Trung Quốc nói gì trước làn sóng tẩy chay hàng hiệu phương Tây của người dân?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới chức Trung Quốc ngày 29/3 tuyên bố, hãng thời trang H&M của Thụy Điển và các công ty nước ngoài khác không nên "tham gia vào chính trị", sau khi các công ty này bày tỏ quan ngại về tình trạng "lao động cưỡng bức" ở Tân Cương, gây ra phản ứng dữ dội và tẩy chay trên mạng xã hội.

H&M, Burberry, Nike và Adidas và nhiều thương hiệu thời trang lớn khác của phương Tây đã bị người tiêu dùng Trung Quốc kêu gọi tẩy chay kể từ tuần trước, vì những bình luận về nguồn cung cấp bông của họ ở Tân Cương.
Người dùng mạng xã hội Trung Quốc tuần trước đã bắt đầu lan truyền một tuyên bố vào năm 2020 của H&M, thông báo rằng họ sẽ không dùng bông từ Tân Cương nữa. Vào thời điểm đó, H&M cho biết quyết định này là do những khó khăn trong việc tiến hành thẩm định chất lượng, cũng như các lo ngại từ báo cáo của truyền thông và các nhóm nhân quyền đưa tin về việc sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương - một cáo buộc mà Bắc Kinh đã nhiều lần phủ nhận.
"Tôi không nghĩ rằng một công ty nên chính trị hóa hành vi kinh tế của mình", Xu Guixiang - phát ngôn viên của chính quyền Tân Cương nói tại một cuộc họp báo vào hôm nay (29/3), "liệu H&M có thể tiếp tục kiếm tiền tại thị trường Trung Quốc? Sẽ là không thể".
"Việc vội vàng đưa ra quyết định như vậy và vướng vào các chế tài là không hợp lý. Nó giống như việc tự lấy đá ghè chân mình", ông Xu nói thêm.
Elijan Anayat, một phát ngôn viên khác của chính quyền Tân Cương, cho biết trong cuộc họp báo rằng người Trung Quốc không muốn sản phẩm của các công ty như H&M và Nike vì đã tẩy chay bông của Tân Cương. Ông nói thêm rằng sẽ hoan nghênh các công ty đến các cánh đồng bông trong khu vực để tận mắt chứng kiến ​​những gì đang xảy ra.
Làn sóng tẩy chay của người tiêu dùng Trung Quốc diễn ra đồng thời với một loạt các biện pháp trừng phạt phối hợp do Anh, Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã áp đặt đối với những gì các nước gọi là "vi phạm nhân quyền đang diễn ra ở Tân Cương". 
Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ tất cả các cáo buộc như vậy, và nói rằng các trại này là để đào tạo nghề và chống lại chủ nghĩa tôn giáo cực đoan. Phát ngôn viên Xu Guixiang ngày 29/3 cũng tiếp tục bác bỏ các cáo buộc "diệt chủng" và "vi phạm nhân quyền" tại Tân Cương, chỉ trích các cường quốc phương Tây đang "thao túng chính trị" để gây bất ổn cho Trung Quốc bằng các lệnh trừng phạt.