Từ nay đến 2020, sẽ thoái vốn Nhà nước khỏi 436 doanh nghiệp

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), 436 doanh nghiệp có vốn nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020.

Từ đầu năm đến nay, Bộ KH&ĐT đã rà soát và lấy ý kiến các Bộ, địa phương để lập danh mục theo nguyên tắc: Đối tượng rà soát là công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên có vốn nhà nước (không rà soát DN cấp 2 trở xuống); xác định tỷ lệ thoái vốn hàng năm căn cứ tiêu chí DNNN tại Quyết định số 58 của Thủ tướng và lộ trình thoái vốn hàng năm theo Chỉ thị số 24 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng ngành, lĩnh vực trong năm 2017 và Nghị quyết số 26 của Quốc hội Khóa 14 về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020.
 

Dự kiến, năm 2017 thoái vốn 60.000 tỷ đồng để bảo đảm nguồn thu từ cổ phần hóa và trong 6 tháng cuối năm các DN sẽ thoái theo mệnh giá hơn 19.779 tỷ đồng (tính sơ bộ theo giá trị niêm yết có thể mang lại tới gần 30.000 tỷ đồng).

Số liệu của Bộ KH&ĐT cho thấy, tổng số doanh nghiệp còn vốn nhà nước (không tính DN thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND TP.HCM, Tổng công ty SCIC, các DN bán vốn theo Quyết định riêng của Thủ tướng) là 375 doanh nghiệp với tổng vốn khoảng 108.502 tỷ đồng (tính theo mệnh giá).

Tổng số vốn dự kiến thoái từ năm 2017- 2020 theo mệnh giá là 64.457 tỷ đồng. Bộ KH&ĐT cũng dự thảo Danh mục DN cụ thể cần bán vốn theo từng năm, trong đó năm 2017 sẽ bán vốn tại 161 DN, năm 2018 là bán vốn tại 185 DN, năm 2019 tại 65 DN và năm 2020 là tại 25 DN.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng đối với những DN có quy mô vốn lớn có thể thực hiện thoái vốn thành một số đợt. Tuy nhiên, tỷ lệ thoái vốn mỗi đợt phải ở mức từ 20 - 36% tổng số vốn cần thoái để tạo sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Với doanh nghiệp sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, trường hợp cần thiết, nhà nước chỉ nắm giữ tối đa 51% vốn điều lệ. DN có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương và phục vụ chiến lược ngành, nhà nước chỉ nắm giữ tối đa 36% vốn điều lệ.

Năm 2017, trung bình mỗi bộ, ngành địa phương có từ 1 - 4 DN thoái vốn. Một số bộ, địa phương có số DN cần thoái vốn nhiều là: Bộ Công Thương 4 DN; Bộ Giao thông Vận tải 7 DN, Bộ Xây dựng 9 DN, UBND TP Hà Nội 17 DN; Bắc Giang 11 DN…

Các DN bộ, ngành địa phương chuyển về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để tiến hành thoái vốn là 11 DN; trong đó, một số doanh nghiệp lớn sẽ thoái vốn như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ thoái 20% vốn điều lệ. Tổng công ty Sông Hồng thoái 35% vốn điều lệ; Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC) thoái 49,65% vốn điều lệ, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội 47,8%...

Cũng theo dự thảo, có nhiều đơn vị thực hiện thoái vốn theo phương án riêng, không đưa vào danh mục này. Đó là các công ty nông, lâm nghiệp và các công ty thành viên của tập đoàn kinh tế, tổng công ty chưa thực hiện cổ phần hóa; DN thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, SCIC, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Bệnh viện Giao thông vận tải, Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam, Công ty Đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam và các DN khác có danh sách kèm theo.

Để đạt kết quả theo danh mục được phê duyệt, Dự thảo quy rõ trách nhiệm cho các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Dự thảo cũng nêu rõ, trong điều kiện thị trường không thuận lợi, tính đặc thù khách quan của từng bộ, ngành, UBND cấp tỉnh dẫn đến việc không thể thực hiện thoái vốn theo kế hoạch, bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, trước ngày 25 tháng cuối của quý và trước ngày 25/12 hàng năm, các đơn vị này phải gửi báo cáo về tình hình triển khai thực hiện đến Bộ Tài chính để tổng hợp, theo dõi.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có trách nhiệm hàng năm thực hiện rà soát và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020 cho phù hợp.