Khai mạc Triển lãm tranh dân gian Việt Nam và ứng dụng

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 24/10, Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội đã tổ chức khai mạc triển lãm “Tranh dân gian Việt Nam và ứng dụng” tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Tranh dân gian do các em học sinh trên địa bàn Hà Nội thực hiện.
Triển lãm trưng bày 30 bức tranh và tư liệu về 6 dòng tranh dân gian Việt Nam gồm: Tranh Kim Hoàng, tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kính, tranh Gói vải, tranh Làng Sình; 27 bộ trang phục đặc sắc đã được các bạn nhỏ của Cung Thiếu Nhi Hà Nội, trường Tiểu học Thực Nghiệm và trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm trình diễn.
Phát biểu khai mạc triển lãm, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội cho biết: “Trong kho tàng di sản văn hóa - nghệ thuật của dân tộc Việt Nam, tranh dân gian có vị trí rất quan trọng do tính chất lâu đời và phổ biến của nó. Về cơ bản, với thứ ngôn ngữ đặc thù của mình, tranh dân gian đã trở thành những tư liệu vật chất, cụ thể hoá những ý niệm triết học về vũ trụ quan, về nhân sinh quan và quan niệm về cái đẹp của nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp người, chủ yếu là nông dân và thị dân, ở mọi địa bàn miền xuôi cũng như miền núi”.
Trong khuôn khổ của triển lãm sẽ diễn ra các hoạt động như: Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo từ tranh dân gian Kim Hoàng”; “Trình diễn thời trang - tác phẩm tham gia dự thi” do PGS.TS Trang Thanh Hiền - Giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam phụ trách.
Trưng bày sẽ diễn ra từ ngày 24/10 đến ngày 10/11/2018 tại Nhà Thái học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.