[Văn hóa Hồ Chí Minh sáng mãi với đời thường] Bài 2: Không có gì lớn hơn Nhân dân

Giao Hưởng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hồ Chí Minh là một nhà văn hoá lớn chính bởi sự kết hợp hài hoà giữa dân tộc với quốc tế, giữa giai cấp với nhân loại, giữa truyền thống với hiện đại trên cơ sở chủ nghĩa nhân văn vì hạnh phúc và sự hoàn thiện của con người. Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Bác Hồ kính yêu (19/5/1890 - 19/5/2020), Kinh tế & Đô thị trân trọng giới thiệu tới bạn đọc loạt ghi chép Văn hóa Hồ Chí Minh sáng mãi với đời thường.

Bài 2:  Không có gì lớn hơn Nhân dân
Ông Nguyễn Văn Phượng (SN 1927 người xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương), nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An nghỉ hưu, trú khối Bình Yên, phường Hưng Bình, TP Vinh. Thời gian sau làm cán bộ văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An, từ công việc văn phòng Tỉnh ủy, ông được gặp Bác ba lần. Và những câu chuyện về Bác luôn là những kỷ niệm không thể nào quên trong ông.
Bác Hồ thăm quê lần thứ nhất 1957, đi cùng là đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Bí thư Khu ủy Liên khu IV, đồng chí Nguyễn Trường Khoát - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.
Năm 1956 Nghệ An đang tập trung khắc phục quá tả trong cải cách ruộng đất, Hà Tĩnh khắc phục quá tả trong chỉnh đốn tổ chức. Ngày 2/9/1956, Khu ủy Liên khu IV mời các đảng viên lão thành 1930 - 1931 dự Lễ Quốc khánh tổ chức tại Hội trường Tỉnh ủy Nghệ An.
Sau khi kết thúc buổi lễ, đồng chí Đặng Thí - Bí thư Liên khu ủy IV mời các đảng viên lão thành 1930 - 1931 nán lại đàm luận những việc làm quá tả trong cải cách ruộng đất tại Nghệ An, cũng như quá tả trong chỉnh đốn tổ chức tại Hà Tĩnh. Xong đàm luận, Ban tổ chức Lễ kỷ niệm tiến hành tặng quà và mời các bác đảng viên lão thành lên ô tô để đưa các bác về nhà. 
Nhưng lạ thay, các đảng viên lão thành không nhận quà cũng không lên xe, các bác nêu nguyện vọng muốn được gặp Bác Hồ tại Vinh hoặc tại Hà Nội để trực tiếp phản ánh lên Bác những việc làm quá tả trong cải cách ruộng đất và trong chỉnh đốn tổ chức Đảng để lại oan trái cho một số đảng viên lão thành và một bộ phận lương dân. Trước nguyện vọng của các đảng viên lão thành, trong khuôn khổ quyền hạn, lãnh đạo Liên Khu ủy IV chỉ biết ghi nhận và đề xuất lên Bác.
Được Bác đồng ý, hôm sau đồng chí Nguyễn Chí Thanh vào Vinh truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bác, theo đó đoàn đảng viên lão thành Nghệ - Tĩnh ra gặp Bác tại Hà Nội, số lượng không quá 10 người. Cơ quan Liên Khu uỷ cử ông Phượng - cán bộ Văn phòng tỉnh uỷ Nghệ An phục vụ đoàn đảm nhiệm vụ ghi chép kiêm hậu cần. Là cán bộ văn phòng chưa đầy 30 tuổi, được một suất theo đoàn đảng viên lão thành bậc cha, chú ra Hà Nội gặp Bác Hồ là diễm phúc lớn.
 Bác Hồ thăm quê lần thứ nhất 1957 cùng đi có cán bộ tỉnh ủy Nghệ An và nhân dân.
Ngày 8/9/1956, đoàn có mặt tại 54 Nguyễn Du - Trụ sở Đảng Lao động Việt Nam. Trong khi đoàn đang chờ vào gặp Bác, các đồng chí Nguyễn Tạo-Tổng cục Lâm nghiệp, bà Hà Thị Quế đến thăm đoàn và chụp ảnh kỷ niệm. Mọi người vui vẻ đứng trên bậc tam cấp Trụ sở 54 Nguyễn Du để thợ ảnh chụp. Về sau Văn phòng T.Ư giao tấm ảnh duy nhất ấy cho bác Hoàng Văn Đường. Mấy chục năm sau nhận thấy sức khoẻ đã yếu nhiều, bác Hoàng Văn Đường nhờ người cháu làm thư ký văn xã UBND tỉnh mang tấm ảnh đến tận nhà giao cho ông Phượng với lời dặn:
- Gắng bảo quản lưu giữ tấm ảnh quý cho các thế hệ sau.
Lúc 14 giờ ngày 8/9/1956 xe đón đoàn đến Nhà khách số 3 Mai Xuân Thưởng để vào gặp Bác. Xe chở đoàn đến Nhà khách, nhìn vào phòng thấy trên bàn đã bày 11 chiếc ly uống trà, hộp đựng trà, bao thuốc lá. Mọi người tập trung trước cửa thấp thỏm chờ Bác. Lát sau Bác đến, thấy đoàn vỗ tay nồng nhiệt Bác ra hiệu không vỗ tay, ánh mắt Bác trĩu nặng nỗi oan sai của đồng bào, đồng chí. Đoàn đảng viên lão thành thấy vậy lặng lẽ theo Bác vào phòng khách, Bác nói đủ ngần ấy người nghe:
- Mời các cô các chú ngồi.
Bác ngồi phía đầu bàn, đồng chí Nguyễn Duy Trinh - Chánh Văn phòng T.Ư ngồi cạnh, Bác hỏi:
- Chú nào tố cáo sai về cải cách ruộng đất? Chú nào tố cáo sai về chỉnh đốn tổ chức? Chú nào bị tra tấn cùm kẹp ? Chú nào bị tuyên án xử tử?
Bác nói tiếp:
- Báo cáo của các cô các chú, Bác và T.Ư đọc cả rồi, bây giờ mời các cô các chú uống nước!
Trong lúc mọi người trân trọng nâng chén trà thơm. chẳng hiểu vô tình hay cố ý, Bác gạt nhẹ ngón tay làm đổ chén nước trước mặt. Bác hỏi:
- Trước đây các cô các chú có hoạt động bí mật không?
- Dạ thưa Bác có ạ!
- Hoạt động bí mật là vô vàn hiểm nguy, có thực dân Pháp, có Việt gian, có lính Nam triều... thế mà ta vẫn làm được. Kháng chiến chống Pháp ta cũng làm được. Bây giờ làm cải cách ruộng đất lại phạm một số sai lầm. Mục đích của Đảng làm cải cách ruộng đất là đưa ruộng về cho dân cày, đưa nhà cửa cho người nghèo khổ. Trong bầu trời này không có gì lớn hơn Nhân dân, đó là tối thượng! Cải cách ruộng đất để đưa ruộng về cho dân cày, chủ trương của Đảng, của Bác là như vậy, các cô các chú thấy đúng không?
- Dạ đúng ạ!
- Trong việc làm của cấp dưới có sai, đã sai thì phải sửa nhưng không thể sửa hết được những cái sai. Lần này T.Ư họp bàn sửa sai, phải trả lại đúng thành phần.
Dừng một lát Bác nói tiếp:
- Các cô, các chú thấy đó, chén nước của các cô các chú giữ được thì các cô các chú được uống. Chén nước của Bác vô ý làm đổ mất rồi giờ có muốn lấy lại cũng không thể được. Bây giờ T.Ư không thể vào làm thay Nghệ-Tĩnh để sửa sai, vai trò chính là các Chi bộ!
Các đảng viên lão thành uống từng lời Bác nói, Bác hỏi đồng chí Nguyễn Duy Trinh:
- Bao nhiêu thời gian rồi chú?
- Thưa Bác 25 phút ạ!
Bác bảo:
- Thế nhé, ngày mai chú nói Văn phòng cho xe đưa các cô các chú ra Viện mắt, khám xong tặng mỗi người một cặp kính để đọc sách, đọc báo cho thấu hiểu đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước. Trước khi Đoàn trở về Nghệ, Văn phòng bố trí đưa các cô các chú đi xem Nhà máy điện, Nhà máy diêm!
Mọi người nói:
- Thưa Bác, Nghệ - Tĩnh vừa bị lụt bão vừa bị thiên tai, công việc đang bề bộn, xin Bác cho phép đoàn về để cùng anh em ở nhà lo sửa sai!
Bác cười đôn hậu:
- Các chú, các cô rất tốt!
Mọi người chia tay Bác với tâm trạng lưu luyến cảm phục vô cùng.
Chỉ 25 phút được gặp Bác, thế mà cả một núi bức xúc trong các đảng viên lão thành mang từ Nghệ - Tĩnh ra đã được giải toả thấu lý trọn tình. Chuyện lần đầu được gặp Bác, ông Phượng bảo qua động tác nhỏ “chén nước đổ” hàm chứa tư tưởng lớn, đó là: Nhìn cây thấy rừng, nhìn rừng thấy cây. Đoàn đảng viên lão thành Nghệ - Tĩnh tạc dạ ghi lòng truyền cho lớp cháu con một bài học lớn.
(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần