Tuyên truyền, phổ biến pháp luật: Đáp ứng nguyện vọng của đồng bào dân tộc

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2018, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào vùng dân tộc tiếp tục được TP Hà Nội quan tâm chỉ đạo, thực hiện thường xuyên. Hiệu quả của công tác đã và đang góp phần quan trọng ổn định chính trị - xã hội tại các địa phương.

 Một buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào vùng dân tộc xã Ba Vì, huyện Ba Vì. Ảnh: Lâm Nguyễn
Thực hiện nhiệm vụ TP giao, trong năm 2018, Ban Dân tộc TP Hà Nội đã chủ trì, tổ chức tổng cộng 26 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô. Theo đó, đã có hàng nghìn đồng bào thuộc 14 xã vùng dân tộc, bao gồm cả người có uy tín, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn – Phó Trưởng thôn, cán bộ làm công tác mặt trận các thôn, bản..., được trang bị những kiến thức cần thiết xung quanh các Luật: Đất đai, Tín ngưỡng - Tôn giáo, Hôn nhân & Gia đình, Giao thông đường bộ…

Ông Lý Văn Phủ - người có uy tín thôn Yên Sơn (xã Ba Vì, huyện Ba Vì) cho biết, thông qua các lớp tuyên truyền, cán bộ làm công tác dân tộc tại vùng sâu, vùng xa như ông đã có thêm những hiểu biết sâu sắc, được trang bị kiến thức hữu ích về pháp luật hiện hành. Nhờ đó, có điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Nhằm nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền, trước khi tổ chức các hội nghị, Ban Dân tộc TP Hà Nội phối hợp với UBND các xã thăm dò ý kiến, nắm bắt nhu cầu thông tin pháp luật, làm cơ sở xây dựng những chuyên đề riêng cho từng địa phương. Trên cơ sở đó, có kế hoạch, lựa chọn và mời những chuyên gia trong từng lĩnh vực pháp luật để tập huấn, phổ biến cho đồng bào. Điều này bảo đảm đáp ứng đúng và trúng nguyện vọng tiếp cận thông tin của đông đảo đồng bào vùng dân tộc.

Thạc sĩ Nguyễn Đắc Bình - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ủy ban Dân tộc) cho biết, trong các hội nghị, mỗi báo cáo viên cố gắng dẫn chứng những ví dụ minh họa cụ thể, gần gũi để đồng bào nắm bắt rõ hơn nội dung luật, cũng như thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chấp hành pháp luật. Bên cạnh đó, các báo cáo viên còn tích cực tương tác, trao đổi, giúp giải đáp trực tiếp những vấn đề khúc mắc mà nhiều đồng bào dân tộc gặp phải…

Theo Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh, việc nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào vùng dân tộc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Không chỉ nhằm ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, đây còn là tiền đề thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc. Chính vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, đa dạng hóa các hình thức thông tin với mục tiêu nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào vùng dân tộc vẫn sẽ là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên trong năm 2019. Ông Vinh cũng kiến nghị UBND TP Hà Nội tiếp tục quan tâm, bố trí kinh phí thực hiện công tác này.