Ứng dụng CNTT trong hoạt động du lịch tại Hà Nội: Bước “chạy đà” mạnh mẽ

Hồng Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành du lịch Thủ đô đang có những bước “chạy đà” mạnh mẽ trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động để mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách.

Xây dựng thành phố thông minh
Cùng với quỹ tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, Hà Nội đang nỗ lực triển khai chuỗi các giải pháp tổng thể, đồng bộ, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân và chất lượng dịch vụ du lịch. Trong đó phải kể đến việc triển khai chương trình trồng 1 triệu cây xanh trong 5 năm; cơ giới hóa việc thu gom và vận chuyển rác thải; nâng cao chất lượng nguồn nước, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng theo phương thức xã hội hóa; đầu tư thực hiện chương trình giảm thiểu ùn tắc giao thông; xây dựng trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội mang tiêu chuẩn y tế châu Âu, triển khai lắp đặt các trạm BTS thân thiện, tích hợp wifi đặt tại các giao lộ lớn...
 Du khách quốc tế "live Stream" tại phố đi bộ quanh Hồ Gươm, nơi TP Hà Nội phát wifi miến phí. Ảnh: Hồng Hạnh.
Cùng với đó, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của Thủ đô đang dần được xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện tăng trưởng các chỉ tiêu phát triển du lịch. Quỹ đất tại các vị trí đẹp ở khu vực trung tâm TP đã được ưu tiên đầu tư xây các công trình khách sạn cao cấp. Công tác phát triển các sản phẩm du lịch mới mang bản sắc riêng cũng được đẩy mạnh. TP đã khởi công xây dựng Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi Kim Quy huyện Đông Anh đạt tiêu chuẩn quốc tế; Khu công viên thể thao thuộc dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu, huyện Quốc Oai...; triển khai quy hoạch, đầu tư dự án bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề gốm sứ Bát Tràng và làng nghề dệt lụa Vạn Phúc thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế; nghiên cứu xây dựng phương án tổng thể quy hoạch khu vui chơi giải trí tại hồ Tây. Phấn đấu trong giai đoạn 2017 - 2020, trên địa bàn TP sẽ hình thành Trung tâm Triển lãm và Hội chợ Quốc gia tại khu vực Cổ Loa, Đông Anh; có từ 2 - 3 khu du lịch vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế; 2 - 3 điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế và 20 khách sạn 4 - 5 sao đi vào hoạt động tạo điểm nhấn cho du lịch Thủ đô. Đặc biệt, Hà Nội đang triển khai xây dựng và lắp đặt Trung tâm điều hành giao thông thông minh, góp phần giảm ùn tắc giao thông, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân và du khách, từng bước xây dựng chính quyền điện tử và TP thông minh. 
Hà Nội xác định, hệ thống du lịch thông minh là một trong những công cụ hữu hiệu để ngành du lịch phát triển đột phá như đã đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo; phấn đấu đến năm 2020, Hà Nội đón 30 triệu lượt khách, trong đó có 5,7 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trung bình từ 8 - 10%/năm; tổng thu từ khách du lịch đạt 120.000 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân từ 15 - 17%... Hiện, Sở Du lịch Hà Nội đang triển khai xây dựng hệ thống du lịch thông minh để cải thiện tính cạnh tranh về mặt công nghệ, tạo ra nhiều dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tăng tiện ích cho du khách.
Nhờ đó, ngành du lịch Thủ đô đã gặt hái được những thành công đáng ghi nhận. Theo thống kê của Sở Du lịch, 10 tháng năm 2017, Hà Nội đón gần 20 triệu lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế ước đạt gần 4 triệu lượt, tăng 26%; tổng thu từ du khách ước đạt gần 59.000 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2016.
Công cụ hữu hiệu
Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cho biết, ngành du lịch Hà Nội đã xây dựng 5 giải pháp cụ thể, có tính ứng dụng cao. Đó là, tập trung xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu dùng chung của ngành du lịch Hà Nội nhằm quản lý, thu thập và chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị trong nội bộ, giữa các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, giữa Sở Du lịch với người dân, DN. Đồng thời, xây dựng, đổi mới nội dung trang thông tin điện tử du lịch Hà Nội đáp ứng được chức năng liên kết, kết nối và là diễn đàn giữa nhà quản lý, người dân, du khách và DN toàn cầu.
Cùng với đó, Sở đang xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng viễn thông mạng wifi miễn phí tại các khu, điểm du lịch và cách khách sạn, nhà hàng trên địa bàn TP. Từ đó phục vụ nhu cầu kết nối internet, tiếp cận thông tin nhanh chóng của người dân và du khách. Mặt khác, xây dựng bản đồ số về du lịch Hà Nội theo công nghệ GIS nhằm số hóa và tích hợp các lớp dữ liệu của ngành theo một cơ chế thống nhất, phục vụ cho công tác quy hoạch và quản lý du lịch nói riêng và phát triển hệ thống bản đồ số của TP và quốc gia nói chung. Người dân và khách du lịch sẽ là những đối tượng được hưởng lợi đầu tiên từ ứng dụng này, bởi họ có thể tiếp cận thông tin về Hà Nội một cách nhanh chóng và trực quan nhất.
Đặc biệt, Hà Nội đang xây dựng phần mềm ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động có tên gọi "myHanoi" để phục vụ du khách. Ứng dụng này tích hợp bản đồ số du lịch Hà Nội, các “thượng đế” có thể tìm kiếm những thông tin hữu ích một cách chủ động trong suốt chuyến đi, từ việc tra cứu các thông tin cơ bản, các sự kiện đang và sắp diễn ra, lịch trình chuyến bay, tàu xe... tới việc kết nối du khách với các điểm đến, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, cơ sở mua sắm...
Những bước “chạy đà” mạnh mẽ trong việc ứng dụng CNTT của Hà Nội sẽ ngày càng mang đến nhiều trải nghiệm lý thú cho du khách, đồng thời, nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch Thủ đô. 
Đi tắt, đón đầu
 Phó Tổng giám đốc Công ty du lịch HanoiRestours Nguyễn Công Hoan
Theo đánh giá của Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch HanoiRedtours Nguyễn Công Hoan, Hà Nội đang đi tắt, đón đầu trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động du lịch, bước đầu cho thấy hiệu quả.
Ông đánh giá thế nào về vai trò của việc ứng dụng CNTT vào hoạt động du lịch trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ?
- Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thực chất là ứng dụng công nghệ vào mọi mặt của kinh tế đời sống chính trị, xã hội... Đây là xu hướng tất yếu trên toàn cầu và Việt Nam nói chung, Hà Nội không nằm ngoài quy luật đó. So với các ngành công nghiệp khác, du lịch là ngành mới, nên việc ứng dụng công nghệ sẽ nhanh và dễ dàng hơn so với các ngành truyền thống khác. Thực tế, phạm vi của du lịch rất rộng, nó không chỉ giới hạn ở một DN, địa phương hay đất nước mà mang tính chất toàn cầu. Do đó, khi ứng dụng CNTT vào hoạt động du lịch, những khó khăn về khoảng cách địa lý, thời gian, không gian sẽ được giải tỏa.
Tại Hà Nội, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động du lịch đang ở mức độ nào, thưa ông?
- Hiện nay, Hà Nội đang đi tắt, đón đầu trong việc ứng dụng CNTT vào hoạt động du lịch. Hầu hết những công nghệ mới nhất phục vụ du lịch đều đã được ngành du lịch Thủ đô tiếp cận và ứng dụng, bước đầu cho thấy những hiệu quả rõ nét. Đơn cử như việc bán vé máy bay, phòng khách sạn qua các trang điện tử giúp cắt giảm chi phí qua các khâu trung gian nên giá thành hạ rất nhiều.
Xin ông chia sẻ rõ hơn về những ích lợi của việc ứng dụng CNTT vào hoạt động du lịch hiện nay?
- Nhờ ứng dụng CNTT, du lịch Thủ đô đã và đang quảng bá rộng, nhanh, hiệu quả hơn với đa dạng hình thức và chi phí thấp hơn. Nếu như trước đây, chúng ta chỉ quảng bá qua website, thì nay, hình thức “live stream” (phát trực tiếp) cho các sự kiện gây được hiệu ứng rất tốt. Hay, không cần tổ chức hội thảo, hội nghị ở nước ngoài, chúng ta vẫn hoàn toàn có thể thuyết trình về sản phẩm, điểm đến qua các thiết bị điện tử. Cùng với đó, việc ứng dụng CNTT giúp chúng ta nghiên cứu, đánh giá và tìm hiểu được tâm lý du khách qua các hình thức thăm dò ý kiến. Từ đó, xây dựng sản phẩm và phương thức quảng bá đến từng thị trường, đối tượng sao cho phù hợp nhất. Đặc biệt, ứng dụng CNTT còn giúp sự tương tác giữa công ty du lịch, nhà cung cấp dịch vụ với du khách dễ dàng, nhanh chóng thông qua các hình thức thanh toán, visa điện tử. Thêm nữa, tại nhiều bảo tàng ở Hà Nội, việc trang bị hệ thống thuyết minh tự động, không chỉ giúp giảm tải được áp lực thiếu thuyết minh viên tại điểm mà còn giúp du khách được tìm hiểu đúng những vấn đề họ quan tâm mà không phụ thuộc vào hướng dẫn viên…
 Người dân xem thông tin du lịch tại phố sách Hà Nội. Ảnh:  Minh Sơn
Ở góc độ DN du lịch, việc ứng dụng CNTT có khó khăn gì không, thưa ông?
- Thực tế, tại Hà Nội chỉ có một số ít DN lớn đẩy mạnh ứng dụng CNTT, còn lại, hầu hết các DN vừa và nhỏ chưa có nhiều nguồn lực để ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào hoạt động du lịch. Do đó, TP Hà Nội cần có nhiều chính sách hỗ trợ DN để họ tiếp cận, ứng dụng CNTT bằng nhiều hình thức. Chẳng hạn, có những phần mềm miễn phí cho DN, còn những giá trị gia tăng khác DN tự bỏ chi phí. Đồng thời, để việc ứng dụng CNTT trong hoạt động du lịch đạt hiệu quả thì cần sự triển khai, kết nối chặt chẽ và đồng bộ giữa các DN, giữa ngành du lịch với các bên liên quan như: Hàng không, khai báo hải quan, xuất nhập cảnh, thuế... Bởi, nếu một trong các bên muốn làm việc bằng phương thức truyền thống thì cả bộ máy ứng dụng CNTT sẽ bị ách tắc.
Xin cảm ơn ông!
Hồ Hạ thực hiện