Trắng hồ sơ cấp phép xây dựng biển hiệu

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên toàn TP Hà Nội vẫn không có một hồ sơ biển hiệu quảng cáo xây dựng trên 20m2 nào được cấp phép, dù cho luật quy định đã 4 năm.

 Có địa phương niêm yết nhận hồ sơ đến một năm nhưng không có DN nào ngó ngàng. Ngược lại, địa phương khác lại lúng túng không biết vận dụng quy định nào để cấp phép.

Biển hiệu 600m2 không bị “sờ gáy”

Thông thường, một bảng quảng cáo độc lập dựng trên quốc lộ có diện tích khoảng 140 – 200m2. Thế nhưng, chạy vòng qua các con phố trung tâm TP, những tấm biển hiệu của thương hiệu Pico, Media Mart…, biển nhỏ cũng trên 160m2 (Xuân Thủy, Cầu Giấy), biển lớn lên đến 600m2 (Nguyễn Văn Cừ, Long Biên). Hồi đầu tháng 4/2017, sau một loạt bài phản ánh của báo Kinh tế & Đô thị về vi phạm biển hiệu với số lượng lớn của 2 thương hiệu là Thế giới di động và FPT khiến các đơn vị là quận, huyện, phường, xã động đậy, nhắc nhở tháo dỡ. Đến nay, một loạt cơ sở kinh doanh ở các tuyến đường Xã Đàn, Lê Duẩn, Giải Phóng, Kim Mã… của Thế giới di động và FPT đã hạ diện tích biển, không còn tình trạng phủ kín, trùm lên nóc của căn nhà 3, 4 tầng. Ngược lại, các thương hiệu Nguyễn Kim, Media Mart, Pico… vẫn ngang nhiên để biển hiệu quá khổ, xem việc tháo dỡ là chuyện của thương hiệu khác, không phải trách nhiệm của đơn vị mình.

Bỏ ngỏ cấp phép xây dựng

Qua tìm hiểu thực tế, 29/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội hoàn toàn bỏ trống công tác cấp phép xây dựng biển quảng cáo. “Phải cấp phép xây dựng thì các cơ quan chức năng mới thẩm định được chất lượng các công trình quảng cáo. Khi xảy ra vi phạm, các cơ quan chức năng tiến hành thu hồi giấy phép, yêu cầu tháo dỡ, trả lại nguyên trạng mặt bằng là có thể giải quyết tận gốc vấn đề” - luật sư Nguyễn Hồng Linh - Công ty Luật Link & Paratners nhận định.

Biển quảng cáo Thế giới di động trên phố Kim Mã đã được thu nhỏ diện tích. Ảnh: Thanh Hải

Trong cuộc kiểm tra công tác quản lý Nhà nước hoạt động quảng cáo mới đây, tại quận Đống Đa, cán bộ Phòng Quản lý đô thị vẫn coi đó là việc của Phòng VH&TT. Bởi vì, theo Thông tư số 10/2012/TT-BXD ngày 20/12/2012 của Bộ Xây dựng, việc cấp phép xây dựng cho công trình quảng cáo chỉ được thực hiện khi đã có văn bản chấp thuận nội dung quảng cáo của ngành văn hóa... Quận Cầu Giấy, cán bộ đã thông suốt nhìn nhận là trách nhiệm của Phòng Quản lý đô thị, nhưng vẫn cho rằng các quy định đang đá nhau nên dù có tiếp nhận hồ sơ của DN vẫn chưa có cách nào xử lý. Quận Ba Đình là địa phương duy nhất trên địa bàn TP có niêm yết, hướng dẫn tiếp nhận hồ sơ cấp phép xây dựng công trình biển hiệu quảng cáo trên 20m2 ở bộ phận một cửa. “Niêm yết từ tháng 6/2016, nhưng đến nay, quận chưa có DN nào gửi hồ sơ đến” – bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh – Phó trưởng Phòng VH&TT quận Ba Đình chia sẻ.

Theo ông Bùi Minh Hoàng - Trưởng phòng Quản lý Văn hóa (Sở VH&TT), cán bộ địa phương "đá trách nhiệm" cho nhau, hoặc cho rằng quy định cấp phép chưa rõ ràng là không chịu hiểu luật. Bởi vì Luật Quảng cáo (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013) quy định có diện tích một mặt trên 20m2 gắn vào công trình xây dựng có sẵn phải có giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng. Hơn nữa, Thông tư số 10 của Bộ Xây dựng cũng đã hết hiệu lực. Luật Quảng cáo cũng quy định rõ, việc cấp giấy phép xây dựng đối với biển hiệu có diện tích từ 20m2 trở lên thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của ngành xây dựng.

Quy định pháp lý đã rất chặt chẽ, thế nhưng vi phạm vẫn tràn lan, tồn tại hết năm này qua năm khác cũng chỉ vì đơn vị thực thi luật đã không thực hiện hết trách nhiệm của cơ quan quản lý.

Khi cơ quan quản lý và truyền thông "chỉ mặt gọi tên" từng thương hiệu, họ đã có động thái sửa sai cho các vi phạm. Thế nhưng, nhiều cơ sở kinh doanh sửa theo kiểu chống đối, hạ diện tích biển quảng cáo về đúng quy định dưới 20m2, để lại phần khung sắt, chờ thời điểm cơ quan quản lý lơi là sẽ tái vi phạm (?). Ngoài ra, những thương hiệu sai phạm chưa bị gọi tên thì vẫn im ắng, không có cơ sở nào tự giác tháo dỡ.

Ông Bùi Minh Hoàng

Trưởng phòng Quản lý Văn hóa Sở VH&TT Hà Nội