Trung Quốc thêm "công cụ" chống khủng bố thời kỳ mới

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sách trắng gồm 5 phần mô tả cách Bắc Kinh đối đầu với chủ nghĩa khủng bố thông qua việc cải cách và sửa đổi các luật cũng như quy định hiện hành, đồng thời ban hành luật chống khủng bố chuyên biệt.

Sách Trắng có tiêu đề “Khung pháp lý và các biện pháp chống khủng bố của Trung Quốc” được Văn phòng Thông tin của Hội đồng Nhà nước, nội các Trung Quốc, công bố vào ngày 23/1.

Trong tài liệu, các nhà hoạch định chính sách cho biết, Trung Quốc từ lâu đã phải đối mặt với “mối đe dọa thực sự” của chủ nghĩa khủng bố nhưng đã “tìm ra con đường chống khủng bố dựa trên luật pháp phù hợp với thực tế của mình bằng cách thiết lập một khuôn khổ pháp lý hợp lý”. 

Sách Trắng có tiêu đề “Khung pháp lý và các biện pháp chống khủng bố của Trung Quốc”. Ảnh: Chinadaily
Sách Trắng có tiêu đề “Khung pháp lý và các biện pháp chống khủng bố của Trung Quốc”. Ảnh: Chinadaily

Sách trắng gồm 5 phần mô tả cách Bắc Kinh đối đầu với chủ nghĩa khủng bố thông qua việc cải cách và sửa đổi các luật cũng như quy định hiện hành, đồng thời ban hành luật chống khủng bố chuyên biệt.

Sách Trắng cho biết các biện pháp chống khủng bố của Trung Quốc đã đảm bảo quyền con người - bao gồm quyền tự do cá nhân, quyền bào chữa và quyền xét xử bằng ngôn ngữ của các nhóm dân tộc thiểu số.

Trong tài liệu, Hội đồng Nhà nước cáo buộc “một số quốc gia” – nhưng không nêu tên – can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác “với lý do bảo vệ pháp quyền và nhân quyền”, điều mà họ cho rằng “đã cản trở nghiêm trọng nỗ lực toàn cầu nhằm đấu tranh chống khủng bố”.

Họ cho biết Trung Quốc đang "tấn công mạnh mẽ vào các hoạt động khủng bố bất hợp pháp và tội phạm". 

Sách trắng được ban hành trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục nỗ lực củng cố bộ công cụ chống khủng bố. Chính quyền thành phố Bắc Kinh đã đưa ra các quy định riêng theo luật chống khủng bố quốc gia vào năm ngoái, trong đó khẳng định chính quyền thành phố cũng sẽ kiểm tra và tăng cường giám sát rủi ro đối với “công nghệ mới” và “các ngành công nghiệp mới”.

Cơ quan lập pháp Trung Quốc đã đề xuất sửa đổi quy tắc an ninh công cộng nhằm trao quyền nhiều hơn cho cảnh sát bằng cách cung cấp cho họ cơ sở pháp lý để thu thập thông tin sinh học trong các trường hợp liên quan đến tội phạm nhỏ. Động thái này vốn chỉ được áp dụng trong cuộc điều tra liên quan đến khủng bố, ma túy và các tội phạm nghiêm trọng khác. 

Sách Trắng cũng có đoạn cho biết, Trung Quốc bắt đầu soạn thảo luật chống khủng bố vào tháng 4/2014, một tháng sau vụ tấn công vào ga xe lửa Côn Minh khiến 31 người thiệt mạng. Luật chống khủng bố sau đó được thông qua vào tháng 12/2015 và sửa đổi vào năm 2018.

Sách Trắng cũng đưa ra đánh giá cao về hệ thống pháp luật của Trung Quốc hiện thời với các định nghĩa và hình phạt rõ ràng đối với các hoạt động khủng bố, đồng thời cho biết thêm rằng các cơ quan thực thi pháp luật của Bắc Kinh được giám sát bởi cơ quan lập pháp, cơ quan cố vấn chính trị và xã hội.

Sách Trắng cũng thông tin, Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát biên giới để ngăn chặn dòng chảy của những kẻ khủng bố và “ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố”, các biện pháp góp phần đảm bảo an ninh và ổn định toàn cầu.

Sách Trắng cũng cam kết rằng Bắc Kinh sẽ hỗ trợ các công nghệ chống khủng bố để đáp ứng các thách thức về trí tuệ nhân tạo, truyền thông mã hóa và tiền ảo.