Tỷ lệ nghèo vùng dân tộc cả nước còn trên 23%

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là thông tin được đề cập tới trong Báo cáo số 58/BC-UBDT của Ủy ban Dân tộc về đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật hành chính công thuộc lĩnh vực dân tộc, công tác dân tộc từ năm 2011 đến tháng 5/2017.

 Đời sống sản xuất của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Ba Vì vẫn còn rất khó khăn
Theo báo cáo được công bố mới đây, từ năm 2011 đến nay, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu và chủ trì soạn thảo 20 văn bản bao gồm: 2 quyết định của Chính phủ và 18 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Ủy ban Dân tộc đã ban hành 15 Thông tư và thông tư liên tịch đang còn hiệu lực. Hầu hết các văn bản được triển khai có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với tình hình các địa phương.
Tuy nhiên, quá trình triển khai chính sách pháp luật thuộc lĩnh vực dân tộc vẫn còn những khó khăn và chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Đến nay, tỷ lệ nghèo vùng dân tộc thiểu số vẫn chiếm trên 23%, cao gấp 4 lần so với bình quân chung cả nước. Nhiều nơi có tỷ lệ nghèo còn trên 50%. Số hộ cận nghèo chiếm trên 13%. Bên cạnh đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng còn nhiều vấn đề cần lưu tâm khác như: Tỷ lệ tảo hôn còn trên 26,6%; gần 21% đồng bào dân tộc độ tuổi trên 15 chưa biết đọc, biết viết chữ phổ thông; gần 7,5% số hộ hiện thiếu đất sản xuất…

Căn cứ kết quả thực hiện chính sách pháp luật về hành chính công, Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải đề nghị Quốc hội đưa dự án “Luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi” vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trưởng của Đảng, các quy định của Hiến pháp về công tác dân tộc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn hiện nay. Thứ trưởng Lê Sơn Hải cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua một số chính sách mới giai đoạn 2017 - 2021 do Ủy ban Dân tộc mới xây dựng nhằm thay thế Nghị định số 05/2011/NĐ-CP đã hết hiệu lực năm 2016.