TP Hồ Chí Minh: Những ngành nghề nào phải tiếp tục dừng hoạt động sau ngày 1/10?

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong dự thảo Chỉ thị mới, TP Hồ Chí Minh cho phép mở cửa nhiều hoạt động với yêu cầu cụ thể về vaccine và xét nghiệm. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số hoạt động tiếp tục dừng vì có khả năng lây nhiễm cao.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình vừa ký văn bản khẩn gửi các quận huyện trên địa bàn TP, đề nghị góp ý dự thảo chỉ thị về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội.
Theo dự thảo, từ 0 giờ ngày 1/10, TP Hồ Chí Minh từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tương ứng với cấp độ được đánh giá theo hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch" của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống Covid-19.
 Sáng nay 27/9, rào chắn trong nhiều hẻm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã được gỡ bỏ khi TP tiến dần tới mốc bình thường mới 1/10 (Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh).
Cụ thể, TP Hồ Chí Mih dự kiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh được tổ chức ngoài trời, trong nhà (hội họp, tập huấn, hội thảo...) tập trung tối đa 10 người; 50 người nếu 100% người tham gia tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc khỏi Covid-19.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sử dụng toàn bộ lao động trực tiếp có Thẻ xanh Covid-19 được tham gia các hoạt động với điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch của ngành y tế và các bộ tiêu chí đánh giá an toàn trên các lĩnh vực.
Trong đó, đáng chú ý, các hoạt động tiếp tục tạm dừng gồm:
Hoạt động kinh doanh có khả năng lây nhiễm cao như: quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử.
Các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, mít tinh, lễ phát động (trừ các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động).
Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo.
Hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác (trừ các trường hợp được cho phép hoạt động).
Đặc biệt, thông qua dự thảo, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị người dân tuân thủ thực hiện 6 biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Thứ nhất, thực hiện nghiêm 5K (Khẩu trang - Khoảng cách - Khai báo y tế - Khử khuẩn - Không tụ tập đông người) và khai báo di chuyển hàng ngày.
Thứ hai, quét mã QR tại các địa điểm tập trung đông người (quán ăn, nhà hàng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, phương tiện công cộng, nhà máy, bệnh viện,...).
Thứ ba, khi người dân có những dấu hiệu (ho sốt, khó thở, mất vị giác) hoặc cần cấp cứu y tế, liên hệ ngay với số điện thoại đường dây nóng của Tổ phản ứng nhanh Covid-19 tại địa phương hoặc tổng đài cấp cứu 115.
Thứ tư, tự thực hiện lấy mẫu xét nghiệm bằng test kháng nguyên nhanh (theo hướng dẫn của ngành y tế) khi có yêu cầu của cơ quan y tế hoặc khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở.
Thứ năm ,trường hợp cần được hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, thực phẩm, liên hệ ngay các Tổ an sinh xã hội của địa phương, Tổng đài 1022 hoặc đăng ký trên ứng dụng An sinh của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh.
Thứ sáu, người dân, chủ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ động đảm bảo các phương án và chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
TP Hồ Chí Minh còn 150.000 ca mắc Covid-19 chờ Bộ Y tế xác nhận
Ngày 26/9, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh có văn bản khẩn đề nghị Bộ Y tế về việc công nhận và cấp mã số cho người bệnh có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính với Covid-19.
Theo đó, Sở Y tế cho biết, từ ngày 20/8 đến nay, TP ghi nhận khoảng 150.000 trường hợp có kết quả test nhanh dương tính với Covid-19. Tuy nhiên, số ca bệnh này, theo ngành y tế TP, chưa được cấp mã số để quản lý do hướng dẫn của Bộ Y tế "chỉ cấp mã số cho trường hợp có kết quả xét nghiệm khẳng định RT-PCR dương tính".
Để có cơ sở báo cáo chính thức số ca test nhanh dương tính, Sở Y tế TP đề nghị Bộ Y tế chấp thuận cho TP công bố người có kết quả test nhanh dương tính được khẳng định là bệnh nhân Covid-19. Đồng thời, cấp mã số cho người có kết quả test nhanh dương tính để TP quản lý bằng mã số quốc gia.