Triều Tiên nói gì sau vụ phóng vệ tinh do thám mới nhất thất bại?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi xác định nguyên nhân gây ra thất bại trong vụ phóng vệ tinh do thám lần thứ hai hôm 24/8, Cơ quan hàng không vũ trụ Triều Tiên tuyên bố nước này sẽ tiến hành vụ thử thứ ba vào tháng 10 tới.

Bản tin truyền hình về vụ phóng vệ tinh do thám của Triều Tiên được phát tại ga  Seoul , Hàn Quốc, ngày 24/8/2023. Ảnh: AP
Bản tin truyền hình về vụ phóng vệ tinh do thám của Triều Tiên được phát tại ga  Seoul , Hàn Quốc, ngày 24/8/2023. Ảnh: AP

Hãng thông tấn Nhà nước Tiều Tiên (KCNA) ngày 24/8 đưa tin, nỗ lực lần thứ hai của nước này trong việc phóng vệ tinh do thám vào sáng sớm cùng ngày đã thất bại.

KCNA cho biết: “Quá trình bay ở giai đoạn một và giai đoạn hai của tên lửa diễn ra bình thường, nhưng vụ phóng không thành công do lỗi hệ thống kích nổ khẩn cấp trong quá trình bay giai đoạn ba”.

Quân đội Hàn Quốc thông báo nước này đã theo dõi vụ phóng vệ tinh do thám tại bãi phóng vệ tinh Sohae của Triều Tiên, và xác nhận vụ phóng thử đã thất bại.

Vụ phóng tên lửa do thám của Triều Tiên khiến Nhật Bản phát cảnh báo khẩn cấp vào sáng sớm ngày 24/8, yêu cầu người dân tỉnh Okinawa trú ẩn trong nhà. Cảnh báo này được dỡ bỏ ngay sau đó và vụ phóng không gây thiệt hại cho Nhật Bản cũng như khu vực xung quanh.

Triều Tiên hôm 22/8 thông báo nước này sẽ phóng vệ tinh trong khoảng thời gian từ 24- 31/8. Bình Nhưỡng cần một vệ tinh trinh sát quân sự để tăng cường giám sát các hoạt động quân sự của Mỹ và Hàn Quốc.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết các vụ phóng tên lửa liên tục là mối đe dọa đối với an ninh khu vực.

"Chúng tôi phản đối mạnh mẽ Triều Tiên và lên án nước này bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể” - ông Matsuno nói tại cuộc họp báo ngày 24/8.

Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc cũng chỉ trích vụ phóng tên lửa là hành động khiêu khích và vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) về việc cấm Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.

Trước đó, hôm 23/8, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các vụ phóng vệ tinh do thám của Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế "các hoạt động khiêu khích”.

“Các phương tiện phóng vào không gian (SLV) có thể được thay thế bằng các công nghệ được sử dụng trong tên lửa đạn đạo, bao gồm cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM)” - phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ lưu ý thêm.

Tiếp tục phóng vệ tinh do thám 

KCNA dẫn thông báo của cơ quan hàng không vũ trụ nước này cho biết Triều Tiên sẽ tiến hành nỗ lực thứ ba vào tháng 10 sau khi tìm ra nguyên nhân gây ra thất bại.

Cơ quan Phát triển Hàng không Vũ trụ Quốc gia Triều Tiên (NADA) thông báo họ sẽ tiến hành khắc phục những lỗi dẫn đến thất bại trong vụ phóng thử vệ tinh do thám lần thứ hai.

Hồi cuối tháng 5 vừa qua, nỗ lực phóng tên lửa vệ tinh do thám Chollima-1 của Triều Tiên đã thất bại. Truyền thông Triều Tiên đổ lỗi cho sự thất bại này là do hệ thống động cơ và nhiên liệu mới không ổn định và không đáng tin cậy.

Hàn Quốc đã thu hồi được các bộ phận của tên lửa vệ tinh do thám Chollima-1.

Chuyên gia Ankit Panda thuộc Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Mỹ nói rằng không có gì ngạc nhiên khi vụ phóng vệ tinh do thám mới nhất của Triều Tiên tiếp tục thất bại.

Tuy nhiên, thông tin từ KCNA cho thấy công nghệ phát triển vệ tinh quân sự của Triều Tiên dường như đã đạt được một số tiến bộ sau vụ phóng thử thất bại hôm 31/5 vừa qua.

Các nhà phân tích cho rằng các vệ tinh do thám rất quan trọng để quân đội Triều Tiên nâng cao hiệu quả của vũ khí.

Bình Nhưỡng đã nhiều lần nỗ lực phóng vệ tinh "quan sát trái đất", trong đó có hai vệ tinh dường như đã được đưa vào quỹ đạo thành công, bao gồm vụ phóng thử vệ tinh vào năm 2016.