Nêu gương chính là tạo động lực trong công việc, đẩy lùi những biểu hiện trì trệ, lười biếng, ỷ lại và những tiêu cực khác, đó chính là phương thức, nhân tố tiên quyết lấp đi những “lỗ hổng” trong văn hóa chính trị hiện nay.
Trách nhiệm tự thân
Như TS Nguyễn Viết Chức (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc Hội) đã chỉ ra, sự thiếu hụt về văn hóa trong chính trị đang biểu hiện ở nhiều hiện tượng từ cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, đến vô cảm, hạch sách, nhũng nhiễu dân… Để lấp đầy sự thiếu hụt ấy, việc nêu gương chính là một phương thức.
Nghiên cứu của các chuyên gia cũng như thực tiễn cũng cho thấy, niềm tin của người dân đối với Đảng, hệ thống chính trị thực chất là niềm tin vào những cá nhân, những chức danh cụ thể trong bộ máy. Trong thời đại công nghệ thông tin, hình ảnh các nhà lãnh đạo đều được “soi” rất kỹ, việc tốt, việc xấu của họ đều được lan truyền rất rộng, rất nhanh.
|
Cán bộ UBND phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Công Hùng |
Vì thế, nếu người cán bộ biết làm gương, biết giữ gìn hình ảnh của chính mình cũng là giữ gìn hình ảnh của tập thể, bồi đắp văn hóa chính trị của cá nhân mình cũng như nơi mình làm việc. Bởi thế, cán bộ giữ chức vụ càng cao, trách nhiệm nêu gương càng phải được coi trọng. Nêu gương cũng là cách lãnh đạo hiệu quả nhất. Việc thực hiện nghiêm ở trên sẽ tạo sức lan tỏa, thuyết phục lớn xuống phía dưới, trên nghiêm nhất định dưới nghiêm, trên gương mẫu nhất định dưới theo.
Theo GS Hoàng Chí Bảo (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), trong xây dựng văn hóa chính trị, muốn cho tình hình được chuyển biến tốt hơn, nhanh hơn, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải nêu cao trách nhiệm gương mẫu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu ở các cấp, các ngành.
Gương mẫu ở đây phải được hiểu là hành động tự thân, tự giác của mỗi cán bộ các cấp trong việc rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng. Phải thấm nhuần và thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ: Muốn hướng dẫn Nhân dân thì cán bộ, đảng viên phải làm mực thước trước cho người khác làm theo và “Một tấm gương có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Đề cập đến quan điểm, Nghị quyết của Đảng về nêu gương, về sàng lọc đảng viên thể hiện rất rõ tinh thần văn hóa trong chính trị, TS Nguyễn Viết Chức cũng chỉ ra: Bác dạy người đảng viên phải “khổ trước thiên hạ, sướng sau thiên hạ”, “phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” là dạy thứ văn hóa chính trị cao nhất, bản chất nhất, thiết thực và dễ hiểu nhất.
“Đảng viên đi trước, làng nước mới theo sau”, nếu đảng viên, cán bộ ăn chơi phè phỡn, xa hoa… sống xa dân, sống trên dân, thì không còn văn hóa chính trị của Đảng nữa. Không còn văn hóa chính trị của người cán bộ thì làm sao còn niềm tin nơi dân chúng?! “Cái gốc văn hóa chính trị nằm ở đó chứ không phải văn hóa là những thứ “văn hóa xa lạ, khua chiêng gõ trống ồn ào!” - TS Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.
Văn hóa nêu gương
Từ trước đến nay, thực tế có rất nhiều nhà lãnh đạo, quan chức các cấp đã nêu gương trong sạch, liêm khiết, điều đó tạo ra niềm tin rất lớn cho cấp dưới, niềm tin cho xã hội. PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo (nguyên trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí&Tuyên truyền) nhận định: Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên hết sức quan trọng. Bởi không phải lúc nào tổ chức cũng ở bên mình, không phải lúc nào tự thân mỗi người có thể nhận ra được khuyết điểm của mình. Một khi đã ý thức, tự tu dưỡng, sẽ luôn luôn ý thức công việc của mình, mình làm được đã đúng chưa, có vì dân chưa, việc làm của mình có tổn hại đến lợi ích chung của tập thể không…
|
Học viên lớp cán bộ nguồn tại trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công |
Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, cán bộ là phải trung thực, nêu gương, gương mẫu, giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sáng của mình. Càng làm càng phải có trách nhiệm với dân, phải thể hiện cái cốt cán, gương mẫu của một người cán bộ, một người đầy tớ trung thành với người dân. Dù là cán bộ có chức hay cán bộ không có chức đi nữa cũng phải thể hiện là một tấm gương trong sáng, gương mẫu, thực hiện tốt những điều Bác Hồ đã dạy, cán bộ là phải liêm khiết.
Cùng với “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng” ra đời năm 2018, trước đó nhiều nghị quyết, quy định về nêu gương cũng đã được ban hành. Từ Quy định của T.Ư, mỗi bộ, ban, ngành, địa phương đã và đang cụ thể hóa thành các quy định, chuẩn mực đạo đức phù hợp với tính chất, đặc thù công việc, giúp cho cán bộ, đảng viên dễ thực hiện và thực hiện hiệu quả.
Tại Hà Nội, các cơ quan, đơn vị cũng cụ thể hóa thành các nghị quyết, kế hoạch gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của TP. Trong đó, có yêu cầu, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện tốt “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP”.
Đồng thời, nêu gương trong công việc, được phân công, thực hiện tốt nhất việc lãnh đạo, quản lý. Đặc biệt, nêu gương trong đạo đức lối sống, bắt đầu ngay từ những việc nhỏ, cụ thể hàng ngày, trong từng công việc, sinh hoạt... của mỗi cán bộ, đảng viên, đồng thời duy trì thành nền nếp, thói quen tốt, trở thành nét văn hóa trong đời sống của mỗi cán bộ, đảng viên.
Việc thực hiện những quy định nêu gương không chỉ giúp hình thành đội ngũ cán bộ có đạo đức, có văn hóa, mà chính những tấm gương sáng về nhân cách, lối sống giản dị, liêm khiết, có ảnh hưởng sâu sắc và rộng lớn đến những giá trị đạo đức của toàn xã hội. Để xây dựng văn hóa chính trị, nêu gương chính là nhân tố tiên quyết. Như các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ, nếu làm tốt việc nêu gương thì hiệu quả vô cùng to lớn, bởi nó có sức lan tỏa và thuyết phục bằng sức mạnh của niềm tin, sự yêu mến, cảm phục.
Những vụ việc cán bộ sa ngã vừa qua chính là bài học hết sức quý báu, rất xác đáng dành cho những ai đang đương chức, đương quyền. Bài học đó để làm gương, để làm sao mỗi cán bộ phải có một đạo đức, một tấm lòng trong sáng, phải có tâm, có tầm, có sự trung thực. Nếu ai đã làm sai thì cố gắng phấn đấu để sửa sai, để làm lại cho tốt hơn.
GS Hoàng Chí Bảo (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Gương mẫu, hành vi đạo đức cao đẹp nhất Sự gương mẫu của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, chính là hành vi đạo đức cao đẹp nhất, có sức thuyết phục và lan tỏa sâu rộng nhất đối với quần chúng, đối với cộng đồng. Đảng muốn trong sạch về đạo đức, thì trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, đề cao lòng tự trọng, tính liêm sỉ, biết cảnh giác và tránh xa “cái bả” ham muốn vật chất và chạy theo “tiền tài danh vọng”. Đồng thời, tự nguyện đặt lợi ích của cá nhân mình vào lợi ích chung của tập thể, cộng đồng và xã hội. Nếu bản thân cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo mà thiếu tư cách đạo đức thì không những làm tổn hại đến thanh danh, uy tín của Đảng, mà còn không lãnh đạo, giáo dục được quần chúng.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội - TS Nguyễn Viết Chức: Làm cho cái tốt lấn át cái xấu Nghị quyết của Đảng về trách nhiệm nêu gương và nghị quyết về sàng lọc đảng viên đang là những việc làm thiết thực thể hiện tư tưởng xây dựng văn hóa trong chính trị. Bởi văn hóa trong chính trị, trước tiên phải là văn hóa trong Đảng. Đấu tranh chống tham nhũng, chống suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của “bộ phận không nhỏ”, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh là thực hành văn hóa trong chính trị. Nền chính trị đề cao việc nêu gương, làm cho cái tốt lấn át cái xấu, cái thiện thắng cái ác, cái chân thực lấn át cái giả dối, đó chính là thứ văn hóa trong chính trị cần thiết nhất hiện nay.
Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - PGS.TS Phạm Quang Long: Cán bộ nêu gương tốt sẽ khiến cấp dưới tin cậy Ông cha ta từ xưa đến nay đã có nhiều cách để chọn đào tạo và bồi dưỡng người tài. Đến ngày nay, chúng ta làm đồng bộ hơn là đề ra các nghị quyết, chủ trương về quy hoạch cán bộ, nhưng cũng giống như việc chiêu mộ hiền tài, tiến cử người tài, thi ra trị nước như ông cha ta ngày xưa. Công việc quy hoạch, luân chuyển về bản chất mục tiêu là sàng lọc, bồi dưỡng người tài. Đó là chủ trương rất đúng và cần. Nhưng rõ ràng trong cách thể hiện ở đâu đó còn chưa chọn được những người tài đích thực, các tiêu chí nó vẫn không sát thực tế. Cán bộ Đảng viên phải thấm nhuần khẩu hiệu: Trung thành với Đảng, trung thành với đất nước, trung thành với Nhân dân (cái nào lên đầu thì cần phải suy nghĩ). Mục tiêu cuối cùng là làm sao để cán bộ bên cạnh tài còn cần phải có đức, để luôn là người gương mẫu, nêu gương trước Nhân dân. Cán bộ nào nêu gương tốt thì có lợi, sẽ tạo được uy tín trong cán bộ cơ quan, khiến cấp dưới tin cậy và chú tâm cộng tác, đó là phần thưởng rất lớn cho cán bộ. (Hà Bình ghi) |