Trung Quốc ra "danh sách trắng" nhằm đẩy lùi "bóng đen" khỏi bất động sản

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một dự án bất động sản do nhà nước hậu thuẫn ở Trung Quốc đã nhận được khoản vay phát triển đầu tiên theo cơ chế “danh sách trắng” của Bắc Kinh, được cho là nỗ lực cứu nền công nghiệp sau vụ bê bối Evergrande.

Bên cạnh đó, hai thành phố lớn tại Trung Quốc cũng đã nới lỏng các hạn chế mua nhà, truyền thông nhà nước đưa tin. 

Biện pháp mới

Các biện pháp mới nhất bổ sung vào chuỗi chính sách hỗ trợ được nền kinh tế lớn thứ hai thế giới triển khai trong năm qua nhằm giúp vực dậy lĩnh vực bất động sản đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ chưa từng có.

Một công nhân làm việc tại công trường xây dựng chung cư ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 15 tháng 7 năm 2022. Ảnh: Reuters
Một công nhân làm việc tại công trường xây dựng chung cư ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 15 tháng 7 năm 2022. Ảnh: Reuters

Bất chấp những biện pháp đó, thị trường bất động sản năm ngoái tại Trung Quốc đã đánh dấu mức giảm giá nhà sâu nhất trong gần 9 năm, phủ bóng đen lên hy vọng về sự phục hồi kinh tế rộng rãi hơn và làm nổi bật nhu cầu của nhà đầu tư đối với các sáng kiến chính sách mạnh mẽ hơn.

Các nhà phân tích cho rằng việc tòa án Hong Kong quyết định giải thể tập đoàn bất động sản khổng lồ China Evergrande Group có thể đẩy triển vọng nhu cầu vào tình trạng tồi tệ hơn, khiến người mua nhà trở nên thận trọng trước sự không chắc chắn về tình hình hoạt động của các nhà phát triển tư nhân khác.

Theo truyền thông, hai trong số các thành phố lớn của Trung Quốc, Tô Châu và Thượng Hải, theo sau Quảng Châu trong việc nới lỏng các hạn chế mua nhà, trong nỗ lực thúc đẩy nhu cầu của người mua nhà.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư chưa hào hứng với những hỗ trợ mới, thể hiện qua việc Chỉ số Bất động sản Đại lục Hang Seng của Hong Kong và Chỉ số Bất động sản CSI 300 của Trung Quốc đều giảm 2,6% trong phiên giao dịch ngày 31/1.

Trong một biện pháp hỗ trợ khác, khoản vay trị giá 330 triệu nhân dân tệ cho một dự án phát triển do nhà nước hậu thuẫn đã được phê duyệt chỉ vài ngày làm việc sau khi chính phủ công bố cơ chế "danh sách trắng dự án", tờ Securities Times đưa tin hôm 31/1. 

Thời báo này cho biết thành phố Nam Ninh ở khu vực Quảng Tây đã cung cấp "danh sách trắng dự án" đầu tiên cho các công ty tài chính địa phương bao gồm 107 dự án phát triển. Một dự án của Tập đoàn Đầu tư Thành phố & Công nghiệp Quảng Tây Beitou do nhà nước hậu thuẫn đã nhận được khoản vay phát triển từ Tập đoàn Ngân hàng Mingsheng Trung Quốc.

Báo cáo cho biết thêm, thành phố Trùng Khánh phía tây nam cũng đã đưa ra danh sách trắng gồm 314 dự án, với tổng vốn tài trợ cần thiết là 83 tỷ nhân dân tệ.

Việc triển khai hỗ trợ tài trợ theo cơ chế này đang được theo dõi chặt chẽ bởi thị trường vẫn đang trong cuộc khủng hoảng nợ kể từ giữa năm 2021 dẫn đến tình trạng nhà chưa hoàn thiện, đặc biệt là ở các nhà phát triển thuộc sở hữu tư nhân.

Tâm lý người mua nhà

Các biện pháp mới được đưa ra khi giới phân tích đang cân nhắc tác động từ phản quyết của tòa án nhằm đưa Evergrande, từng là nhà phát triển bất động sản bán chạy nhất Trung Quốc, vào tình trạng thanh lý với khoản nợ hơn 300 tỷ USD.

Christopher Beddor, phó giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Viện nghiên cứu Kinh tế Gavekal nhận định, người mua nhà lo ngại về việc mua các căn hộ bán trước từ các chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính có thể không giao dự án kịp thời và đây là lý do chính khiến doanh số bán nhà vẫn chững lại. 

“Tác động lâu dài là bất động sản sẽ chiếm một phần nhỏ hơn trong nền kinh tế Trung Quốc và bị thay thế bởi các ngành công nghiệp khác như công nghệ, sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng”, chuyên gia này khẳng định.

Bên cạnh tác động đến doanh số bán nhà, S&P Global Ratings cho biết trong một báo cáo công bố hôm 31/1 rằng các chủ nợ nước ngoài của Evergrande có thể sẽ nhận được khoản thanh toán rất nhỏ trong một quy trình thanh lý phức tạp có thể mất nhiều năm để thực hiện.