Tranh luận gay gắt: Giáo dục mầm non gây bức xúc nhất lại được đánh giá cao?

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sáng 6/6, ĐB Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre) không đồng tình với câu trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi Bộ trưởng cho rằng, giáo dục mầm non Việt Nam được quốc tế đánh giá cao. ĐB đoàn Bến Tre chất vấn: Giáo dục mầm non gây bức xúc nhất lại được đánh giá cao?

Điển hình là phổ cập mầm non với trẻ 5 tuổi
Chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ĐB Hồ Thị Vân nêu vấn đề: “Tôi nhớ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ từng nói giáo dục ta đang trong giai đoạn quá độ nên phải chấp nhận để đổi mới. Chúng ta phải đi hết bao lâu trên con đường quá độ? Đã tới đoạn nào của quá độ?.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, đổi mới lĩnh vực này không thể nóng vội, đây vấn đề nhạy cảm phải có lộ trình, bước đi cụ thể.
 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay: Chúng ta đang ở đoạn thực hiện nhiều nhiệm vụ có kết quả, điển hình là phổ cập mầm non với trẻ 5 tuổi và việc này được nhiều nước ghi nhận.
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, đổi mới lĩnh vực này không thể nóng vội, đây vấn đề nhạy cảm phải có lộ trình, bước đi cụ thể. Ví dụ, vấn đề thi cử. Bộ đã cải cách hai kỳ thi mỗi năm thành một kỳ. Năm 2017 việc thi cử tương đối ổn định, được cử tri và nhân dân cả nước ủng hộ.
Tư lệnh ngành GD&ĐT nhấn mạnh: “Chúng ta phải đổi mới, về căn bản giáo dục không thể đứng yên”. Trả lời chất vấn về việc "chúng ta đang đi đến đoạn nào của quá độ?", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay: Chúng ta đang ở đoạn thực hiện nhiều nhiệm vụ có kết quả, điển hình là phổ cập mầm non với trẻ 5 tuổi và việc này được nhiều nước ghi nhận. Trẻ 5 tuổi vào mầm non ở Việt Nam đạt tỷ lệ cao chỉ sau Singapore. Kết quả đổi mới trung học, phổ thông cũng được nhiều tổ chức quốc tế uy tín như Worldbank đánh giá cao.
Bộ trưởng tự tin khẳng định: “Để kết luận làm được gì thì chưa đủ căn cứ, nhưng chúng tôi có cơ sở tin rằng trong nhiệm kỳ sẽ có kết quả không chỉ chuyển biến mà là rõ nét”.
Giáo dục mầm non gây bức xúc nhất lại được đánh giá cao?
Liên quan đến vấn đề này, ĐB Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre) không đồng tình với câu trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi Bộ trưởng cho rằng, giáo dục mầm non Việt Nam được quốc tế đánh giá cao.
ĐB Đặng Thuần Phong tranh luận: Bộ trưởng có nói giáo dục mầm non của chúng ta được UNICEF đánh giá rất cao. Ai đánh giá cao thì tôi không rõ nhưng đánh giá cả quá trình thì tôi nhắc lại cho Bộ trưởng những hạn chế của giáo dục mầm non. Hiện nay, giáo dục mầm non đang nóng và gây bức xúc nhất là quy mô phát triển không đồng đều ở các vùng miền. Chất lượng không ổn định, nguồn lực đầu tư cho giáo dục thấp nhất trong ngành, cơ sở trường lớp, giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu.
Tỷ lệ chi cho giáo dục mầm non Nhà nước chỉ 39%, gia đình 61%. Khi các cháu vào học mầm non, gia đình phải đóng góp nhiều nhất so với các cấp học khác. Như vậy mà mầm non được đánh giá cao thì tôi cũng không hiểu thế nào.
“Tôi mong rằng, Bộ trưởng xem xét và có giải pháp cho vấn đề này”, ĐB đoàn Bến Tre chất vấn.
Tiếp mạch vấn đề này, ĐB  K'Nhiêu nêu bất cập trong đào tạo mầm non. ĐB muốn Bộ trưởng Giáo dục nhìn nhận rõ thực trạng và đưa ra giải pháp căn cơ.
 ĐB Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre) chất vấn: Giáo dục mầm non gây bức xúc nhất lại được đánh giá cao?
ĐB  K'Nhiêu nói: Thời gian qua, chế độ cử tuyển có nhiều bất cập, hạn chế. Có nhiều tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số gần đây không có đối tượng cử tuyển. Tuy nhiên, Luật Giáo dục sửa đổi tiếp tục có chế độ cơ cử tuyển nhưng không có chính sách gì mới. Bộ trưởng cho biết có giải pháp chế độ gì mới để chế độ cử tuyển đạt hiệu quả.
Thứ 2, hiện tượng tiêu cực và những hình ảnh xấu, không tốt đã xảy ra với hệ thống giáo dục mầm non trong thời gian qua. Điều này ảnh hưởng đã tạo nên sự trăn trở, bức xúc trong xã hội, làm giảm niềm tin của cử tri trong lĩnh vực này. Bộ trưởng có suy nghĩ và biện pháp gì hữu hiệu để nâng cao chất lượng giáo dục trong lĩnh vực này.
Trả lời các ĐB, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn thừa nhận, đây là một trong vấn đề gây bức xúc xã hội, dư luận thời gian qua. Theo Bộ trưởng: Hiện toàn ngành có 15.000 cơ sở giáo dục mầm mon, 337.000 giáo viên. Ông Nhạ đánh giá, cơ bản các thầy cô tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ, song cũng đã xuất hiện tình trạng bạo hành trẻ ở một số cơ sở mầm non.
Bộ trưởng bày tỏ: "Những vụ bạo hành trẻ mà báo chí đã nêu là không thể chấp nhận được. Cá nhân tôi với trách nhiệm người đứng đầu ngành giáo dục rất phản đối, có ý kiến chỉ đạo kiên quyết, với những giáo viên không đủ năng lực thì phải đưa ra khỏi ngành, không chần chừ. Các cơ sở để xảy ra tình trạng này phải bị đình chỉ, đóng cửa".
“Về giải pháp khắc phục, căn cơ nhất là đội ngũ giáo viên phải được quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng thường xuyên và có chế độ hợp lý. Hiện chế độ cho giáo viên mầm non thấp quá, ra trường khoảng 2,4 triệu đồng một tháng thì các cô rất khó khăn, đây cũng là lý do gây áp lực. Bộ Giáo dục đã làm việc với Bộ Nội vụ, một mặt tăng cường chất lượng đào tạo, chuẩn bị đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp, mặt khác tăng chế độ đãi ngộ cho giáo viên mầm mon", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.
Hệ thống treo vì quá nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đến 9h sáng có tới hơn 80 ĐB đăng ký chất vấn và tranh luận với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Vì thế, hệ thống máy tính bị treo.

Trước nhiều chất vấn của các ĐB về tình trạng xuống cấp đạo đức của giáo viên, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ sự bức xúc thời gian vừa qua của dư luận. Tuy nhiên, ở đây còn có trách nhiệm của người đứng đầu của các cơ sở giáo dục, họ có biết hay không cho đến khi báo chí, dư luận lên tiếng thì mới vào cuộc làm rõ. Ở đây ĐB mong muốn ngành giáo dục, các địa phương và cả hệ thống chính trị chứ không phải riêng Bộ GD&ĐT.

"Trường mầm, tiểu học có địa chỉ rõ ràng, xảy ra bạo hành thì hiệu trưởng có biết không, giáo viên có biết không, địa phương có biết không. Chuyện xảy ra mới làm rõ thì đó là trách nhiệm của cả cộng đồng cả hệ thống chính trị ở địa phương chứ không phải chỉ mỗi Bộ trưởng", Chủ tịch Quốc hội nói.