Tọa đàm trực tuyến “Vai trò của gia đình trong phòng chống bạo lực học đường”

Kinh Tế Đô Thị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 4/4, tại Hà Nội, báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở VH&TT Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức cuộc tọa đàm “Vai trò của gia đình trong phòng chống bạo lực học đường”.

Những vụ bạo lực học đường xảy ra trong thời gian gần đây tại một số tỉnh như: Hưng Yên, Nghệ An… đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận. Nỗi ám ảnh và nỗi lo về bạo lực học đường khiến nhiều người lo ngại về sự xuống cấp trầm trọng của lối sống và văn hóa ứng xử trong một bộ phận giới trẻ, đặc biệt là lứa tuổi học sinh - lứa tuổi vị thành niên, thanh niên.
Khách mời tham gia tọa đàm trực tuyến ''Vai trò của gia đình trong phòng chống bạo lực học đường''.
Trong vấn đề này, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, vai trò của gia đình trong giáo dục trẻ đang có phần bị xem nhẹ, buông lỏng. Nhiều gia đình phụ huynh đang quá mải mê làm kinh tế, phó mặc việc giáo dục con cái cho nhà trường, ông bà hoặc người thân trong gia đình. Đây cũng chính là lý do để hôm nay báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở VH&TT Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức cuộc tọa đàm “Vai trò của gia đình trong phòng chống bạo lực học đường”.
Tham dự buổi Tọa đàm hôm nay có ông Ngô Văn Nam - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VH&TT Hà Nội; ông Phạm Ngọc Tuấn - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Hà Nội.
Về phía các chuyên gia có TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội; PGS.TS tâm lý Trần Thành Nam - Trường ĐH Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Về phía các nhà trường có cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa; Cô Vũ Thị Tuyết Nga và cô Hoàng Bảo Ngọc - Giáo viên Trường THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Lại Bá Hà cho biết: "Trong những ngày vừa qua, 2 sự kiện bạo lực học đường tại Hưng Yên và Nghệ An đang làm nóng các diễn đàn. Trên báo chí, đặc biệt là mạng xã hội đều rất nóng, các vụ việc đã được phân tích dưới nhiều góc độ từ phía gia đình, phía nhà trường...
Hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước đang từng bước xử lý các vụ việc. Với vụ xảy ra ở Hưng Yên, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên và các cơ quan quản lý đã vào cuộc và có biện pháp xử lý bước đầu.
Là cơ quan báo chí, truyền thông chủ lực của UBND TP Hà Nội, báo Kinh tế & Đô thị đã có nhiều bài viết xung quanh vấn đề này nhằm đóng góp tiếng nói khách quan của cơ quan báo chí cùng với ngành văn hóa, giáo dục về văn hóa học sinh, sinh viên của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung.
Với những lý do đó, báo Kinh tế và Đô thị tổ chức Tọa đàm về “Vai trò của gia đình trong phòng chống bạo lực học đường”.
KHÁCH MỜI THAM DỰ
  • Tọa đàm trực tuyến “Vai trò của gia đình trong phòng chống bạo lực học đường” - Ảnh 2

    Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội

    TS Nguyễn Tùng Lâm

  • Tọa đàm trực tuyến “Vai trò của gia đình trong phòng chống bạo lực học đường” - Ảnh 3

    Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội

    Ông Ngô Văn Nam

  • Tọa đàm trực tuyến “Vai trò của gia đình trong phòng chống bạo lực học đường” - Ảnh 4

    Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Hà Nội

    Ông Phạm Ngọc Tuấn

  • Tọa đàm trực tuyến “Vai trò của gia đình trong phòng chống bạo lực học đường” - Ảnh 5

    Giảng viên trường ĐH Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội

    PGS.TS tâm lý Trần Thành Nam

  • Tọa đàm trực tuyến “Vai trò của gia đình trong phòng chống bạo lực học đường” - Ảnh 6

    Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa

    Cô Nguyễn Thị Nhiếp

  • Tọa đàm trực tuyến “Vai trò của gia đình trong phòng chống bạo lực học đường” - Ảnh 7

    Giáo viên Trường THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm

    Cô Vũ Thị Tuyết Nga

  • Tọa đàm trực tuyến “Vai trò của gia đình trong phòng chống bạo lực học đường” - Ảnh 8

    Giáo viên Trường THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm

    Cô Hoàng Bảo Ngọc

Nội dung giao lưu trực tuyến
Bạn đọc Hoàng Phương (Hưng Yên) hỏi:
Giáo viên chủ nhiệm có vai trò như nào để thúc đẩy vai trò của gia đình trong phòng chống bạo lực học đường?
Tọa đàm trực tuyến “Vai trò của gia đình trong phòng chống bạo lực học đường” - Ảnh 9
TS Nguyễn Tùng Lâm trả lời:
Chúng ta phải thống nhất trách nhiệm trước hết thuộc về phía nhà trường khi xảy ra bạo lực học đường. Nhà trường phải có trách nhiệm trong đào tạo học sinh như thế nào hợp lý, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của học sinh. Nhưng về phía gia đình, cũng không phải là không có trách nhiệm.
Tôi nhắc lại, mỗi gia đình chỉ có 1-2 con, đầu tư cho con là đầu tư lâu dài, con cái là cả cuộc sống của cha mẹ nên không thể phó mặc con cho nhà trường.
Về giáo dục tôi yêu cầu các em phải có 5 bước để suy ngẫm để tự thay đổi mình. Tại sao lại xảy ra sự việc như vậy, sự việc xảy ra như thế thì chia sẻ với ai, nguyên nhân nào, tác hại ra sao nhưng quan trọng nhất là khi sự việc xảy ra lần sau thì xử lý như thế nào. Nhưng không phải cứ giáo viên nói là học sinh nghe ngay, cần dạy thường xuyên để ngấm vào học trò mà để ngấm thì cần cả sự dạy dỗ của gia đình.
Người kết nối giữa gia đình và nhà trường là giáo viên chủ nhiệm (GVCN). Trong nhà trường hiện nay, vai trò của GVCN lại đang bị xem nhẹ. Tôi kiến nghị, Hà Nội phải có chính sách riêng, cơ chế riêng cho GVCN. Như ở vụ việc Hưng Yên, việc kỷ luật Hiệu trưởng, GVCN là đúng về mặt trách nhiệm nhưng chưa thỏa đáng. Phải quay lại để nhìn rằng người ta đã được đào tạo chưa, vai trò của người ta đã được tôn trọng chưa.
Hiện 4 tiết GVCN không có kinh phí. Vì thế, tôi cho rằng cần phải thay đổi chính sách. Luật giáo dục cần phải đưa vào phần nhà giáo là có chức danh GVCN, họ phải là nhà sư phạm như thế nào, được tôn vinh ra sao, đãi ngộ như nào cần ghi rõ.
Hiện nay, mới chỉ đang ở dừng lại kêu gọi. Người kết nối, người làm nên thành công của phòng chống bạo lực học đường phải là GVCN.
Bạn đọc Ngô Văn Phong (quận Long Biên, Hà Nội) hỏi:
Để có sự phối hợp tốt giữa nhà trường và gia đình, cần làm những gì để tập trung giáo dục đạo đức lối sống cho một bộ phận giới trẻ, đặc biệt là đối tượng là các em học sinh?
Tọa đàm trực tuyến “Vai trò của gia đình trong phòng chống bạo lực học đường” - Ảnh 10
Cô Vũ Thị Tuyết Nga trả lời:

Việc kết nối giữa nhà trường và gia đình rất quan trọng. Muốn học sinh thay đổi thì cả 2 môi trường, từ giáo viên và phụ huynh đều phải thay đổi, thích ứng.

Hiện nay trong trường chúng tôi, mọi hoạt động giáo dục các con bao giờ cũng được làm đồng hành cùng phụ huynh. Bố mẹ đều được mời đến trường và tham dự các hoạt động về kỹ năng sống, giá trị sống. Trong đó nhà trường là phía chủ động. Mục đích để phụ huynh sẽ biết cách làm, hiểu cách làm và đồng thuận với các thầy cô giáo.

Chúng tôi luôn luôn coi phụ huynh là những người cùng hội, cùng thuyền, và mục tiêu cuối cùng là làm các con thay đổi và phát triển 1 cách toàn diện.
Tuy nhiên, có 1 thực tế, hiện nay nhiều phụ huynh không quan tâm đến con cái mình 1 cách đầy đủ. Ví dụ bỏ qua các buổi họp phụ huynh của các con tại trường, nhưng lại rất quan tâm đến học lực, thành tích của con em mình.

Với những nhận định trên, ở trường chúng tôi, buổi họp phụ huynh bao giờ cũng trở thành 1 buổi gặp gỡ, giao lưu giữa 3 bên (gia đình - nhà trường - học sinh). Các con được họp cùng cha mẹ, mọi vấn đề các em được phát biểu, chia sẻ và đồng thuận. Và như vậy, giữa gia đình và nhà trường có được 1 mục tiêu chung, 1 cách làm chung, qua đó sợi dây kết nối khăng khít hơn. Gia đình sẽ nhận thức rõ hơn về vai trò của mình.

Với bản thân tôi xác định, vai trò của nhà trường là không thể chối bỏ được. Chúng tôi luôn ý thức rõ được điều đó, luôn sát sao với các con về mọi phương diện. Nhưng sự thấu hiểu của gia đình với các con hiện đang là 1 vấn đề, sự kết nối giữa cha mẹ và các con tưởng là rất gần nhưng lại rất thiếu. Nhà trường cũng có những hỗ trợ cho sự kết nối này, nhưng đó cũng là tác động khách quan, cái chính vẫn từ phía phụ huynh chủ động.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa

Như chuyên gia có TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội vừa trao đổi, rất nhiều nhà trường đã có những biện pháp để gắn kết với gia đình. Tôi cũng xin chia sẻ kinh nghiệm bản thân, đó là buổi họp phụ huynh đầu năm với trường THPT Yên Hòa rất quan trọng.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa phát biểu tại buổi tọa đàm.
Ngoài việc báo cáo tình hình của trường, tôi sẽ chia sẻ đặc điểm tâm, sinh lý của học sinh ở lứa tuổi này như thế nào. Tôi cũng đọc và chia sẻ cho phụ huynh học thuyết đa trí tuệ, để cha mẹ hiểu rằng mỗi một học sinh giỏi một lĩnh vực khác nhau, để cha mẹ hiểu con hơn, khuyến khích con làm theo những thế mạnh của bản thân.
Mỗi năm, tôi cố gắng ít nhất 1 lần chia sẻ với cha mẹ, nhưng ngay cả trong buổi họp phụ huynh, gần như tôi phải là người chủ động, đặt vấn đề, khơi gợi để phụ huynh chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong giáo dục con. Tôi cũng chủ động đề xuất phụ huynh gọi điện, nhắn tin cho tôi để chia sẻ vấn đề và cùng giải quyết, vì có những việc phụ huynh khó trao đổi với con nhưng tôi nói với học trò lại rất dễ. Tuy vậy, không nhiều phụ huynh sẵn sàng đón nhận những thiện chí đó. Không nhiều phụ huynh trao đổi với tôi các vấn đề trong giáo dục con.

Mặt khác, tôi cũng kiến nghị ngành giáo dục có những chính sách rõ ràng với người làm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong nhà trường. Theo tôi, người làm công tác này phải chuyên trách, không phải kiêm nhiệm.

Cùng với đó, tại các trường Đại học Sư phạm cũng cần đào tạo về kỹ năng tư vấn, điều chỉnh tâm lý cho sinh viên nhiều hơn để khi đi giảng dạy, các thầy cô có đủ kiến thức kỹ năng hướng dẫn cho học sinh.

Ông Ngô Văn Nam - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Ngô Văn Nam chia sẻ về các chính sách của Sở VH&TT Hà Nội:

Cuốn sách giáo dục nếp sống người Hà Nội thanh lịch văn minh đã được triển khai từ năm 2012 tại các nhà trường.

Năm 2018, Sở VH&TT Hà Nội tiếp tục đưa nội dung về giáo dục an toàn giao thông phổ cập đại trà văn hóa tham gia giao thông. Với tinh thần của lãnh đạo TP, lấy học sinh làm trung tâm, con cái nhắc nhở bố mẹ khi tham gia giao thông, hận chế các hành vi vi phạm.

Đặc biệt, năm 2017, Hà Nội đã ban hành 2 bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan và nơi công cộng. Đối với nội dung này, theo hướng dẫn của Sở VH&TT Hà Nội đề nghị các trường niêm yết công khai và phổ biến các nội dung liên quan đến các em ở các buổi lễ chào cờ.

Bạn đọc Hoàng Lan (hoanglanvn@gmail.com) hỏi:

Có quan điểm cho rằng, việc xử lý của tỉnh Hưng Yên với vụ việc vừa qua là quyết liệt, nhưng cũng có nhiều người lại đánh giá đó là mức kỷ luật quá nặng với các thầy cô. Ông/bà có thể chia sẻ những cảm nhận của mình về cách ứng xử của học sinh với học sinh trong môi trường học đường hiện nay? Các giáo viên trong trường cần làm gì để có thể phòng chống bạo lực học đường?

Tọa đàm trực tuyến “Vai trò của gia đình trong phòng chống bạo lực học đường” - Ảnh 12
Cô Nguyễn Thị Nhiếp trả lời:
Thường thì ở trường THPT Yên Hòa sẽ phạt học sinh vệ sinh lớp, vệ sinh trường. Tuy nhiên, đó chỉ là hình thức bề nổi. Chúng tôi vẫn rất quan tâm đến các giờ dạy Giáo dục công dân. Trước mỗi giờ học, các thầy, cô giáo trong trường đều trao đổi với tôi, nhờ tôi gỡ vướng những vấn đề của từng học sinh.
Đuổi học thì rất dễ, giúp học trò thay đổi được nhận thức, những vấn đề tận sâu bên trong mới khó. Qua các giờ lên lớp, qua trao đổi với các em, tôi thấy học trò rất cô đơn. Các em luôn cần được chia sẻ cả với gia đình và thầy cô. Cả gia đình, nhà trường cần phối hợp nhuần nhuyễn hơn để các em được trang bị kỹ năng sống đầy đủ hơn, được dạy đạo đức nhiều hơn.
Hiện nay, ngay trong môi trường sư phạm cũng đang chú trọng dạy giáo viên tri thức nhiều hơn là dạy những kiến thức đào tạo về tâm lý, tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng cho học trò. Do đó, mỗi nhà trường phải chủ động nắm được tình hình, tâm sinh lý của học sinh mỗi năm, mỗi giai đoạn để có những phương pháp, biện pháp giúp học sinh.
Chẳng hạn, cần tạo ra những hoạt động ngoại khóa hấp dẫn, tươi mới, nhằm kéo học sinh tham gia các hoạt động này và tránh xa tệ nạn xã hội.
Bạn đọc Hoàng Hương (quận Đống Đa, Hà Nội) hỏi:
Nhiều người lại nhận định, văn hóa ứng xử của giới trẻ đang ở tình trạng đáng báo động. Vậy bạo lực học đường là vấn đề của văn hóa lối sống hay của giáo dục gia đình?
Tọa đàm trực tuyến “Vai trò của gia đình trong phòng chống bạo lực học đường” - Ảnh 13
Ông Phạm Ngọc Tuấn trả lời:

Về vấn đề này, tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của gia đình.

Ở góc độ giáo dục, tôi đánh giá những vụ bạo lực học đường chỉ là điểm nút cuối cùng của sự việc. Trước đó, các em đã có sự cô lập. Như ở Hưng Yên các học sinh đã có hẹn hò, tụ tập. Em học sinh kia đã bị chửi, đe dọa thậm chí bị đánh từ trước. Nếu sợi dây liên lạc giữa gia đình và nhà trường tốt, có biểu hiện bất thường thì cô giáo, bố mẹ nhận ra ngay.

Bạo lực học đường hiện nay âm thầm và kinh khủng hơn nhiều, dẫn đến các em tự tin, mặc cảm trong cuộc sống, trong học tập, không thể nói - tâm sự với ai cả.

Hiện nay ở Hà Nội, các trường đã áp dụng hình thức cho các em viết những điều muốn nói, tập hợp lại và gửi đến bố mẹ trong kỳ họp phụ huynh hàng năm, hàng quý.

Từ đó nhiều phụ huynh rất bất ngờ trước những điều chia sẻ các con mình. Có em tâm sự mình bị kỳ thị, ngay cả chiếc xe đạp của em để trong nhà xe cũng bị các bạn tránh xa. Thế mới biết mức độ bạo lực về tinh thần nó kinh khủng như thế nào. Do đó, việc phối hợp giữa nhà trường và gia đình phải liên tục, khăng khít, sát sao với các em.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội

Nói đến giáo dục là nói đến nhà trường trở thành thói quen của nhiều người. Ở các nhà trường chúng tôi cũng tự nhận thức vai trò của nhà mình trong giáo dục nhân cách cho trẻ. Nhưng ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng, nếu mỗi gia đình chỉ có 1-2 con thì cũng cần phải nhận thức được sứ mệnh của mình.
Không phải là chỉ nuôi con lớn mà còn phải dạy con cả về nhân cách sống, giúp con phát triển các kỹ năng sống. Các gia đình chỉ lo con có bằng nọ, bằng kia mà chưa đo xem con mình đã lớn về mặt tinh thần, về mặt nhân cách hay chưa. Có lẽ, vấn đề này lại đang bị xem nhẹ.
PGS.TS tâm lý Trần Thành Nam - Giảng viên trường ĐH Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại buổi tọa đàm.
Sứ mệnh giáo dục của nhiều nước phát triển là giáo dục là phát triển con người. Nhưng có thể nhà trường chưa thực sự hiểu hết vấn đề này và gia đình lại càng chưa hiểu hết. Bây giờ, mỗi gia đình chỉ có 1-2 con, hoàn toàn có thể kiểm soát được. Qua cuộc tọa đàm này, tôi mong muốn phải thay đổi nhận thức của gia đình trong việc cùng phối hợp với nhà trường để dạy trẻ. Dạy trẻ không chỉ là lời nói “con phải thế này, phải thế kia” mà phải đồng hành cùng trẻ, là tấm gương cho trẻ.

PGS.TS tâm lý Trần Thành Nam - Giảng viên trường ĐH Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội

Xét về mặt thời gian thì bố mẹ là người gắn trọn đời với con. Như vậy, cha mẹ là người dành thời gian cho con nhiều nhất chứ không phải ai khác. Cha mẹ là nhà đầu tư tự nguyện và không hoàn lại cho con, 70% tài chính của bố mẹ cũng dành cho đầu tư giáo dục cho con. Ngược lại, con cái lại là bảo hiểm của bố mẹ khi về già.

Bố mẹ phải nhận thức rằng,  những hành vi của bố mẹ với con cái ngày trẻ lại là cách ứng xử của con với bố mẹ khi về già. Thứ hai, thực tế hiện nay, các cuộc bạo lực lại bắt nguồn từ trên mạng xã hội. Nhiều gia đình bố mẹ chỉ quản lý con về chỗ ngồi từ lớp học về nhà nhưng lại không nắm được con đang bị bạo lực tinh thần qua mạng xã hội do các con va chạm với nhau ở trên mạng và giải quyết vấn đề với nhau ở bên ngoài.

Điều này nhà trường khó có thể kiểm soát được. Trên tình thần là sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường nhưng thực chất vẫn cần nhìn nhận rõ ràng hơn vai trò của gia đình.

Tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm nước ngoài ứng xử với bạo lực học đường có liên quan đến gia đình. Ví dụ như con có hành vi bạo lực học đường với các bạn khác thì đầu tiên con phải lập kế hoạch hành vi và xử lý kỷ luật tại trường, lần thứ 2 là mời bố mẹ bắt buộc cùng với con tham dự khóa học làm cha mẹ tích cực
Người ta hình dung rằng, khi trẻ có hành vi bạo lực là bắt nguồn từ cách ứng xử của gia đình. Bố mẹ chưa làm gương tốt cho con. Bố mẹ đi học để xác định thế nào là hành vi bạo lực và cách ứng xử với các hành vi bạo lực giữa các thành viên trong gia đình như thế nào. Cũng có những trường hợp bố mẹ để con bị bạo hành mà không biết, không báo cáo thì bố mẹ phải ra tòa.
Vì bố mẹ đã bỏ mặc con, thiếu trách nhiệm. Như vậy, người ta nhìn thấy rằng các vụ việc bạo lực xảy ra không thể không nói đến trách nhiệm của gia đình. 
Bạn đọc Phạm Thị Mai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hỏi:
Các thầy cô sẽ trở thành cầu nối với học sinh như thế nào?
Tọa đàm trực tuyến “Vai trò của gia đình trong phòng chống bạo lực học đường” - Ảnh 15
Cô Hoàng Bảo Ngọc trả lời:
Thường những vấn đề tâm lý của học sinh không do gia đình phát hiện báo cho nhà trường, mà do các giáo viên chủ nhiệm đề xuất đến phòng tâm lý và Ban giám hiệu.
Sau đó, các thầy, cô quan sát biểu hiện của học sinh, tâm sự với các con. Có nhiều trường hợp các em bị áp lực, kỳ vọng rất lớn của gia đình về thành tích học tập dẫn đến các em bị stress, bị áp lực. Hoặc các em gặp những vấn đề khó khăn trong cuộc sống nhưng không được chia sẻ với ai, có thể bố mẹ quá mải mê công việc, hoặc cách tiếp cận, tâm sự của các bậc phụ huynh chưa phù hợp.
Hiện các phòng tâm lý của nhà trường có các bộ câu hỏi, có các thầy cô tư vấn tâm lý cho các con, nhưng để giải quyết được tận gốc vấn đề của các con phải từ phía gia đình, phụ huynh các em.
Bạn đọc Dương Kiều My (duongmyhn@gmail.com) hỏi:
Hiện nay, việc xây dựng mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường như thế nào, thưa cô?
Tọa đàm trực tuyến “Vai trò của gia đình trong phòng chống bạo lực học đường” - Ảnh 16
Cô Nguyễn Thị Nhiếp trả lời:
Với hơn 20 năm trong nghề và có nhiều năm làm công tác quản lý, tôi nhận thấy, mỗi lứa học trò, mỗi thế hệ học sinh lại có những diễn biến tâm lý rất khác nhau. Mỗi thế hệ trôi qua, tôi lại thấy những khác biệt quá lớn và tôi với tâm thế một nhà giáo lại lặng lẽ thở dài vào không trung. Tôi cùng các thầy cô giáo trong trường đã nhìn thấy và tìm rất nhiều biện pháp để khắc phục, nhưng tôi tin là không một nhà trường nào dám khẳng định trường mình không có bạo lực học đường.
Việc giáo dục và tác động vào tâm sinh lý, hành vi của học sinh được tạo nên bởi chiếc kiềng 3 chân: Gia đình, xã hội và nhà trường. Trong đó, vai trò của gia đình rất quan trọng vì tác động trực tiếp, từ khi trẻ mới sinh ra tới khi trưởng thành.
Chính vì thế, khi đón một lứa học sinh mới, ngay những này đầu năm học lớp 10, trường THPT Yên Hòa đều tổ chức buổi nhập trường. Trong buổi này, chúng tôi mời cả phụ huynh tới dự cùng con. Qua tương tác, trao đổi với các phụ huynh, tôi sẽ nắm bắt được tâm lý của học sinh năm nay sẽ như thế nào, vì bố mẹ là tấm gương phản chiếu rõ nét nhất của con.
Trong đó, tôi rất buồn vì các phụ huynh giờ đây tạo quá nhiều áp lực cho các con. Có những phụ huynh không hẳn là người có học thức cao nhưng từ đầu năm đã bày tỏ mong muốn và bắt con phải có thành tích học tập tốt, phải đạt học sinh giỏi; rồi con nhà mình phải hơn con nhà người khác. Đau lòng nhất là bố mẹ bắt con phải in lặng khi có vấn đề gì không như mong muốn.
Hiện nay, là Hiệu trưởng nên tôi không dạy chuyên môn nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn nghiên cứu tài liệu và mỗi tuần lên lớp 2 tiết dạy kỹ năng sống, giá trị sống cho các con vì qua thông tin ngày nhập trường tôi biết các con cần gì, thế hệ học trò này cần gì.
Trong tiết học, tôi khuyến khích các con chia sẻ những khó khăn của con với gia đình, sau đó tập hợp lại để phản hồi với phụ huynh, qua đó làm cầu nối giúp con gắn kết với bố mẹ hơn, với gia đình nhiều hơn. Nhờ đó, bố mẹ cũng biết con đang phải chịu những áp lực, tổn thương như thế nào để điều chỉnh hành vi, ứng xử với con cái.
Hiện nay, chúng ta dạy rất nhiều, thi rất nhiều nhưng có một môn rất quan trọng là môn Giáo dục công dân, môn dạy đạo đức làm người lại chưa bao giờ thi. Chúng ta đã quá thiên về dạy tri thức nên môn dạy đạo đức cứ lặng lẽ, âm thầm suốt quá trình dạy và học. Cả nhà trường và bố mẹ cần quan tâm hơn vấn đề này.
Ông Ngô Văn Nam - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội phát biểu tại buổi tọa đàm.
Bởi hiện nay, trường THPT Yên Hòa cũng đã tổ chức rất nhiều CLB dạy kỹ năng sống nhưng các con lại phản hồi rằng bố mẹ không cho đi học, hay làm thế nào để được bố mẹ cho đi học? Thực tế cho thấy bố mẹ muốn học sinh đi học thêm các môn kiến thức hơn là tạo điều kiện cho con học kỹ năng sống. Chính vì thế, các con càng ngày càng chịu nhiều áp lực.

Ông Ngô Văn Nam - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội

Tôi hoàn toàn đồng tình và nhất trí cao với phân tích của các chuyên gia về mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, xã hội có các tổ chức đoàn thể giáo dục các em. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, mạng xã hội cũng có tác động rất mạnh đến các em, là nguyên nhân quan trọng hình thành lối sống. Các em bây giờ được sử dụng smartphone quá sớm, dễ dàng tiếp cận mạng, clip đánh nhau. Thậm chí, mục đích của hành vi bạo lực là để quay lại đưa lên Facebook, mạng xã hội để nhục mạ.

Về góc độ gia đình, sự nêu gương của bố mẹ rất quan trọng. Nhưng hiện nay, những xung đột của bố mẹ không được che đi trước mặt trẻ thơ, để cho các em chứng kiến; chính hành vi đó các em học nhanh nhất.

Đối với nhà trường, rất chia sẻ với thầy cô khi chịu áp lực lớn khi dạy các em. Nhà trường có nhiều hoạt động dã ngoại, là môi trường giáo dục rất tốt. Tuy nhiên, qua các hoạt động hội nhóm, chúng ta cần định hướng cho từng nhóm đó thì mới ra vấn đề. Nếu chúng ta đánh giá, đưa về trách nhiệm của gia đình thì biện pháp nào để gia đình giáo dục tốt hơn với con cái, hồi chuông cảnh tỉnh đã nhiều. Theo tôi, trọng tâm là vấn đề trong nhà trường vì nhiều gia đình bố mẹ nói con cái không nghe, bố mẹ mải làm ăn kinh tế hay giáo dục của bố  mẹ không khớp với nhà trường.

Bên cạnh đó, hiện nay các nhà trường chưa đề cao môn giáo dục công dân. Tôi có nghiên cứu về việc giảng dạy môn này ở các nhà trường. Thông thường, giáo viên không sắc xảo thì sắp xếp dạy môn giáo dục công dân, chưa đưa giáo dục quyền con người vào môn học này.

Tiếp theo là việc xử lý tình huống của các thầy cô khi bạo lực xảy ra. Khi bạo lực xảy ra, thầy cô đôi lúc xử lý chưa bài bản dẫn đến mâu thuẫn đôi khi còn lớn hơn. Bên cạnh đó, thầy cô phải nêu gương. Nhiều vụ việc giáo viên làm ngơ, để học sinh nọ “tát” học sinh kia, việc đó là không thể chấp nhận được.

Trong nhà trường cần tạo mối quan hệ thực sự thân thiết giữa cô giáo chủ nhiệm với học sinh và giữa cô giáo chủ nhiệm và phụ huynh. Có vấn đề gì, thầy cô có thể gọi điện cho phụ huynh, thậm chí có thể có mức kinh phí nào đó hỗ trợ thầy cô để gọi điện, nhắn tin.

Đôi khi do gia đình làm hư các em vì quá chiều chuộng, cho con mình bất khả xâm phạm nên thầy cô cũng e ngại trong việc dùng các hình phạt với các em.

Bạn đọc Nguyễn Minh Lâm (minhlamhn@gmail.com) hỏi:
Hầu hết sau khi xảy ra các vụ việc bạo lực học đường, dư luận thường chỉ lên án cách giáo dục của phía nhà trường mà quên rằng trẻ được giáo dục từ cả phía gia đình và nhà trường. Vậy khi xảy ra vụ việc nhà trường cần có cơ chế thông tin đến gia đình như thế nào để có sự phối hợp giải quyết?
Tọa đàm trực tuyến “Vai trò của gia đình trong phòng chống bạo lực học đường” - Ảnh 18
Ông Phạm Ngọc Tuấn trả lời:

Với góc độ quản lý nhà nước, bạo lực học đường là vấn đề nan giải từ xưa đến nay của ngành giáo dục. Các sự việc đang gây xôn xao hiện nay tại Hưng Yên, Sóc Trăng, Nghệ An... được dư luận, nhất là mạng xã hội phát tán rất nhanh, trong đó có rất nhiều các thông tin chưa được kiểm chứng.

Do đó, khi xảy ra sự việc dù ở bất cứ kênh thông tin nào phản ánh đến (qua giáo viên, học sinh, phụ huynh, báo chí, dư luận...), Ban giám hiệu nhà trường phải nắm bắt ngay nội dung, tìm hiểu chi tiết mức độ ảnh hưởng và đánh giá những tác động. Sau đó phải giải quyết ngay với các đối tượng yếu thế chịu tác động trực tiếp, tránh sang chấn tâm lý cho học sinh; đồng thời báo cáo cơ quan quản lý cấp trên cũng như chính quyền địa phương, thông báo với gia đình để cùng giải quyết sự việc.

Có thể nói, trong các vụ việc bạo lực học đường, vai trò của gia đình là rất quan trọng. Bởi, hiện nay không nhà trường nào lại dạy học sinh dùng bạo lực giải quyết các vấn đề. Tuy nhiên khi sự việc xảy ra cần nhìn nhận khách quan, toàn diện các yếu tố tác động. Theo tôi đánh giá, các nhà trường đã làm tốt, rất tích cực.

Hiện nay ngành giáo dục Hà Nội đang triển khai tốt mô hình Phòng Tư vấn tâm lý trong các trường học, đây được coi là "khớp nối" giữa gia đình và nhà trường. Trên thực tế, nhiều nhà trường đang làm rất tốt. Nhiều giáo viên chủ nhiệm đã phụ trách đến 40 - 50 học sinh, do đó bảo các cô quan tâm đến từng cá nhân mỗi học sinh thì rất khó, bởi khối lượng công việc rất lớn. Nhưng chúng ta có Phòng Tư vấn tâm lý, nơi học sinh tự tìm đến để giãi bày, để tìm kiếm sự đồng cảm, chia sẻ về các vấn đề trong cuộc sống cũng như học tập.

Tuy nhiên có 1 bất cập, theo thông tư 31 của Bộ thì những người làm công tác tư vấn tâm lý trong trường học đang là kiêm nhiệm. Dù được nhà nước đầu tư khá bài bản nhưng theo đề xuất của tôi phải hướng tới mô hình chuyên nghiệp, những người làm công tác này phải được đào tạo cơ bản, phải có vị trí việc làm.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa

Một ngày có 24 tiếng, học sinh chỉ có 8 tiếng ở trường, tức là 1/3 thời gian, 2/3 thời gian còn lại là ở nhà. Tuy nhiên, tôi luôn chia sẻ với các đồng nghiệp của mình là chúng ta không bao giờ được chối bỏ trách nhiệm. Học sinh chỉ học 1 phút, 1 giờ ở trường chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm, mà trách nhiệm đầu tiên là Hiệu trưởng.

Như tôi đã nói, giáo dục học trò phải là chiếc kiềng 3 chân. Trong đó, gia đình có vai trò là then chốt, vì gia đình là gốc dễ của mọi vấn đề, nắm bắt được mọi vấn đề. Nhà trường có vai trò quyết định; và xã hội có vai trò quan trọng. 3 chân kiềng đó phải có sự gắn kết chặt chẽ với nhau để tạo nên chiếc kiềng vững chắc cho các học sinh. 

Bạn đọc Phạm Hương (phhuonghp@gmail.com) hỏi:
Thời gian vừa qua, trên địa bàn cả nước xảy ra rất nhiều vụ việc bạo lực học đường, như ở Hưng Yên, Nghệ An, Sóc Trăng... Theo các chuyên gia, đâu là nguyên nhân dẫn đến các vụ việc ngày càng gia tăng?
Tọa đàm trực tuyến “Vai trò của gia đình trong phòng chống bạo lực học đường” - Ảnh 19
TS Nguyễn Tùng Lâm trả lời:
Hiện nay, những hiện tượng bạo lực học đường trước hết người ta thường nhìn nhận đến vai trò của giáo viên nhà trường, nhưng đúng là gia đình có vai trò quan trọng. Theo tôi có 3 nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực học đường.
Thứ nhất là sự phát triển tâm sinh lý của học sinh. Học sinh là lứa tuổi có những biến động khác nhau, đây là một quy luật bình thường. Chúng ta phải nhìn ra rằng, chính ông cha ta ngày xưa cũng đánh nhau, trẻ em trên thế giới cũng đánh nhau. Nhưng hiện nay, học sinh đang bị ảnh hưởng nhiều từ mạng xã hội, từ hành vi của người lớn nên hành vi quá mức cần thiết. Một phần do các em đã không được giáo dục đến nơi đến chốn, không được giáo dục đầy đủ từ phía gia đình và nhà trường. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, hiện nay ý thức của một bộ phận học sinh, sinh viên chưa tốt.
Thứ hai, vấn đề quản lý giáo dục của nhà trường và gia đình chưa thực sự hiệu quả. Có thể  nhận thấy những trường quản lý tốt không xảy ra các vấn đề này. Quan điểm của tôi là phải xem xét lại cách giáo dục của nhà trường và gia đình ngày nay, đặc biệt là vai trò gia đình. Hiện nhà nước mới nhìn nhận ra bao nhiêu tỷ lệ đói, mấy phần trăm nghèo, nhưng tôi đánh giá hiện nay có tới 70% gia đình đang đói về giáo dục. Nhiều gia đình bố mẹ mải làm kinh tế, không lo cho con cái. Hiện nay, gia đình truyền thống, gia đình nhiều thế hệ, các thế hệ cùng giáo dục con cái không còn nhiều. Các gia đình đều trăm sự nhờ thầy cô, trăm sự nhờ nhà trường, song đây là điều không nên. Chính gia đình cũng cần phải vào cuộc để giáo dục, răn dạy con cái nhưng không phải cứ là đánh mắng là tốt.
 Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Về phía nhà trường có 2 lực lượng phải chịu trách nhiệm làm tốt công tác giáo dục học sinh. Thứ nhất là những nhà quản lý giáo dục tức là hiệu trưởng, hiệu phó. Nhà quản lý cần có cách giáo dục hợp lý, xây dựng cách tiếp nhận của học sinh như thế nào cho tốt, cho hiệu quả. Bên cạnh đó là vai trò của giáo viên chủ nhiệm (GVCN), những người hàng ngày tiếp xúc, gần gũi với học sinh. Tuy nhiên, hiện vai trò của GVCN chưa được đánh giá cao, nhiều trường chưa chú trọng vai trò của GVCN. Cùng với đó, công tác bồi dưỡng cho GVCN còn chưa cao, việc dạy học trò không phải chỉ là quát mắng, mà phải tâm sự, GVCN phải có kỹ năng đàm phán, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng về giáo dục tâm lý.
Cuối cùng là công tác xử lý. Chúng tôi đồng ý rằng, không nên đuổi học học sinh tham gia vào bạo lực học đường, đình chỉ một số ngày hoặc một tuần lễ là đúng. Nhưng như thế các em lại không chịu trách nhiệm gì về hành vi của mình, khó có thể thay đổi hành vi. Trong nhà trường, những học sinh tham gia bạo lực học đường nên có khung phạt hành chính, cái này bố mẹ phải chịu trách nhiệm. Hoặc phạt lao động, nhưng không phải là 1-2 ngày mà là phạt nhiều ngày để cho ngấm. Đây không phải là chuyện để đùa. Ngành giáo dục, công an cần nghiên cứu để tìm ra hình thức xử lý hợp lý, có tình chất răn re, nhưng tuyệt đối không được đuổi học học sinh.
PGS TS Trần Thành Nam - Giảng viên trường ĐH Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội
Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường (BLHĐ) có trách nhiệm của nhiều bên như gia đình, nhà trường và cộng đồng, tổ chức xã hội và địa phương. Tôi muốn nhấn mạnh hơn đến vấn đề trách nhiệm của gia đình. Gia đình có liên quan đến nguyên nhân làm khởi phát BLHĐ; gia đình cũng liên quan đến việc giúp cho cộng đồng nhận diện sớm được hành vi BLHĐ, cùng tham gia vào những chương trình phòng ngừa BLHĐ và có cách thức hỗ trợ cho các em sau khi trải qua BLHĐ (nạn nhân, thủ phạm) đều cần thiết có sự tham gia của gia đình.
Các nghiên cứu chỉ ra, nguyên nhân dẫn đến BLHĐ thường liên quan đến việc cha mẹ cũng sử dụng bạo lực; cha mẹ liên quan đến nghiện chất, không kiểm soát dược hành vi. Thường ở trong gia đình các em có bạo lực với bạn khác, cha mẹ không tạo được mối tình cảm với con cái vì vậy làm cho các con cảm thấy bất an. Bên cạnh đó, vì bố mẹ không phải tấm gương tốt, làm mẫu hành vi cho con nên đứa trẻ tập nhiễm hành vi bạo lực của bố mẹ, nhìn nhận hành vi đó bình thường.
Nghiên cứu chỉ ra, chức năng của gia đình kém, bố mẹ không thường xuyên sử dụng kỷ luật nhất quán, không kiểm soát được con cái, ví dụ như cha mẹ bỏ mặc hoặc kỷ luật quá khắc nghiệt dẫn đến hành vi bạo lực của con cái. Có nhiều gia đình hiện nay, bản thân học chấp nhận và củng cố văn hóa bạo lực. Ví dụ, con trai đến trường bị bắt nạt, về nhà nói với bố mẹ, thì thường lại nói tại sao con không đánh lại, không xử lý luôn lại về mách bố mẹ, thông điệp ấy vô hình chung làm củng cố hành vi bạo lực.
Bản thân bố mẹ, chúng ta cũng phải nhìn thấy trách nhiệm mình phải quản lý kênh truyền thông tác động đến con cái. Ví dụ, phim ảnh con cái xem, con ngồi bên cạnh, phim ghi rõ dành cho 16 tuổi trở lên, có nội dung bạo lực hoặc nội dung không phù hợp không kiểm soát được; đó là chưa kể đến tác động của mạng xã hội; video trên Youtube.
Bên cạnh đó, với áp lực học tập 20% các con bị tổn thương sức khỏe tinh thần lo âu, trầm cảm dẫn đến hành vi ứng xử thiếu kiểm soát. Tuy nhiên, bố mẹ không có kiến thức để nhận ra. Do vậy phải nhận thấy sự kết nối, phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc chăm sóc, giảng dạy con cái. Chúng ta không thể đổ hết lỗi cho nhà trường, cha mẹ cũng cần phải thấy trách nhiệm của mình trong việc kết nối với nhà trường để tạo sự nhất quán trong định hướng, thống nhất phương pháp giáo dục.

Trên thế giới để giảm BLHĐ có phần can thiệp trong gia đình, chương trình có thể vận hành ở nhà trường nhưng giáo viên sẽ là người chuyển tải thông điệp, thậm chí còn hướng dẫn cả thành viên trong gia đình thực hành kỷ luật tích cực hoặc kỷ luật không nước mắt với con cái ở nhà để tạo môi trường gia đình an toàn, ít tính bạo lực hơn.

Cô Vũ Thị Tuyết Nga - Giáo viên Trường THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm

Với vai trò là một giáo viên chủ nhiệm, tôi thấy rằng vai trò của gia đình trong xây dựng nhân cách cho trẻ rất quan trọng. Thứ nhất, học sinh là lứa tuổi đang thay đổi tâm sinh lý rất mạnh mẽ và chịu tác động rất nhiều từ những tác động khách quan bên ngoài. Nhưng hiện nay, tôi lại rất đáng buồn vì nhiều phụ huynh chưa theo kịp và chưa nắm bắt được, chưa có những hành động ứng xử phù hợp với những thay đổi tâm sinh lý của học sinh.

Từ đó, đôi khi dẫn đến việc gia đình, học sinh và phụ huynh không hiểu nhau, đặc biệt là phụ huynh không hiểu được con cái. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp con muốn cái này, bố mẹ lại muốn cái kia nhưng bố mẹ lại không chia sẻ. Vô tình tạo cho các em khoảng cách với cha mẹ, tạo cho các em sự cô đơn trong chính gia đình của mình. Mà sự cô đơn này là một trong những nguyên nhân khiến các em tự tìm cách giải thoát chính mình. Và một trong những cách để giải thoát là khẳng định vai trò của bản thân mình ở bên ngoài và khẳng định trước tiên là với bạn bè xung quanh mình.

Thứ hai, theo quan sát của tôi trong những năm gần đây khi làm chủ nhiệm là nhiều phụ huynh các em đều rất trẻ. Điều này có lợi là bố mẹ sẽ dễ dàng đồng hành với các con. Nhưng trong chính trong các bố mẹ hình như đang có cuộc đua ngầm với nhau, bắt các con phải giỏi cái nọ cái kia nhưng lại thiếu chú trọng đến đào tạo kỹ năng sống, phó mặc cho nhà trường. Trong khi giáo dục kỹ năng sống cần nền tảng từ gia đình thì hiện lại bị bỏ ngỏ. Nhiều gia đình chỉ biết đáp ứng đầy đủ cơ sở vật chất cho các con mà không chia sẻ tình cảm với các con.

Đặc biệt, nhiều gia đình chưa có trách nhiệm trong giải quyết hệ quả khi sự việc xảy ra. Cần có sự gắn kết giữa giáo viên và gia đình để giúp các con được giáo dục một cách tốt nhất. Phải để cho các con được nói, xóa bỏ quan điểm bố mẹ và thầy cô luôn luôn đúng. Phải để cho các con nhận biết được cái gì đúng cái gì sai, phải giúp các con tự nói được những điều mình nghĩ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần