TP Hồ Chí Minh: Yêu cầu chấn chỉnh tình trạng F0 không liên hệ được trạm y tế

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/11, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh ban hành văn bản về việc chấn chỉnh công tác chăm sóc, quản lý F0 (bệnh nhân mắc Covid-19) cách ly tại nhà trên địa bàn TP.

Theo đó, trong văn bản gửi các quận huyện, Sở Y tế TP cho biết, thời gian gần đây nhận được phản ánh bức xúc về việc người dân tự xét nghiệm có kết quả dương tính nhưng không liên hệ được trạm y tế phường, xã, thị trấn để được tư vấn, cấp phát túi thuốc điều trị.
Trước thực trạng này, Sở Y tế TP yêu cầu giám đốc Trung tâm Y tế và Ban chỉ đạo phòng, chống của các quận huyện và TP Thủ Đức tăng cường giám sát hoạt động chăm sóc F0 tại nhà.
Nhân viên y tế phát túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà (Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh - HCDC)
Cụ thể, theo chỉ đạo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tất cả các trường hợp F0 đang cách ly tại nhà và cơ sở cách ly trên địa bàn phải được cấp phát túi thuốc điều trị trong vòng 24 giờ.
Đồng thời, Sở Y tế đặc biệt lưu ý tuân thủ chỉ định và cấp phát thuốc Mulnopiravir theo đúng hướng dẫn. Tất cả các trạm y tế phường, xã, thị trấn và trạm y tế lưu động phải phân công trực đường dây nóng 24/7 để giải đáp các thắc mắc của người dân; tiếp nhận danh sách F0 do các nơi chuyển đến hoặc người dân tự khai báo.
Ngoài ra, các quận huyện cũng quy định rõ trách nhiệm từng cá nhân, đơn vị trong trường hợp người dân không liên hệ được đường dây nóng; không được cấp phát túi thuốc hoặc cấp thuốc nhưng không đúng thành phần.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đang triển khai 10 đoàn kiểm tra việc tuân thủ công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt là kiểm tra chăm sóc, quản lý F0 tại nhà; hoạt động trạm y tế lưu động để ghi nhận mô hình hay, nhân rộng đồng thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm cá nhân không tuân thủ quy định.
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, trước đó, chiều cùng ngày 10/11, Sở Y tế cũng đã cho biết quyết định lập thêm 33 trạm y tế lưu động do y bác sĩ các bệnh viện thành phố và quận, huyện đảm trách, tại 4 địa phương có số ca nhiễm mới cao. Trong đó, các quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, huyện Hóc Môn, Bình Chánh và TP Thủ Đức có số ca mắc mới cao.
Vì vậy, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh quyết định lập thêm 20 trạm y tế lưu động ở quận 12, huyện Bình Chánh thêm 8 trạm, huyện Hóc Môn thêm 4 trạm và quận Bình Tân một trạm, nhằm chăm sóc F0 cách ly tại nhà, theo công văn do Giám đốc Tăng Chí Thượng ký ngày 9/11. Tuần trước, Sở Y tế đã mở thêm 40 trạm y tế lưu động tại Hóc Môn.
Các địa phương bố trí địa điểm để các trạm y tế lưu động hoạt động, kiểm tra công tác khám, theo dõi, cấp phát thuốc cho F0 đang cách ly tại nhà và cách ly tập trung. Trung tâm y tế và các trạm y tế nắm danh sách hộ gia đình F0 có người thuộc nhóm nguy cơ cao mà chưa được tiêm chủng cùng chung sống, để theo dõi sát sức khỏe và triển khai tiêm chủng ngay.
Từ đầu tháng 10, sau hơn 4 tháng giãn cách, TP Hồ Chí Minh bắt đầu điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn mới nới lỏng giãn cách, số ca nhiễm tại TP dao động khoảng 2.000-3.000 ca mỗi ngày. Cùng với tỷ lệ bao phủ vaccine tăng cao dần, từ ngày 10/10, số ca nhiễm giảm mạnh về quanh mốc 1.000, sau đó liên tiếp giảm dần, có ngày chỉ còn 682 ca (ngày 2/11).
Tuy nhiên, trong bối cảnh các hoạt động dần trở lại nhộn nhịp, doanh nghiệp tái sản xuất, giám sát diễn biến dịch bệnh những ngày gần đây cho thấy số ca mắc mới đang điều trị tại nhà và tại các cơ sở y tế có xu hướng tăng nhẹ trở lại. Các chuyên gia đánh giá đây là điều khó tránh khỏi khi thành phố mở cửa và nếu số ca nhiễm mới không trở nặng, không tử vong thì sẽ tạo miễn dịch cộng đồng, không phải là vấn đề đáng lo ngại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần