Ưu tiên xử lý các vụ xâm hại trẻ em

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ LĐTB&XH vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc việc triển khai và phối hợp thực hiện công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, xử lý các vụ xâm hại trẻ em tại địa phương.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan, tại một số địa phương, việc thực hiện trách nhiệm, bảo vệ trẻ em, hướng dẫn, hỗ trợ cha mẹ, gia đình có trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục (XHTD), bạo lực gây hậu quả nghiêm trọng chưa được triển khai kịp thời. Không chỉ thế, việc tiếp nhận, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em chưa được ưu tiên, thậm chí kéo dài, khiến các gia đình lo lắng, gây bức xúc trong nhân dân và dư luận xã hội.

 Ảnh minh họa xâm hại tình dục trẻ em. Nguồn : internet 
Thực hiện ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc bảo vê, phòng ngừa trẻ em bị xâm hại, Bộ LĐTB&XH đề nghị các địa phương tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa XHTD và bạo lực đối với trẻ em cho cha, mẹ, các thanh viên trong gia đinh, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người trực tiếp làm việc với trẻ em.
Cùng với việc thông tin về Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567, các địa phương thiết lập đầu mối tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác và xác lập cơ chế phối hợp phòng ngừa, xử lý vụ việc xâm hại trẻ em tại địa phương.
Bộ LĐTB&XH đề nghị các địa phương kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban điều hành và Nhóm công tác liên ngành bảo vệ trẻ em cấp tỉnh, huyện, xã; xây dựng và thưc hiện Đề án bố trí, nâng cao năng lực, ổn định đội ngũ người làm công tác bảo vệ trẻ em ở địa phương, đặc biệt là cấp xã. Đồng thời có điều chỉnh, bổ sung chương trình, kế hoạch của địa phương, xác định cụ thể ngân sách hàng năm thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 2361/QĐ-TTg ngày 22/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ.
Về việc củng cố dịch vụ bảo vệ trẻ em, các địa phương rà soát, đánh giá hoạt động, quy hoạch các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em công lập và ngoài công lập. Song song là kiện toàn hoặc thành lập các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên biệt như: Trung tâm công tác xã hội hoặc Trung tâm công tác xã hội trẻ em cấp tỉnh hoặc cấp huyện. Và, phát triển các mô hình điểm tư vấn bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, điểm tham vấn bảo vệ trẻ em trong trường học; khuyến khích những tổ chức xã hội, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ, đăng ký hoạt động cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Cùng với việc thực hiện công tác bảo vệ trẻ em, các địa phương ưu tiên phòng ngừa, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em. Trong đó, phân công cụ thể trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp phòng ngừa, xử lý các vụ xâm hại trẻ em cho các sở, cơ quan, đơn vị, UBND các cấp. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em và xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân che giấu, không thông báo và tố cáo hành vi xâm hại trẻ em. Các địa phương triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 với chủ đề “Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”.