực tuyến “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội” - Ảnh 6

    Phó Tổng giám đốc Thường trực Hapro (Tập đoàn BRG)

    Ông Nguyễn Tiến Vượng

  • Tọa đàm trực tuyến “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội” - Ảnh 7

    Phó Trưởng phòng TN&MT quận Cầu Giấy

    Ông Phạm Bình Dương

  • Tọa đàm trực tuyến “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội” - Ảnh 8

    Trưởng phòng Thẩm định & Đánh giá tác động môi trường

    Bà Nguyễn Thị Hưởng

Nội dung giao lưu trực tuyến
Bạn đọc Phạm Văn Thành (Ba Đình, Hà Nội) hỏi:
Theo tôi được biết, hiện tại Hà Nội cũng đang xây dựng nhà máy điện rác ở Sóc Sơn. Nhà máy này có phải tận dụng rác thải đặc biệt là rác thải nhựa để đốt rác sinh nhiệt, tạo ra điện hay không, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường có thể thông tin về quy trình xử lý rác thải nhựa cũng như cơ chế hoạt động của nhà máy này?
Tọa đàm trực tuyến “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội” - Ảnh 9
Bà Nguyễn Thị Hưởng trả lời:
Về quy trình thu gom tái chế sử dụng rác thải nhựa, trong quy trình hiện tại của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) có xây dựng dây truyền để thu gom tái chế rác thải nhựa. Sau khi rác vận chuyển về thì đã và đang triển khai thực hiện.
Sắp tới Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ tham mưu để làm sao thu gom được rác thải nhựa trên toàn TP, từ khâu thu gom đến đưa về tái chế xử lý chất thải nhựa.
Trong năm 2019, Hà Nội cũng đã thí điểm đầu tư một số thùng rác để hỗ trợ các đơn vị như khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, chùa chiền... để thu gom rác thải. Chúng tôi sẽ tham mưu để đồng loạt thực hiện, kiểm soát từ quá trình thu gom.
Ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường
Hiện nay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo rất quyết liệt trong công tác thu gom vận chuyển, xử lý rác. Lịch trình đi thu gom cho đến nơi tập trung đều được camera giám sát nhằm nắm bắt rõ được những hành vi vi phạm để xử lý nghiêm những đơn vị không chấp hành đúng.
Bạn đọc Lê Diễm Trang (diemtranghn@gmail.com) hỏi:
Thưa ông/bà, như vậy rõ ràng rác thải nhựa cũng là tài nguyên. Ông/bà có đề xuất gì trong việc giảm thiểu rác thải nhựa nhưng không để lãng phí nguồn tài nguyên này?
Tọa đàm trực tuyến “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội” - Ảnh 10
PGS.TS Bùi Thị An trả lời:
Rác thải nhựa đúng là có gây hại, nhưng như tôi đã nói trước, đây là thành tựu công nghệ, được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, như y học, dược học..., còn trong trường hợp sử dụng làm túi 1 lần thì trực tiếp gây nguy hại ra môi trường. Ví như nghiên cứu cho thấy các hạt nhựa thải ra biển nếu cá ăn sẽ gây ung thư.
PGS.TS Bùi Thị An trả lời câu hỏi của độc giả.
Tôi cho rằng trong quá trình xử lý thì các cấp khi làm chính sách cần cân nhắc cái gì sử dụng tiếp thì tân dụng còn không thì phải hạn chế.
Ví như túi nhựa túi nilon thì phải triệt để loại bỏ, nhưng trong nhựa vẫn có thành phần sử dụng được để tái chế, mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và đất nước.
Ta không nên cực đoan và cấm hết các vật liệu nhựa, đồng thời phải tách bạch rõ điều gì có có hại thì loại bỏ, còn lại phải tận dụng theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Chúng ta có thể yêu cầu các nhà máy sản xuất nhựa chuyển đổi từ sử dụng vật liệu nguy hại sang thân thiện, nhưng kèm theo phải có chính sách hỗ trợ họ về đất đai, thuế, giá sản phẩm ban đầu để bù lỗ.
Ngoài ra, cái gì có ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người thì phải cấm bằng mọi giá, phải kiên quyết cho dù giá rẻ đến mức nào.
Tôi nghĩ trong vấn đề này, cán bộ quản lý địa bàn đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là ở cấp phường và cấp quận với việc quy trách nghiệm cho người đứng đầu. Nếu làm tốt, tôi cho rằng Hà Nội sẽ giảm mạnh về vấn đề này.
Ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường:
Cần đầu tư các điểm thu gom chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy từ hoạt động sinh hoạt. Từ đó, xây dựng mạng lưới các đơn vị thu gom, tái chế chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy từ hoạt động sinh hoạt và kết nối với các hộ gia đình, các tập thể, cá nhân và các đơn vị tạo chu trình khép kín giảm thiểu tối đa lượng rác thải nhựa phát sinh.
Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng giám đốc Thường trực Hapro (Tập đoàn BRG):
Với nước ngoài, họ coi rác là tài nguyên từ rất lâu rồi, và có nhiều cơ chế, chính sách để tái chế. Còn ở Việt Nam, chúng ta vẫn đang lãng phí. Theo tôi đây là bài toán khó với các cơ quan chức năng.
Về phân loại rác thải từ gia đình, với nước ngoài đã áp dụng từ lâu. Theo tôi nghĩ Việt Nam để làm được cần đồng bộ và nhiều khâu.
Ở nước ta, việc phân loại rác hiện nay đang phụ thuộc vào 1 lực lượng người lao động tự do khá lớn ngoài xã hội (tên thường gọi là đồng nát). Để quản lý lực lượng này cũng là vấn đề đau đầu.
Về phía siêu thị, chúng tôi sẵn sàng phân loại rác thải tại nguồn và có thể làm được. Còn hiện nay tốt nhất chúng ta khuyến khích sử dụng các sản phẩm dùng 1 lần mà thân thiện với môi trường.
Bạn đọc Trương Quỳnh Anh (Láng Hạ, Hà Nội) hỏi:
Xin ông chia sẻ về kinh nghiệm của quận trong thực hiện chiến dịch 3R?
Tọa đàm trực tuyến “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội” - Ảnh 12
Ông Phạm Tuấn Long trả lời:
Hoàn Kiếm là quận được TP Hà Nội chọn thực hiện thí điểm chương trình phân loại rác tại nguồn - 3R và phối hợp với Tổ chức Jica của Nhật tại 3 phường: Phan Chu Trinh, Tràng Tiền và Lý Thái Tổ. Qua đó, ý thức người dân đã thực sự thay đổi tích cực, tuy nhiên thực tế triển khai gặp khó khăn trong khâu xử lý. Hiện chiến dịch đã phải tạm ngưng.
Ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm.
Kế hoạch trong năm 2020, quận tập trung triển khai lại chương trình, nhưng với điểm mới là thay vì chia thành 3, rác thải sẽ được chia thành 2 nguồn - rác tái chế và rác xử lý.
Một số doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn, như các rạp chiếu phim hay Hapro, đã trang bị các thùng rác tái chế theo hình thức này.
Ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường:
Hiện, Sở TN&MT phối hợp với các Sở, ngành và các quận, huyện để nghiên cứu phương án thu gom vận chuyển đưa về xử lý theo mô hình thí điểm tại quận Hoàn Kiếm để trình UBND TP áp dụng rộng rãi. Khó khăn vướng mắc nhất hiện nay là vấn đề rác không được phân loại tại nguồn dẫn đến chất lượng rác không đảm bảo khó cho các công nghệ xử lý.
Vì vậy, đối với các nhà máy xử lý phải nghiên cứu kĩ về đặc điểm thành phần rác để đưa ra các công nghệ xử lý phù hợp, hiệu quả. Bổ sung dây chuyền hạng mục phân loại rác, đặc biệt là rác thải nhựa để làm sao thu gom rác thải nhựa phục vụ tái chế.
Mô hình đang thí điểm tại quận Hoàn Kiếm rất hay, đó là phân loại rác đang tái chế và rác thải phải đem đi xử lý. Để hiện được mô hình này, chúng tôi sẽ kêu gọi các tổ chức kinh tế, các nhà đầu tư, cùng với đó cần có sự vào cuộc của cơ quan nhà nước cùng tham gia.
Với kế hoạch 232 của TP, trong thời gian tới chúng tôi sẽ có những hệ thống lắp đặt thùng thu gom rác tại khu chung cư, tập thể đưa xuống thu gom giúp nguồn nguyên liệu không lãng phí, có thể đem đi tái chế.
Đây là chính sách chúng tôi đã và đang nghiên cứu và sẽ kêu gọi nhà đầu tư, để khi đã đưa ra thí điểm thì phải đồng bộ, đưa ra chính sách hỗ trợ để đạt được thành công nhất định.
Bạn đọc Nguyễn Hiền Thục (hienthucsg@gmail.com) hỏi:
Hiện nay, trong phong trào giảm thiểu rác thải nhựa, chúng ta vẫn hay nói đến: Không sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần, cần thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường hoặc là các sản phẩm sinh học dễ phân hủy.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu gần đây của Cục Bảo vệ môi trường và lương thực Đan Mạch: Túi giấy gây tác động ra môi trường lớn hơn túi nilon dùng một lần tới 43 lần; túi thân thiện môi trường là túi Polyester được sử dụng lại ít nhất là 35 lần; túi chế tạo bằng bông hữu cơ có tác động lớn hơn túi nilon dùng một lần tới hơn 20.000 lần. Vậy, ông/bà có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Tọa đàm trực tuyến “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội” - Ảnh 14
PGS.TS Bùi Thị An trả lời:
Theo tôi, mỗi sản phẩm mới ra đời trước khi áp dụng đều phải trải qua quá trình thử nghiệm thực tế trước khi đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là sản phẩm có liên quan đến sức khỏe con người. Có thể các công bố trên đã được nghiên cứu kỹ, có thể thích hợp với các nước nhưng lại không hiệu quả với Việt Nam.
Quan điểm của tôi là mọi sản phẩm nghiên cứu mới trước khi triển khai đều phải được thử nghiệm thực tế ở Việt Nam. Việc công bố kết quả thử nghiệm ở các nước thì ta chỉ có thể tin cậy 1 phần, còn phải đánh giá thực chất.
Trong quá trình công bố, nếu một sản phẩm được nhiều nước, nhiều viện nghiên cứu kiểm nghiệm thì có thể tin được, còn nếu chỉ 1 nơi thì chưa tin ngay được, vì trong nghiên cứu khoa học các sản phẩm luôn có 2 mặt, trong môi trường nào thì sẽ phát huy thế mạnh của nó.
Do đó, tôi chưa thể kết luận được vấn đề này, tôi vẫn luôn nghĩ mọi sản phẩm nhập vào Việt Nam đều phải thử nghiệm trên thực tiễn của Việt Nam, đồng thời được đánh giá độc lập. Từ đó, ta có thể chọn lựa sử dụng sản phẩm nào thích hợp nhất với điều kiện đất nước.
Ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường.
Ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường:

Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của PGS.TS Bùi Thị An. Đối với việc đưa ra sản phẩm mới rất cần có hội đồng khoa học xem xét đánh giá các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Thời gian qua chúng ta đang vận động người dân không sử dụng bếp than tổ ong, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp với Viện Công nghệ môi trường, ĐH Bách Khoa kiểm tra, đánh giá đối với loại bếp than tổ ong thân thiện môi trường để có cơ sở khoa học khuyến khích người dân áp dụng.

Do vậy, đối với các sản phẩm thân thiện môi trường, chúng ta có thể phối hợp với nhiều tổ chức để có đánh giá chuyên sâu về các thành phần hóa học, chứ không định lượng định tính.

Hiện các sản phẩm thân thiện môi trường như tre nứa, giấy kết hợp với polyme… đang được khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất để thay thế túi nilon. Thời gian tới, trong quá trình thực hiện Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ có đánh giá chuyên sâu trên cơ sở đó có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường.

Đồng thời, tuyên truyền đúng trọng tâm trọng điểm, giúp người dân nhìn nhận thấy những tác hại, hưởng ứng phong trào hạn chế dử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần.

Bạn đọc Nguyễn Khải Minh (Giảng Võ, Hà Nội) hỏi:
Xin các ông/bà cho biết cần có giải pháp nào để kiểm soát chất thải nhựa cũng như hạn chế túi nilon một cách hiệu quả?
Tọa đàm trực tuyến “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội” - Ảnh 16
Ông Nguyễn Tiến Vượng trả lời:
Nhà nước cần ban hành các chính sách, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tôi nghĩ không thể 1 lúc dừng ngay thói quen sử dụng túi nilon khi chưa có sản phẩm thay thế. Cho nên, đầu tiên vẫn phải là hạn chế.
Trong sản xuất kinh doanh hiện nay, bao bì sản phẩm cũng là 1 phần quan trọng của giá thành, các doanh nghiệp cạnh tranh rất khốc liệt. Với túi nilon, các sản phẩm từ nhựa có giá thành rất rẻ nên được sử dụng nhiều. Nhà nước cần giảm thuế cho các doanh nghiệp.
Trong việc sử dụng túi nilon, lượng hàng hóa bán trong các siêu thị chỉ chiếm 25% thị trường hiện nay tại Việt Nam, còn phần lớn tập trung bên ngoài, tại các chợ truyền thống, các cửa hàng nhỏ lẻ. Do vậy, quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền để người dân giảm thiểu sử dụng.
Ở các siêu thị nước ngoài, túi bao gói không phát miễn phí, mà phải bỏ tiền ra mua. Do vậy khách hàng mới sử dụng tiết kiệm.
Về vấn đề đánh thuế về phía người tiêu dùng, chúng tôi cho là không cần thiết. Nên đánh thuế về phía nhà sản xuất, nhà phân phối.
 
Ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm:
Đơn cử như hoạt động mà quận Hoàn Kiếm đã thực hiện với nhóm các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn. Thực tế các cơ sở lưu trú đã và đang triển khai thu thập đánh giá của du khách về chất lượng dịch vụ, bao gồm tiêu chí về vấn đề bảo vệ môi trường, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Chúng tôi đã đặc biệt theo dõi và nhận thấy du khách nước ngoài phản hồi rất tích cực. Đây rõ ràng là 1 kênh đánh giá rất hiệu quả.
Tôi nhất trí với PGS. TS Bùi Thị An, rằng chống rác thải nhựa là 1 kế hoạch tổng thể, cần sự chung tay của nhiều ban ngành, lĩnh vực và đặc biệt cần chú trọng tác động ngược trở lại của người tiêu dùng đối với các DN. Tôi cũng cho rằng cần thiết đánh thuế với sử dụng và thay thế túi nilon.
Ông Phạm Bình Dương - Phó Trưởng phòng TN&MT quận Cầu Giấy:
Theo khảo sát của quận Cầu Giấy, hiện nay, trên địa bàn đã có nhiều khu vực người bán hàng không phát túi nilon cho khách hàng. Trong thời gian đầu, nhiều người còn tỏ ra bỡ ngỡ, song cùng với thời gian nhiều người đã quen với việc này.
Do đó, cần có chính sách điều tiết với các đơn vị phân phối sản phẩm, chợ lớn… trong việc hạn chế sử dụng túi nilon (nếu sử dụng thì bán và thu toàn bộ tiền dể sử dụng vào quỹ từ thiện hoặc quỹ tái chế rác thải) để tạo sức lan tỏa, tạo điều kiện thay đổi thói quen.
Bạn đọc Trần Tiểu Vy (tranvyhn@gmail.com) hỏi:
Với kinh nghiệm là nhà khoa học, đại biểu Quốc hội, xin bà đưa ra đề xuất trong xây dựng chính sách về vấn đề giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa, qua đó thay đổi thói quen người sử dụng?
Tọa đàm trực tuyến “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội” - Ảnh 18
PGS.TS Bùi Thị An trả lời:
Tôi nghĩ, trước hết chúng ta cần có chính sách và cơ chế để dẹp tận gốc vấn đề rác thải nhựa. Đầu tiên đó là phải dùng kinh tế đánh vào kinh tế, trong khi việc điều chỉnh thói quen là chuyện sau này.
Nhưng đánh vào "nồi cơm" của ai, nhà sản xuất hay người tiêu dùng, đó là việc cần bàn, nhưng theo tôi các cấp, các ngành cần tham mưu TP đưa ngành tái chế rác thành mô hình kinh tế tuần hoàn. Điều này sẽ mang lại lợi ích về kinh tế với đất nước và sức khỏe con người.
Về thuế, rõ ràng chúng ta phải có chính sách tăng thuế với sản phẩm nhựa, qua đó nâng cao giá thành đối với túi nhựa. Đồng thời phải cấm nhập vật liệu tái chế từ nước ngoài, vì đây là vật liệu độc hại từ các nước đổ sang Việt Nam với giá rẻ. Nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận sẽ sẵn sàng nhập nguồn nghiên liệu này để sản xuất túi nhựa vì vẫn có lãi.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có chính sách để có vật liệu thay thế túi nhựa, bởi không thể bắt người tiêu dùng không có túi để đựng đồ khi mua sắm.
Ngoài ra, về tuyên truyền, tôi đề nghị cần tuyên truyền sâu hơn, mạnh hơn, nhấn mạnh về nguy hại lâu dài đối với sức khỏe người dùng, ví dụ như gây bệnh ung thư. Qua đó để người dân hiểu rõ vê hậu quả của rác thải nhựa.
Bạn đọc Trần Thị Lê (Long Biên, Hà Nội) hỏi:
Thưa ông, được biết Tập đoàn BRG đã từng ra quân chống rác thải nhựa theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Vậy, các hệ thống bán lẻ của tập đoàn đã có những hành động gì để cụ thể hóa chỉ đạo của Chính phủ, TP về phòng chống rác thải nhựa, túi nilon?
Tọa đàm trực tuyến “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội” - Ảnh 19
Ông Nguyễn Tiến Vượng trả lời:
Với BRG, chúng tôi đã chính thức tham gia Liên minh chống rác thải nhựa. Đây là Liên minh bao gồm những doanh nghiệp tiên phong, tự nguyện đồng hành cùng Phong trào chống rác thải nhựa.
Đây là chương trình hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng cùng chung tay hành động chống rác thải nhựa vì một Việt Nam trong lành, phát triển bền vững do Bộ Tài nguyên - Môi trường phối hợp với UBND TP Hà Nội, T.Ư Đoàn tổ chức.
Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng giám đốc Thường trực Hapro (Tập đoàn BRG).
BRG hiện đang sở hữu khối bán lẻ lớn, với nhiều hệ thống siêu thị trên khắp các quận, huyện tại Thủ đô Hà Nội. Bắt tay vào hành động, chúng tôi đã đưa ra những chương trình hết sức cụ thể, thiết thực. Như, với khối văn phòng, hiện nay BRG không dùng các chai nhựa đựng nước, thay vào đó là chai thủy tinh.
Với hệ thống bán lẻ, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền về tác hại, vận động khách hàng giảm thiểu dùng túi nilon trên hệ thống loa đài, truyền thanh tại các siêu thị. Bên cạnh đó, với các nhà cung cấp, chúng tôi ưu tiên các đơn vị dùng lá gói thay cho túi nilon.
Tại các quầy thanh toán, nhân viên thu ngân giảm thiểu phát túi nilon cho khách, đưa ra những lời khuyên cho khách dùng các sản phẩm bao gói thay thế. Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường sử dụng thùng carton đóng gói cho khách hàng.
Với túi vải, chúng tôi có bán ngay tại các siêu thị, đồng thời làm quà tặng trong các chương trình khuyến mãi. Trong thời gian tới, chúng tôi dự kiến có kế hoạch tái sử dụng những túi vải này để tăng khuyến khích sử dụng của khách hàng.
Về giảm thiểu rác thải nhựa, theo tôi đây là cả 1 quá trình. Trước đây chúng ta đã có thói quen, quá dễ dãi trong sử dụng túi nilon. Hiện nay, để thay đổi phải kiên trì tuyên truyền để giảm hiểu. Còn để chấm dứt hẳn thì là cả 1 vấn đề, trong đó quan trọng là có sản phẩm thay thế.
Bạn đọc Nguyễn Anh Đức (Cầu Giấy, Hà Nội) hỏi:
Liệu các quận có những biện pháp thiết thực nào khác, gắn liền với thực tế quận mình, nhằm khuyến khích người dân chống rác thải nhựa?
Tọa đàm trực tuyến “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội” - Ảnh 21
Ông Phạm Tuấn Long trả lời:
Thực tế sau mỗi sự kiện, đặc biệt tại Hồ Hoàn Kiếm, rác thải lại tràn lan. Với kinh nghiệm những năm vừa qua, ngoài các biện pháp thu gom trực tiếp cả trong và sau khi sự kiện diễn ra, quận cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức cam kết giữ gìn và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, quận cũng phối hợp thực hiện Nghị định 155 trong xử phạt các hành vi vi phạm. Riêng trong năm 2019, quận đã tiến hành xử phạt 394 triệu đồng trong lĩnh vực môi trường.
Tuy nhiên, quận Hoàn Kiếm vẫn xác định cốt lõi là cần nâng cao nhận thức chung của người dân, bởi rác thải ra môi trường đều là do con người và vấn đề không chỉ ở người dân quận, mà còn là du khách thập phương.
Ông Phạm Bình Dương - Phó Phòng TN&MT quận Cầu Giấy: Quận Cầu Giấy nhất trí với ý kiến của quận Hoàn Kiếm. Hiện nay, việc chúng ta đang thực hiện các biện pháp tuyên truyền song đây chỉ là động thái, để thay đổi được vấn đề này phải tuyên truyên theo kiểu phải “mưa lâu thấm đất”.
Cùng với đó, chúng tôi phải phân loại từng đối tượng có hành vi sử dụng túi nilon trong các nhà trường để từ có những biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở cho phù hợp…
Cùng với đối tượng sinh viên, hiện nay, quận Cầu Giấy đang tập trung vào đối tượng là phụ nữ những người thường xuyên tiếp xúc với rác thải nhựa. Đối với các địa điểm tập kết, phân loại rác chúng tôi cũng yêu cầu phải thiết kế như một hạng mục để trang trí cho công viên thu hút người dân tham gia. Song, để chương trình đem lại hiệu quả lâu dài thì cần có sự thay đổi ý thức sử dụng sản phẩm nilon của mỗi cá nhân để thay đổi thói quen.
Bạn đọc Nguyễn Hồng DIễm (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) hỏi:
Quận Hoàn Kiếm là địa bàn có nhiều có nhiều trung tâm buôn bán, thương mại lớn và có nhiều hoạt động du lịch. Vậy quận Hoàn Kiếm đã có giải pháp tuyên truyền, vận động như thế nào nhằm hạn chế sử dụng những sản phẩm gây hại đối với môi trường đối với người dân, doanh nghiệp và du khách?
Tọa đàm trực tuyến “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội” - Ảnh 22
Ông Phạm Tuấn Long trả lời:
Hoàn Kiếm là quận trung tâm về thương mại - du lịch dịch vụ của TP Hà Nội. Thống kê trung bình lượng rác thải tăng 10%/năm, chủ yếu từ các nhà hàng, khách sạn đi cùng lượng khách du lịch tăng lên (20 - 23%/năm). Hiện địa bàn quận có trên 600 khách sạn, 300 nhà nghỉ homestay...
Ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm trả lời câu hỏi của độc giả báo Kinh tế & Đô thị.
Kinh tế quận Hoàn Kiếm hiện đang chuyển hướng sang phát triển thương mại - du lịch dịch vụ, với tăng trưởng ngành này đạt 18%/năm. Khách quốc tế đổ về quận đã tăng lên trên 3 triệu lượt. Đi kèm với đó là lượng rác thải tăng cao - 233 tấn/ngày trong năm 2019 - trên diện tích hạn chế chỉ 5,2km2.
Trong năm 2019, quận Hoàn Kiếm đã triển khai nhiều phương án giảm thải rác nhựa: Thứ nhất là nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn, khuyến cáo người dân sử dụng các chai lọ, túi với chất liệu thân thiện với môi trường, như phát động của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Thứ 2, quận chú trọng tuyên truyền đến đối tượng học sinh trên địa bàn, nhằm tạo thói quen không sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong các hoạt động đời sống hàng ngày.
Đặc biệt, quận đã triển khai chiến dịch thu gom hộp sữa tại 54 trường học để tái chế. Ngoài ra, nhiều nhà hàng, khách sạn trên địa bàn cũng tham gia chương trình sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường như: Túi giấy, ống hút tre...
Đối với các trung tâm thương mại, chẳng hạn TTTM Hàng Da, quận khuyến khích dùng túi giấy thay vì túi nilon. Kể cả nhiều bà con chợ Đồng Xuân cũng đã chuyển sang sử dụng các túi handmade để đựng sản phẩm của mình.
Bạn đọc Nguyễn Anh Tú (Láng Hạ, Hà Nội) hỏi:
Thưa bà, UBND Hà Nội có nhiều hoạt động tuyên truyền, khuyến cáo nhằm giảm thiểu chất thải nhựa dùng một lần trong cộng đồng, thế nhưng vì sao đến thời điểm này tình trạng sử dụng túi nilon vẫn tràn lan? Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện là gì, thưa bà?
Tọa đàm trực tuyến “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội” - Ảnh 24
PGS.TS Bùi Thị An trả lời:
Đây là vấn đề khó, đòi hỏi sự chung tay của xã hội. Trước hết, tôi thấy việc xử lý giảm rác thải nhựa là việc không đơn giản, nói cho cùng, nhựa là thành tựu của công nghệ, có thể sử dụng trong nhiều ngành nghề với nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, khi sử dụng nhựa như vật liệu sử dụng 1 lần thì đó lại là hiểm họa đối với môi trường.
Theo tôi, chúng ta cần giải pháp đồng bộ từ cơ chế chính sách, tới định hướng giảm sản xuất vật liệu nhựa, giảm nhập đồ nhựa tái chế, trong khi với khoa học công nghệ thì cần tìm vật liệu thay thế. Về tuyên truyền, chúng ta cần nâng cao ý thức của người tiêu dùng về rác thải nhựa.
Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước cần có cơ chế chính sách với từng thành phần kinh tế, đó là khâu sản xuất, nghiên cứu đến sử dụng...
Tôi nghĩ nếu chỉ nhấn mạnh tuyên truyền không thì sẽ không đủ. Đây là một quá trình lâu dài và không thể đòi hỏi hiệu quả nhanh chóng. Do đó, tôi nghĩ sẽ phải kiên trì trong 1 vài năm mới đạt yêu cầu.
Bà Nguyễn Thị Hưởng - Trưởng phòng Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường.
Bà Nguyễn Thị Hưởng - Trưởng phòng Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường:
Hiện nay, vai trò của công tác tuyên truyền rất quan trọng, để thay đổi thói quen của cộng đồng cần có lộ trình, thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền hơn nữa để làm sao từ cơ quan quản lý nhà nước đến nhân dân thay đổi thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng 1 lần…
Trong thời gian tới, từ ngày 26 - 31/12, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Hội phụ nữ TP tổ chức các buổi tuyên truyền đến Hội phụ nữa của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP nhằm nâng cao công tác tuyên truyền và hạn chế sử dụng túi nilon. Phối hợp với một số trường tiểu học trên địa bàn quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, tuyên truyền và đưa ra khuyến cáo với các em học sinh dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Khó khăn, vướng mắc hiện nay là sản phẩm túi thân thiện với môi trường thường đắt hơn so với túi nilon nên người dân vẫn sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng 1 lần.
Chính vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Sở Công Thương vận động các doanh nghiệp, các trung tâm thương mại, siêu thị cam kết không sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng 1 lần trong chuỗi bán hàng để hạn chế việc sử dụng túi nilon ngay từ đầu nguồn cung cấp.
Trong năm 2020, Sở sẽ tham mưu UBND TP Hà Nội ban hành chính sách, các chế tài để cấm các đơn vị nhỏ lẻ chấm dứt các cơ sở không sản xuất túi nilon. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ sản xuất hiện đại giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có chính sách hỗ trợ để các cơ sở nhỏ lẻ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo công ăn việc làm. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao quy trình chu trình thu gom, tái chế rác thải đảm bảo chu trình tuần hoàn khép kín.
Tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc đóng góp ý kiến xây dựng hoàn thiện đề án về chất thải nhựa.
Bạn đọc Trần Đức Dung (trandung@gmail.com) hỏi:
Quận Cầu Giấy là địa bàn có nhiều trường CĐ, ĐH với lượng sinh viên lớn, quận đã có giải pháp tuyên truyền, vận động như thế nào nhằm giáo dục ý thức, hạn chế sử dụng những sản phẩm gây hại đối với môi trường trong giới sinh viên?
Tọa đàm trực tuyến “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội” - Ảnh 26
Ông Phạm Bình Dương trả lời:
Trên địa bàn quận Cầu Giấy có nhiều trường CĐ, ĐH với lượng sinh viên lớn. Để tuyên truyền, vận động giáo dục ý thức hạn chế sử dụng những sản phẩm gây hại đối với môi trường trong giới sinh viên, UBND quận Cầu Giấy đã giao phòng TN&MT phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quận Cầu Giấy tổ chức các chương trình, hội nghị tuyên truyền, vận động giảm thiểu việc xả thải rác thải ra môi trường. Cụ thể:
Quận Cầu Giấy đã duy trì việc tổ chức chương trình "Ra quân tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn quận" vào sáng thứ Bảy hàng tuần; Đoàn Thanh niên Quận tổ chức chương trình "Ngày Chủ Nhật Xanh". Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quận Cầu Giấy đã có các văn bản tuyên truyền, phát động như: Văn bản số 301-CV/ĐTN ngày 6/3/2019 về việc ra quân Đội tự quản đảm bảo trật tự và văn minh đô thị hưởng ứng Ngày chủ Nhật xanh lần thứ nhất năm 2019"; Văn bản số 354-CV/ĐTN ngày 9/7/2019 về việc đồng loạt ra quân Ngày Chủ nhật xanh kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ... Qua đó nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong toàn thể nhân dân, đặc biệt là đối với Đoàn viên, thanh niên đang sinh sống trên địa bàn quận.
Ông Phạm Bình Dương - Phó Trưởng phòng TN&MT quận Cầu Giấy.
Cùng với đó, quận Cầu Giấy đã thực hiện các chương trình, hội nghị tuyên tuyền với nội dung tập trung vào việc tuyên truyền về những tác hại của rác thải nhựa, túi nilon; gợi ý các thói quen nhằm hạn chế sử dụng túi nilon, các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong giới sinh viên, như: Mang theo túi đựng khi mua sắm; hạn chế mang rác thải nhựa vào trường học bằng cách mang theo bình đựng nước cá nhân dùng nhiều lần khi đi làm, đi học; dùng ly cá nhân thay ly nhựa; dùng hộp chứa dùng lại nhiều lần để đựng thức ăn; không dùng ống hút, dao thìa nĩa dùng một lần; ăn bữa ăn gia đình để hạn chế đồ ăn nhanh có sử dụng nhiều hộp/túi dùng một lần.
Mặt khác, để phong trào đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thực tế, lâu dài và có sức lan tỏa, Đoàn Thanh niên quận đã tổ chức "Fasival sinh viên" tại 02 địa điểm trên địa bàn quận: Trường Tiểu học Dịch Vọng B và Trường THPT Yên Hòa với nội dung: Đổi giấy, vỏ chai nhựa, pin lấy cây xanh. Sau đó giấy, chai vỏ nhựa và pin thải thu được sẽ được Công ty giấy An Phú, tổ chức phi lợi nhuận Green Life thu gom lại và tái chế.
Tại những hội nghị, phong trào đó thường xuyên có sự tham gia của hơn 200 Đoàn viên thanh niên quận và đông đảo người dân trên địa bàn... qua đó đã góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền giảm thiểu rác thải nhựa.
Bạn đọc Nguyễn Phương Lan (phuonglan@gmail.com) hỏi:

Thưa ông, được biết thời gian qua UBND TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Vậy, ông có thể cho biết hiệu quả bước đầu trong việc thực hiện các chính sách này cũng như thực trạng rác thải nhựa hiện nay trên địa bàn TP?

Tọa đàm trực tuyến “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội” - Ảnh 28
Ông Mai Trọng Thái trả lời:
Đối với nội dung giảm thiểu rác thải nhựa và túi nilon là nhiệm vụ trọng tâm của TP Hà Nội trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ trong vấn đề môi trường.
Ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường trả lời câu hỏi của độc giả.
Cụ thể, TP đã ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/10/2019 về phòng, chống rác thải nhựa và túi nilon, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó yêu cầu  100% các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc UBND TP không sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần và hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ tháng 11 năm 2019; Đến 31/12/2020 hạn chế tối đa các cơ sở sản xuất  bao bì tiêu dùng bằng nhựa.
Hiện nay, TP đang triển khai lộ trình gồm 4 giải pháp như sau:
- Tuyên truyền, khảo sát khối doanh nghiệp đang sản xuất các sản phẩm nhựa khó phân hủy
- Tuyên truyền các cửa hàng, siêu thị, trường học hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần
- Tuyên truyền các cơ sở sản xuất túi ni lông đến năm 2020 hạn chế việc sản xuất, sử dụng túi nilon khó phân hủy
- Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất chuyển đổi việc sản xuất các sản phẩm khó phân hủy theo lộ trình của TP.