Tục xin nước lộc ở giếng làng vào đêm giao thừa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều làng quê Việt Nam có tục lệ lấy nước đêm giao thừa để cầu may mắn, đồng thời cảm ơn tổ tiên như ở thôn Giếng Đõ, Yên Sơn, Tuyên Quang hay làng Đụn Dương, làng Yên Thôn, Thạch Thất, Hà Nội.

Giếng làng Yên Thôn đêm giao thừa, ban thờ được thắp nhang, bày mâm ngũ quả và đồ lễ.
Giếng làng Yên Thôn đêm giao thừa, ban thờ được thắp nhang, bày mâm ngũ quả và đồ lễ.
Lấy nước giếng đúng vào giờ khắc thiêng liêng của đêm giao thừa là tập tục bao đời của dân làng Yên Thôn và Đụn Dương, huyện Thạch Thất với mong muốn cuộc sống sum vầy ấm no.

Nhiếp ảnh gia Lê Bích, người có nhiều năm tìm hiểu và chụp ảnh về giếng cổ, cho biết: "Đêm 30 năm 2013 tôi đến làng Yên Thôn, từ 11h đã thấy người dân đem theo xô chậu hay chai. Đúng thời khắc giao thừa, loa của làng phát lời chúc Tết của chủ tịch nước thì mọi người tuần tự thả gàu xuống giếng lấy nước lên, người thì đổ vào chai, hoặc xách cả xô về. Trước giếng có một bàn thờ để bày mâm ngũ quả, bánh chưng rất linh thiêng. Ai trước khi mang nước về cũng làm lễ ở đây".

Mỗi năm vào đêm 30, tục lấy nước kéo dài chỉ nửa tiếng từ thời khắc giao thừa, lấy nước xong, làm lễ ở bàn thờ giếng rồi mọi người lại về nhà làm lễ tiếp. Mỗi gia đình chỉ có một người đại diện đi xin nước ở giếng.

Trong tâm thức người Việt, làng nào có giếng thì đó là nơi "tụ thủy tụ phúc" của làng, nơi đất trời giao hòa và là nguồn mạch sự sống. Giếng không chỉ để lấy nước sinh hoạt mà còn là nguồn sống, bởi không có nước thì không tồn tại được. Nước từ các giếng cổ không còn thứ nước bình thường nữa mà là sự linh thiêng, lòng thành kính của thế hệ sau với tâm niệm về cuộc sống đủ đầy.

Theo lời kể của nhiếp ảnh gia Lê Bích khi anh tới nhà một người dân trong làng Yên Thôn, thấy họ đổ nước giếng vào chén, bát dâng lên bàn thờ như thứ nước lộc mang về sự sung túc cho gia đình. Ý nghĩa của tục lệ lấy nước đêm giao thừa chính là sự cầu phúc cho một năm mới bội thu mùa màng, của cải làm ra tràn đầy như nước đổ vào nhà. Một cao niên trong làng cho biết, tục lệ này còn để cám ơn những người mở cõi lập làng tạo ra giếng nước cho dân. Nghi lễ này đã kéo dài tới ngày nay từ khi có làng.

Đến thôn Giếng Đõ, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, mọi người lại được nghe kể về câu chuyện giếng làng và tục lấy nước của người Cao Lan.
Giếng Đõ ở thôn Giếng Đõ, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Giếng Đõ ở thôn Giếng Đõ, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Chuyện kể lại, vào năm 1909, có 3 gia đình người dân tộc Cao Lan họ Trần, Nịnh, Vương từ Yên Bái về tái định cư tại vùng đất này đã phát hiện một giếng nước trong, uống rất ngọt. Trong quá trình lấy nước ăn, họ nhìn thấy trong lòng giếng một cái đõ bằng gỗ, xung quanh có xếp 4 tấm đá lớn có hình mặt nhẫn. Do đó, bà con đặt tên giếng và thôn đều là Giếng Đõ. Giếng lúc nào cũng đầy nước trong veo suốt 4 mùa, nước mát lạnh vào hè còn mùa đông hơi nước từ giếng bốc lên rất ấm. Giếng Đõ được người dân coi như mạch huyết của làng.

Trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, từ 3 hộ dân buổi sơ khai, thôn Giếng Đõ hôm nay đã có hơn 110 hộ dân, 80% là người dân tộc Cao Lan. Ngày nay, tục lấy nước giếng đêm giao thừa ở thôn Giếng Đõ không chỉ của riêng người Cao Lan mà cả các dân tộc anh em khác cũng tới xin.

Theo một vị cao niên trong làng, tục xin nước phải được thực hiện đúng thời khắc giao thừa, bởi nếu lấy trước sẽ là "nước cũ", nếu lấy sau quá lại ít lộc hơn. Vì vậy, đêm giao thừa nào Giếng Đõ cũng tấp nập người dân xin nước. Trước khi ra giếng, mọi người đều thắp hương ở nhà và khấn đơn giản.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần