TP Hồ Chí Minh: Tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo theo Chỉ thị 15

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 19/6, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo trực tuyến về diễn biến tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn. Theo đó, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, tuy nhiên một số khu vực trọng điểm sẽ áp dụng thêm các biện pháp khác như phong tỏa.

Phong tỏa nhiều khu vực
Trả lời các vấn đề báo chí quan tâm như TP Hồ Chí Minh có nâng mức áp dụng giãn cách xã hội trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn đang diễn biến phức tạp. Qua một thời gian áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 trên địa bàn, ổ dịch liên quan điểm nhóm Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng đã cơ bản kiểm soát, tổng số ca nhiễm là 520.
Tuy nhiên, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh phát sinh một số chuỗi lây nhiễm mới trên địa bàn quận Bình Tân và huyện Hóc Môn, tình hình đòi hỏi áp dụng biện pháp nghiêm ngặt hơn. Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 đánh giá, việc thực hiện chỉ đạo giãn cách xã hội chưa thực sự được nghiêm, cần có biện pháp mạnh mẽ hơn, siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhằm thực hiện các chỉ đạo TP ban hành. Tăng cường tốc độ xử lý các ổ dịch phát sinh, bắt kịp, vượt qua, chặn đứng lây lan.
TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường bổ sung quy định giãn cách, thực hiện một số biện pháp mạnh tại một số vị trí trọng điểm như phong tỏa khu phố 2, 3, 4, phường An Lạc quận Bình Tân; Thiết lập phong tỏa ấp Tân Thới 2, 3 và một phần ấp Tân Hiệp, huyện Hóc Môn. Trong khu vực phong tỏa, người dân ở đâu ở đó, không đi ra đi vào, chỉ ra đường trong trường hợp cấp thiết.
 Cơ quan chức năng phong toả một khu vực tại quận Bình Tân 
Về vấn đề xử lý các đơn vị, cá nhân lơ là trong công tác chống dịch, ông Dương Anh Đức cho rằng, trong thời gian chống dịch, sốc lại tinh thần làm việc, cần sự hợp tác của người dân, thực hiện nghiêm các quy định của TP phòng, chống dịch để vượt qua thời gian khó khăn này. Một tuần sắp tới là thời gian quan trọng để có thể chặn đứng được dịch, đơn vị nào không thực hiện nghiêm túc sẽ bị xử lý nghiêm. Đánh giá của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, về mặt tổng thể chưa thực hiện nghiêm các chỉ đạo của TP. TP giao cho thủ trưởng các đơn vị, phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Liên quan đến cuộc sống người dân, ông Dương Anh Đức cho biết: "Rất vui mừng vì người dân có sự chia sẻ hợp tác với chính quyền, TP Hồ Chí Minh sẽ vượt qua khó khăn, không có gì quá hoang mang."
Về việc một số khu vực ở quận Bình Tân số ca F0 cao hơn quận Gò Vấp trước đây, sao không áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, ông Dương Anh Đức cho rằng, phải hiểu rõ áp dụng biện pháp phong tỏa, nội bất xuất, ngoại bất nhập, áp dụng cho một địa phương lớn là rất khó khăn cho người dân và chính quyền địa phương. Phương châm chống dịch, mỗi lần rút kinh nghiệm, lần sau tốt hơn lần trước, khoanh rộng, phong tỏa hẹp nhất có thể, giảm tối đa ảnh hưởng đời sống người dân. Phân tích thực tế, tình hình dịch bệnh từng địa phương rất khác nhau. Mặc dù số lượng ca F0 trên địa bàn quận Bình Tân lớn, trên 200 ca, tuy nhiên tập trung gần như tuyệt đối trong một khu vực (đã phong tỏa). Tình hình ở các phường khác, không khác các địa phương khác.
Đại diện Sở Công thương TP Hồ Chí Minh khẳng định, nguồn cung hàng hoá đảm bảo trong mọi hoàn cảnh, người dân không nên dồn dập mua tích trữ hàng hoá.
Nhiều chuỗi nhiễm trong cộng đồng
Trước đó, trưa ngày 19/6, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp khẩn để thảo luận, triển khai phương án cấp bách trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng tham dự.  
Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, tính đến 18 giờ ngày 18/6, có 1.661 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP được Bộ Y tế công bố; trong đó: 1.414 trường hợp nhiễm trong cộng đồng (chiếm tỷ lệ 85,13%), 243 trường hợp nhập cảnh (chiếm tỷ lệ 14,63%)…Hiện đang điều trị 1.289 bệnh nhân dương tính (chiếm tỉ lệ 77,60%).
Tính riêng từ 6 giờ ngày 18/6 đến 06 giờ ngày 19/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) ghi nhận 104 trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV- 2, đang tiến hành điều tra, cụ thể: 17 trường hợp trong khu phong tỏa, 42 trường hợp trong khu cách ly, 32 trường hợp khi thực hiện mở rộng xét nghiệm ở quận Bình Tân (mở rộng lấy mẫu ở khu vực bên ngoài, khu lân cận, không nằm trong khu phong tỏa), 1 trường hợp được giám sát sau cách ly tập trung (là chuyên gia nước ngoài), 6 trường hợp đang điều tra.
Cũng theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng virus Delta (Ấn Độ) gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hang xóm, nơi làm việc. Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lan tỏa rất nhanh và rộng tại TP. Các chuỗi dịch lớn ghi nhận chủ yếu tại các khu nhà trọ, cụm dân cư tại các quận – huyện; đã ghi nhận các bệnh nhân làm việc trong các khu công nghiệp, nhân viên y tế và nhân viên văn phòng.
Vì vậy, ngành Y tế tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện, siết chặt công tác phân luồng, sàng lọc người bệnh đến khám, đặc biệt lưu ý yếu tố dịch tễ; tất cả nhân viên y tế tuân thủ nghiêm biện pháp 5K và hạn chế tiếp xúc với người xung quanh. Đồng thời, giám sát, phòng chống dịch trong khu công nghiệp qua việc lấy mẫu tầm soát có trọng tâm ở KCN, KCX, KCNC trên địa bàn có môi trường làm việc dễ lây lan, thông khí kém, chế biến thủy hải sản đông lạnh… Xét nghiệm toàn bộ người lao động trong khu công nghiệp có người nhiễm, nghi nhiễm và mở rộng xét nghiệm trong tất cả khu công nghiệp.
Về công tác xét nghiệm, hiện nay, năng lực xét nghiệm của các cơ sở y tế thuộc TP, cơ sở y tế Trung ương trên địa bàn TP và một số bệnh viện tư nhân đạt khoảng 20.000 mẫu/24 giờ, trường hợp cần thiết có thể nâng lên công suất tối đa 30.000 mẫu/24 giờ. TP huy động lực lượng các đơn vị y tế (930 đội) tham gia lấy mẫu xét nghiệm, ngày cao điểm thực hiện 100.000 mẫu/24 giờ, có thể nâng công suất tối đa lên 200.000 mẫu/24 giờ.
Liên quan đến công tác tiêm chủng vaccine, TP Hồ Chí Minh đang triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đợt 3 (từ ngày 3/6/2021), đến nay đã tiêm cho 67.792 người, trong đó 38.383 người tiêm mũi 1, 29.409 người tiêm mũi 2, còn lại hơn 4.000 liều sẽ tiêm vét trong 2 ngày 19 và 20/6/2021. TP Hồ Chí Minh cũng chuẩn bị kế hoạch triển khai chiếm dịch tiêm 786.000 liều vaccine phòng Covid-19 do Bộ Y tế cấp đợt 4 cho TP.

Chống dịch mạnh hơn, quyết liệt hơn
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng, toàn Thành phố đã nỗ lực, thực hiện nhiều biện pháp nghiêm và về cơ bản đã kiểm soát được một số chuỗi lây nhiễm nhưng vẫn chưa khống chế được dịch bệnh. Vì vậy, thống nhất với các đề xuất của các Sở - ngành, quận - huyện về việc triển khai biện pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn - đây là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Theo Bí thư Thành ủy, biện pháp căn cơ nhất vẫn là tiêm vaccine nhưng để vaccine hoạt động hiệu quả cần có thời gian. Do đó, trước mắt vẫn cần tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch triệt để và tầm soát diện rộng. Đồng thời có biện pháp kiểm soát và giảm bớt dòng người đến TP. Nâng cao mức giãn cách xã hội tại TP, đối với những địa điểm, khu vực có thể đảm bảo an toàn với dịch bệnh thì thực hiện biện pháp nới lỏng hơn. Riêng hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa chỉ hạn chế khi thật sự cần thiết, tránh việc đình trệ. Quyết tâm sau 1 tuần tới, TP có thể khống chế được dịch bệnh. Chúng ta chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn để duy trì lợi ích lâu dài.
Bí thư Thành ủy cũng đề nghị các lực lượng, ban ngành tập trung tuyên truyền sâu rộng, đến tận từng người dân để người dân hiểu, đồng thuận và chia sẻ cùng TP. Tất cả để đảm bảo sức khỏe cho mọi người và sự an toàn, phát triển bền vững của TP.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình lưu ý, TP cần cân nhắc mọi tình huống có thể xảy ra, chủ động xây dựng và triển khai một số biện pháp tương xứng riêng, cụ thể, linh hoạt riêng của TP để phòng chống dịch trên địa bàn. Trong đó, siết chặt công tác quản lý, kiểm tra, rà soát các biện pháp đang triển khai…Đồng thời, trước khi triển khai biện pháp mạnh hơn, TP Hồ Chí Minh cần công bố cho người dân biết và nắm bắt rõ các thông tin về cung ứng hàng hóa thiết yếu, lượng thực, thực phẩm, giao thông đi lại… để chủ động trong sinh hoạt, làm việc, tránh việc người dân hoang mang, lo lắng, tích trữ không cần thiết.
 Điều trị cho bệnh nhân Covid-19 - Ảnh HCDC
Số ca nhiễm có thể tăng nhanh trong những ngày tới
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện nay TP đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ với một số biện pháp tăng cường. Tuy nhiên, diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn đang rất phức tạp và có nhiều điểm mới khó lường. Con số người nhiễm bệnh tăng cao, tăng nhanh và dự báo khả năng con số người nhiễm sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.
Vì vậy, việc siết chặt, nâng cao hơn mức độ của các biện pháp phòng, chống dịch đang triển khai là phù hợp với yêu cầu của tình hình hiện nay để có thể nhanh chóng kiểm soát và khống chế dịch bệnh, nhất là các chuỗi dịch chưa rõ nguồn lây. Yêu cầu các quận, huyện và TP Thủ Đức cần tự rà soát, đánh giá lại năng lực y tế trên địa bàn, nhất là khả năng đáp ứng nhu cầu cách ly tập trung để tính toán phương án phù hợp ở góc độ địa phương.