TP Hồ Chí Minh chưa đủ sức làm du lịch MICE

Văn Thân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các doanh nghiệp du lịch, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa đủ sức làm du lịch MICE. Dù thu hút một lượng cầu rất lớn nhưng địa phương này chưa thể chuyển hóa thành lợi ích kinh tế vì thiếu nguồn lực về hạ tầng, công nghệ…

Chiều 13/4, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức “Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp du lịch năm 2017”. Hội nghị xoay quanh các nội dung về thuận lợi, khó khăn, tồn tại trong các hoạt động kinh doanh và khai thác du lịch. Qua đó, các doanh nghiệp đề xuất và kiến nghị với lãnh đạo TP, để xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho ngành du lịch, trong đó chú trọng đến phát triển sản phẩm du lịch MICE.

Sản phẩm du lịch MICE (viết tắt của 4 từ tiếng Anh Meeting-gặp gỡ, Icentive-khen thưởng, Covention-hội thảo, Exhibition-triển lãm) là tổng hợp của nhiều dịch vụ gồm vận chuyển, lưu trú, tổ chức hội nghị, hội thảo, chương trình tham quan. Do đó, điểm đến của du lịch MICE phải hội đủ các điều kiện về cư trú, ẩm thực, khu vui chơi mua sắm, đặc biệt là cơ sở vật chất phục vụ hội nghị. Theo ghi nhận thì đây là loại hình du lịch mới đối với Việt Nam nhưng bước đầu các tỉnh, TP như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng… đang đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch này.
Quang cảnh hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và doanh nghiệp du lịch năm 2017.

Thống kê của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, tính đến quý 1/2017, đơn vị này đã quản lý 1.161 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh lữ hành, trong đó có 573 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 527 doanh nghiệp lữ hành nội địa, 52 đại lý lữ hành, 9 văn phòng đại diện doanh nghiệp lữ hành nước ngoài tại TP Hồ Chí Minh. Nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp đều đảm bảo quy định chung của pháp luật, góp phần tăng trưởng kinh tế cho địa phương.

Nhìn chung, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch TP ngày càng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, tạo được uy tín cả ở trong nước và quốc tế. Nhưng vẫn còn những bất cập, khó khăn mà các doanh nghiệp du lịch đang phải đối mặt. Đó là: hoạt động cạnh tranh “bẩn” của các doanh nghiệp nhỏ, thông qua việc SEO từ khóa trên Google. Điều này đã làm đang làm méo mó, sai lệch thông tin về chất lượng, dịch vụ chăm sóc du khách. Việc lừa bán tour qua mạng cũng đã gây khó khăn trong việc lựa chọn của du khách.

Việc thiếu bãi đỗ xe, giữ xe cũng khiến cho các công ty gặp khó khăn trong việc đón trả du khách. Bên cạnh đó là việc thiếu cơ sở mua sắm đạt chuẩn, thiếu các điểm tham quan, thiếu cơ sở ăn uống đạt chuẩn và việc quản lý cơ sở lưu trú du lịch chưa đạt chuẩn…

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết: TP Hồ Chí Minh luôn đặt lợi ích của ngành du lịch nằm trong lợi ích chung của địa phương. Cho nên, việc phát triển du lịch là rất quan trọng. Trong hội nghị này, các doanh nghiệp cần làm thế nào để xác định cụ thể thế mạnh và điểm yếu của sản phẩm du lịch.Từ đó, thành phố sẽ hành động cụ thể, để đồng hành với các doanh nghiệp.

Ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty TNHH Du ngoạn Việt đưa ra kiến nghị: “Mong TP phản hồi những kiến nghị trước đây của doanh nghiệp. Cái nào TP làm được thì làm nhanh nhất có thể. Cái nào không làm được thì cũng thông báo để doanh nghiệp được biết”.

Đại diện Công ty Bến Thành Tourist - Nguyễn Ngọc Châu nhấn mạnh: “Hạ tầng giao thông, bến bãi đậu dừng xe là rất quan trọng với doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú du lịch rất thiếu bến bãi đón trả khách. Nay, TP Hồ Chí Minh tăng cường xử phạt vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã làm các doanh nghiệp càng thêm khó khăn hơn. Nhưng đó là chủ trương chung, biết làm sao được”. Ông Châu kiến nghị: “Lãnh đạo TP cần xem xét, cho gắn biển báo ưu tiên dừng, đỗ xe tại một số tuyến điểm tham quan du lịch trọng điểm, nhằm hỗ trợ hoạt động vận chuyển du khách thuận lợi hơn, tránh ảnh hưởng xấu đến tâm lý của du khách và các đơn vị kinh doanh du lịch”.

Toàn thành phố chỉ có 20 khách sạn 5 sao và 19 khách sạn 4 sao. Số lượng này không thể đáp ứng nhu cầu du lịch MICE. Cho nên, thành phố cần có cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng, hoặc mở rộng, nâng cấp các khách sạn 3 đến 5 sao với quy mô lớn, cung cấp nhiều dịch vụ chất lượng, đặc biệt là các dịch vụ phục vụ phát triển phân khúc thị trường du lịch MICE.

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng nêu ra một số khó khăn mà các doanh nghiệp du lịch đang gặp phải. Đó là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu các sản phẩm du lịch, lễ hội văn hóa, ẩm thực. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có những khó khăn khác như: Giá điện cao, nhiều giấy phép con, hoạt động quản lý, kiểm tra chưa hợp lý, hiện tượng nhái thương hiệu tràn lan, vấn đề ô nhiễm môi trường, tình trạng cướp giật xảy ra với du khách…

Phát biểu kết thúc hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp du lịch. Từ đó sẽ tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa chính quyền và doanh nghiệp. TP xác định du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới. Cho nên, TP sẽ xây dựng chiến lược phát triển du lịch có tầm nhìn, không thua các nước trong khu vực. Để làm được điều này, TP sẽ thuê tư vấn nước ngoài, điều tra, khảo sát lấy ý kiến, tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, thống kê về các tiềm năng du lịch, thay đổi phương thức xúc tiến du lịch, tổ chức hội chợ du lịch quốc tế, đầu tư công nghệ vào du lịch cho kịp xu hướng mới…

Cuối cùng, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định TP Hồ Chí Minh sẽ từng bước tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch.