Trăn trở về đời sống của công nhân

PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ nỗ lực của chính quyền, DN và công đoàn các cấp, đời sống công nhân lao động (CNLĐ) Thủ đô ngày càng được cải thiện.

Song qua ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị trong dịp Tháng Công nhân năm nay (5/2017), vẫn còn nhiều trăn trở không chỉ của CNLĐ mà cả phía công đoàn và chủ sử dụng lao động.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt 10/10 Dương Văn Bình:

Chăm lo cho người lao động cũng là lo cho nguồn lực của doanh nghiệp

Từ đầu năm đến nay, sản xuất tại Công ty ổn định, thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, chúng tôi cũng có nhiều đơn hàng hơn, đủ đến hết quý II. Vì vậy, NLĐ có nhiều việc làm, Công ty chăm lo được tốt hơn cho họ.

Bên cạnh đó, chúng tôi đang hoàn thiện chính sách do lương tối thiểu, BHXH tăng lên…, nên cũng phải chi thêm 10% cho NLĐ. Khó khăn hơn do Nhà nước thay đổi chính sách, song DN vẫn cố đáp ứng vì thấy đó là quyền lợi chính đáng của NLĐ, chăm lo cho họ cũng là lo cho nguồn lực chính của DN. Nhờ chăm lo tốt, nên sau Tết vừa qua, tại Dệt 10/10 không bị thiếu hụt lao động.

Ngoài thu nhập và việc làm ổn định, tôi cho rằng để NLĐ gắn bó với DN, Nhà nước cần hỗ trợ về chính sách nhà ở. Tại nhiều DN, NLĐ chỉ gắn bó 5 - 7 năm, vì DN không có điều kiện lo nhà, nhiều công nhân phải thuê, trong khi thu nhập khó đáp ứng, nhất là với những CNLĐ có gia đình, phải nuôi con nhỏ. Công ty cũng không tổ chức được nhà trẻ cho con công nhân vì thường họ không ở tập trung một nơi. Chính sách xây nhà cho người thu nhập thấp dù đã có, nhưng họ thấy rất xa vời, nên sau một thời gian ở TP, lại về làm trong các KCN ở địa phương, tiện sinh hoạt gia đình. Đây là trăn trở lớn nhất của các DN, mà TP cần tính toán sớm, đầu tư những khu nhà giá thấp, đại trà tại những nơi tập trung nhiều nhà máy để NLĐ ổn định cuộc sống. Phương thức là Nhà nước đầu tư và có thể xã hội hóa một phần từ DN.


Nhân viên Công ty CP Miza Nguyễn Thị Thúy:

Môi trường làm việc, chế độ chính sách được đảm bảo

Hiện tôi thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng, với điều kiện làm việc trong giờ hành chính như tôi thì thấy như vậy tương đối tốt, còn với những công nhân làm sản phẩm, làm ca thì thu nhập cao hơn nhiều. Hơn nữa tại Công ty, mọi chế độ chính sách công đoàn, BHXH, BHYT cho NLĐ đều được quan tâm đầy đủ. Công nhân, nhân viên ốm đau hay gặp khó khăn gì cũng được Ban lãnh đạo, Công đoàn hỏi thăm, được hỗ trợ với mỗi cá nhân là khác nhau. Nhiều công nhân chưa có chỗ ở thì được tạo điều kiện thuê nhà ở lâu dài ở chung cư. Về sinh hoạt văn hóa tinh thần, hàng năm Công ty đều tổ chức cho CBCNV đi du lịch, được khám sức khỏe đầy đủ… Bộ phận nào làm việc vất vả cũng được phụ cấp thêm.

Nói chung vợ chồng tôi thấy công việc đã ổn định, nên hiện cũng chỉ mong ngày càng được tăng thu nhập, để về lâu dài có thể mua một căn chung cư nhỏ tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của bạn bè, hai bên gia đình. Bởi người ta vẫn nói “an cư thì mới lạc nghiệp”.


Chủ tịch Công đoàn các KCN&CX Hà Nội Đinh Quốc Toản:

Cần dành quỹ đất xây các căn hộ gia đình cho công nhân

Hiện, toàn TP có 9 KCN, KCX, khu công nghệ cao, tạo việc làm cho 144.968 NLĐ, với thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Công đoàn các KCN&CX Hà Nội đang quản lý trực tiếp 277 công đoàn cơ sở với 126.915 lao động.

Để góp phần chăm lo tốt hơn cho CNLĐ thời gian tới, chúng tôi kiến nghị TP trước hết cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại DN. Đặc biệt tại những KCN tập trung hàng vạn lao động trở lên, đề nghị TP sớm dành quỹ đất xây dựng chung cư theo hình thức căn hộ gia đình cho công nhân mua hoặc thuê. Tại khu nhà ở công nhân xã Kim Chung (Đông Anh) đã xây thí điểm những căn hộ cho 30 - 40 người ở chung, nhưng thực tế, rất cần những căn hộ dành cho 5 - 7 người độc thân thuê ở chung, sẽ tiện dụng hơn, bằng hình thức TP đầu tư hoặc xã hội hóa. Đồng thời, tại các KCN này cũng cần xây dựng những công trình phúc lợi cho gia đình CNLĐ như nhà trẻ, trường học, trung tâm y tế, khu vui chơi, nhất là các thiết chế văn hóa cho họ. Hiện các KCN&CX Hà Nội hầu như không có, ngoại trừ vài điểm sinh hoạt văn hóa cho công nhân, trong khi nhu cầu đang rất lớn.

Bên cạnh đó, với những CNLĐ đang thuê nhà ở trong khu dân cư, đề nghị TP tạo điều kiện cho họ được mua điện, nước theo giá chung của TP. Ngoài ra, cũng kiến nghị BHXH TP sớm cung cấp danh sách DN trong những KCN, KCX đang đóng BHXH tại BHXH TP, nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ và cũng tiện cho việc đôn đốc thu trích nộp kinh phí công đoàn.


Công nhân Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam Hồ Hải Quân:

Mong muốn được an cư

Gia đình tôi thuê nhà tại khu Kim Chung đã 2 năm, thấy điều kiện an ninh tốt, giá thuê nhà hợp lý (1,4 triệu đồng/tháng), tính cả tiền điện, nước thì mỗi tháng chi gần 1,8 triệu đồng. Con tôi được đi học tại trường mầm non của huyện đầu tư ngay gần KCN. Về thu nhập, trung bình hai vợ chồng thu nhập 17 - 18 triệu đồng/tháng, nếu làm vượt chỉ tiêu thì được thưởng thêm. 

Làm việc ở Hà Nội lâu rồi nên gia đình tôi muốn an cư ở đây, vì vậy tôi mong có công việc ổn định, tiến tới được mua trả góp một căn hộ chung cư với giá ưu đãi, do TP đầu tư gần các KCN nơi chúng tôi làm việc, để gia đình có thể đăng ký hộ khẩu tại Hà Nội. Như vậy, sẽ có điều kiện cho con cái học hành ổn định, tương lai tốt hơn. Ngoài ra, tôi cũng mong có thêm nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa văn nghệ cho gia đình công nhân được tham gia, làm phong phú thêm đời sống tinh thần. Thực tế ở khu nhà này vẫn ít hoạt động như vậy, cũng như chưa có vườn hoa, công viên cho người dân.