Từ năm 2021, chính sách tiền lương thay đổi thế nào?

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 (thay thế cho Bộ luật Lao động 2012) với nhiều điểm mới, trong đó nhiều chính sách tiền lương thay đổi được áp dụng.

Được ủy quyền cho người khác nhận lương

Theo Điều 94 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được ủy quyền cho người khác nhận lương trong trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp. Tuy nhiên, người được ủy quyền có nhận được tiền lương của người lao động hay không sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố là việc ủy quyền phải hợp pháp và người sử dụng lao động đồng ý.

Trong Bộ luật Lao động 2012, nội dung này không được quy định. Việc cho phép người lao động ủy quyền cho người khác nhận lương được cho là hợp lý, nhất là trong trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn không thể trực tiếp nhận lương.

Không còn lương tối thiểu ngành

Bộ luật Lao động quy định, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Theo Điều 91 Bộ luật Lao động 2012, mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành. Tuy nhiên, tại Bộ luật Lao động 2019, mức lương tối thiểu chỉ còn được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ. Như vậy, mức lương tối thiểu ngành sẽ không còn được áp dụng từ 1/1/2021.

Từ năm 2021, Chính phủ quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia, trong đó bao gồm cả tiền lương tối thiểu vùng, tiền lương tối thiểu theo giờ và tiền lương tối thiểu theo tháng. Trước đó, tại Bộ luật Lao động 2012 chỉ quy định Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng.

Ngoài ra, trong Bộ luật Lao động 2019 bổ sung thêm các tiêu chí điều chỉnh lương tối thiểu, bao gồm: Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp. Trong khi đó, ở Bộ luật Lao động 2012, mức lương tối thiểu vùng điều chỉnh chỉ dựa trên 3 căn cứ gồm: nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường.

Có thêm ngày nghỉ hưởng nguyên lương

Từ năm 2021, theo quy định tại Điều 113 của Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau: 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường; 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Cùng đó, Điều 112 về nghỉ lễ, Tết của bộ luật mới đã bổ sung thêm một ngày nghỉ làm việc mà vẫn hưởng nguyên lương vào dịp Quốc Khánh. Như vậy, từ năm 2021, người lao động sẽ có 2 ngày nghỉ dịp Quốc Khánh và nhận nguyên lương trong cả 2 ngày nghỉ.

Thêm trường hợp nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương

Trước đây, các trường hợp nghỉ việc riêng được hưởng nguyên lương như: Bản thân kết hôn được nghỉ 3 ngày; con kết hôn được nghỉ 1 ngày; bố/mẹ đẻ, bố/mẹ vợ hoặc bố/mẹ chồng chết nghỉ 3 ngày... Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 bổ sung thêm trường hợp người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương khi có cha nuôi, mẹ nuôi chết. Lúc này, người lao động cũng được nghỉ 3 ngày như trường hợp bố đẻ, mẹ đẻ hay bố/mẹ chồng, bố/mẹ vợ chết.

Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào tiền lương của doanh nghiệp

Điều 93 Bộ luật Lao động 2019 quy định, doanh nghiệp được chủ động trong việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động trên cơ sở thương lượng, thoả thuận với người lao động.

Tiền lương trả cho người lao động là số tiền để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Doanh nghiệp phải gửi bảng kê trả lương chi tiết cho người lao động

Nhằm minh bạch tiền lương của người lao động, Bộ luật Lao động 2019 yêu cầu mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương người lao động, trong đó ghi rõ: Tiền lương; Tiền lương làm thêm giờ; Tiền lương làm việc vào ban đêm; Nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có)…

Thay đổi về tiền đền bù khi bị chậm trả lương

Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên, người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương (trước đây lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố).