[Văn hóa từ thiện - cùng bàn và làm] Bài 4: Câu chuyện Thủy Tiên và một quy trình chuẩn

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Con số 178,541 tỷ đồng được quyên góp trong vòng gần 2 tháng, sau đó được trao tận tay hỗ trợ 61.532 hộ dân, xây dựng 3 cầu dân sinh, 175 căn nhà xây mới, 10 nhà cộng đồng tránh bão lũ, 10 xuồng máy cứu hộ của Thủy Tiên rất cần được nhìn nhận nghiêm túc.

Xu thế xã hội
Tại Việt Nam, xu hướng làm công tác nhân đạo xã hội ngày càng phát triển, theo tinh thần người người làm từ thiện, nhà nhà làm từ thiện. Bên cạnh tổng giá trị hoạt động nhân đạo của các cấp Hội Chữ thập đỏ với 8 triệu hội viên trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt trên 2.409 tỷ đồng (bằng 56% tổng giá trị hoạt động của cả năm 2019) thì còn có nhiều cá nhân, tổ chức khác tham gia làm tự thiện với số tiền khá lớn.

Bên cạnh Hội Chữ thập đỏ, hiện ngày càng xuất hiện sự chuyên nghiệp trong công tác từ thiện. Ngoài các đoàn nhỏ lẻ, đã xuất hiện các quỹ uy tín như “Trò nghèo vùng cao” của nhà báo Trần Đăng Tuấn, hay các nhóm như Áo ấm biên cương, Vì ta cần nhau, Xe Bus yêu thương hay mới đây là nhóm Thủy Tiên… ngày càng được cộng đồng tin tưởng.
 Thủy Tiên là một trong những sao Việt nhiệt tình tham gia từ thiện khi lũ lụt miền Trung xảy ra. Nguồn: FBCN
Tinh thần tương thân, tương ái của đồng bào chúng ta là không có giới hạn. Nhưng khi mở rộng thành phần tham gia các hoạt động từ thiện thì đã bộc lộ khá nhiều bất cập. Trong hoàn cảnh đó, các cá nhân người nổi tiếng đứng ra làm từ thiện “tự phát” bằng uy tín cá nhân của mình là hiện tượng tất yếu của xã hội. Bài viết này sẽ đề cập nhiều đến vấn đề làm thế nào để có thêm nhiều ngày càng nhiều cá nhân tham gia làm công tác từ thiện.

Thực tế, đối với các cá nhân làm từ hiện thì tất cả các khâu: Khảo sát, lập danh sách, tổ chức quyên góp, điều phối và phân phát đều đang “trăm hoa, đua nở”, không theo bất cứ khuôn mẫu nào hết. Thực tế cho thấy, hiếm có cá nhân, tổ chức nào có thể làm từ A-Z tất cả các quá trình của hoạt động từ thiện. Thậm chí, một số cá nhân, đoàn thiện nguyện quy mô nhỏ chỉ thực hiện một vài khâu, không cần sự điều phối của chính quyền địa phương.

Nhớ lại hành trình kêu gọi ủng hộ miền Trung của MC Phan Anh 4 năm trước. Khi đó, nam MC cũng kêu gọi quyên góp cho người dân miền Trung gặp khó khăn vì bão, bản thân Phan Anh đóng góp 500 triệu đồng. Anh đã quyên góp với số tiền lên đến 24 tỷ đồng, thực tế MC Phan Anh đã gặp rắc rối, chịu nhiều nghi vấn về việc giải ngân số tiền đó.

Đến giờ câu chuyện Thủy Tiên kêu gọi quyên góp, ủng hộ và lập đoàn trực tiếp đi cứu trợ tại 7 tỉnh miền Trung trong 40 ngày rất đáng để chúng ta nhìn nhận, phân tích một cách nghiêm túc cả mặt được và chưa được khi sửa đổi Nghị định 64/2008. Điều gì khiến Phan Anh, Thủy Tiên và nhiều cá nhân khác đang vướng khi thực hiện công tác từ thiện? Điều gì khiến cho Thủy Tiên thành công hơn? Con số tiền được quyên góp 178.541.500.000 và tổng số 61.532 hộ dân được giúp cùng 3 cầu dân sinh được xây dựng, 175 căn nhà xây mới, 10 nhà cộng đồng tránh bão lũ, 10 xuồng máy cứu hộ đều rất lớn vượt qua suy nghĩ của rất nhiều người.

Trong hoàn cảnh chính sách pháp luật của Việt Nam về hoạt động từ thiện của các tổ chức, cá nhân phi nhà nước còn chưa được hoàn chỉnh, thì cần ủng hộ, tạo điều kiện cho những hoạt động như của Thủy Tiên. Nhưng làm thế nào để bảo vệ người làm công tác từ thiện cũng là cả một vấn đế lớn cần trao đổi và đi đến thống nhất.

Trước hết, phải nói trong hoạt động cứu trợ vừa qua, vợ chồng Công Vinh - Thủy Tiên đã biết cách tổ chức và lập kế hoạch phân phối hàng cứu trợ một cách khá bài bản. Ngoài 2 thành viên tích cực Tee và Dũng, trong vai “trợ lý cứu trợ thiên tai lũ lụt” thì Thủy Tiên đã biết cách liên hệ với các đồng chí lãnh đạo cao nhất của các tỉnh để bảo đảm an toàn cho hành trình, phát tiền tận tay người dân. Đây có lẽ một cách tiếp cận địa phương đầy kinh nghiệm của cặp vợ chồng này.

Đúng như Thuỷ Tiên thừa nhận: “Cảm ơn chính quyền địa phương cấp tỉnh, huyện, xã, thôn đã giúp đỡ Tiên rất nhiều nếu không có sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương Tiên khó mà trao tận tay bà con nhanh đến như vậy. Cảm ơn các đồng chí công an các tỉnh đã hỗ trợ rất nhiều để số tiền lớn này đến tận tay người dân khó khăn thật an toàn”.

Vài vấn đề đặt ra

Tuy nhiên, bên cạnh sự đánh giá cao của cộng đồng, Thủy Tiên liên tục bị đặt nghi vấn về ba vấn đề: Sự minh bạch, về nguyên tắc trong giải ngân, và về cách hành xử, thái độ trong phân phát quà từ thiện. Vì những lý do đó, mà Thủy Tiên có nhiều anti fan, và thậm chí đỉnh điểm làn sóng kêu gọi tẩy chay các nhãn hàng mà ca sĩ này quảng cáo. Tất nhiên, không loại trừ nhiều anti fan kêu gọi phản ứng vì lý do cá nhân, không muốn cộng đồng đánh giá và ghi nhận sự nỗ lực của cô ca sĩ lâu nay im hơi, lặng tiếng trên sân khấu.

Trước hết phải khẳng định, quyền được tiếp nhận trợ giúp nhân đạo và được cung cấp trợ giúp nhân đạo, đó là một nguyên tắc nhân đạo cơ bản mà tất cả các công dân của các quốc gia cần có. Câu chuyện chúng ta cần bàn, vậy những đối tượng nước ngoài, Việt kiều có thể tổ chức các đoàn cứu trợ như Thuỷ Tiên hay không? Nếu tổ chức thì cần các điều kiện gì?

Chúng tôi không đi sâu, phân tích theo kiểu thanh tra, kiểm toán các chứng từ, ghi chép mà Thủy Tiên đã công khai sau 40 ngày đi làm từ thiện. Bài viết chỉ muốn đề cập sâu đến tính pháp lý của vấn đề theo hướng tìm những bất cập của thực tế và hệ thống pháp luật hiện có.

Về mặt pháp luật, khi anh A chị B nào đó gửi tiền cho Thủy Tiên thì đây là quan hệ tặng cho tài sản theo quy định tại BLDS hay đây là quan hệ tặng cho (có điều kiện) hay quan hệ ủy thác, ủy quyền? Nếu nhìn nhận số tiền hàng trăm tỷ mà Thủy Tiên có được trong tài khoản đơn thuần là quan hệ tặng cho tài sản thì việc quy định chỉ cứu trợ cho các gia đình lụt sâu 1m hay bao nhiều đơn thuần là ý muốn chủ quan của đoàn cứu trợ tại hiện trường. Nói cách khác theo như luật sư Trần Duy Cảnh (TP. Hồ Chí Minh) khi: “Em Tiên lấy tiền vốn đã thuộc sở hữu của em để cho tặng cho ai là quyền của em. Miễn bàn”.

Còn không thì “"ôm" cục tiền trăm tỷ kiểu này (giao dịch dân sự có đủ cả Offer - kêu gọi góp tiền làm từ thiện, và Acceptance- Góp tiền) lắm khi cũng giống như ôm bom. Vì vậy, bất kể bản chất của quan hệ là gì, nếu chủ tài khoản nhận tiền sử dụng tiền không đúng mục đích (không thỏa mãn điều kiện) và/hoặc không minh bạch, thì lại chuốc phiền vào thân”. Một vấn đề đã có 2 góc nhìn khác nhau và chịu sự điều chỉnh của pháp luật cũng khác nhau:

Đơn giản hơn: Đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm xác nhận số tiền Thuỷ Tiên giải ngân đến nay cũng chưa có sự thống nhất của chính đoàn Thuỷ Tiên và dư luận. Trong số 22 văn bản xác nhận mà Thủy Tiên cung cấp: Có 17 văn bản đóng dấu của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các địa phương khác nhau; có 3 văn bản đóng dấu của UBND các cấp, các địa phương khác nhau; Có 1 văn bản đóng dấu của Ban Dân vận (Quảng Ngãi); có 1 văn bản của Sở lao động thương binh và xã hội. Như vậy, có đến 18/22 văn bản là được ký bởi các tổ chức chính trị và tổ chức chính trị- xã hội. Chỉ có 4/22 văn bản tạm có thể gọi là thuộc phạm vi chính quyền ký. Phải chăng chỉ cần có con dấu là đủ?

“Trong lúc làm việc có nhiều áp lực, nhiều lúc sẽ có sự sai sót xảy ra khiến mọi người hiểu lầm hay buồn gì Tiên thì cho Tiên thật lòng xin lỗi nhé ạ. Nhân vô thập toàn, mong mọi người rộng lượng bỏ qua ạ”, bản thân Thủy Tiên đã chia sẻ điều này. Bản thân người viết cũng cho rằng, Thủy Tiên đang làm từ thiện bằng chính uy tín của mình mà nói cho cùng thì uy tín thì không cần trưng bất cứ giấy tờ gì bảo đảm. Những hình ảnh như Thủy Tiên cần được cộng đồng ủng thay vì bới móc nhưng tiểu tiết để hỗ trợ được nhiều hơn cho người dân vùng lũ lụt.

(còn nữa)

Đã đến lúc cần có nghị định hướng dẫn

"Nhìn chung, để làm tốt công tác từ thiện, các đoàn từ thiện cần bám sát các bước:

Bước 1: Khảo sát lập hồ sơ đối tượng - "địa chỉ nhân đạo" gặp khó khăn, địa bàn bị thiên thai. Bước 2: Chốt danh sách/hồ sơ "địa chỉ nhân đạo" tại địa bàn (phối hợp với chính quyền cơ sở, cán bộ LĐXH và đại diện các đoàn thể...). Bước 3: Vận động cộng đồng trợ giúp các địa chỉ cụ thể theo hồ sơ khảo sát. Bước 4: Thực hiện sự trợ giúp nhân đạo, từ thiện (trợ giúp bằng tiền có thể trao theo tháng/quý; trợ giúp bằng gạo trao theo tháng; trợ giúp công sức). Bước 5: Kiểm tra, giám sát, đánh giá quá trình thực hiện cuộc vận động, trong đó chú ý thông báo công khai việc quá trình thực hiện.

Như vậy, đã đến lúc Chính phủ cần có nghị định hướng dẫn các cơ quan, đoàn thể, tổ chức nào có trách nhiệm tham gia cùng các đoàn từ thiện để mọi việc đều được công khai, minh bạch và hiệu quả hơn. Khi đó, không chỉ Thủy Tiên mà bất cứ cá nhân, tổ chức nào muốn làm từ thiện, đều thuận lợi hơn nhiều." - Nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An Hoàng Thị Quỳnh Anh


Sẽ không quên những giọt nước mắt, nụ cười...

"Hành trình đi khắp 7 tỉnh miền Trung hỗ trợ bà con vùng lũ đã qua đi, nhưng những ký ức xuyên suốt chuyến đi cuộc đời ấy bản thân mình và những người tham gia có lẽ khó có cơ hội trải qua thêm một lần nào nữa. Đó là những ngày dầm mưa, đi trong lũ lụt, cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào không ai hay, những bữa ăn muộn, đói run cầm cập, là những giấc ngủ chập chờn không yên...

Chúng tôi sẽ khắc ghi sự giúp đỡ, đồng hành của những người bạn lần đầu gặp gỡ; nhớ mãi bữa cơm trưa với lương khô và mì tôm sống; sẽ không quên những giọt nước mắt, nụ cười và cái bắt tay của những người dân khắc khổ...

Tôi tự hào đã cùng anh Công Vinh và chị Thủy Tiên làm được nhiều việc có ích cho đồng bào miền Trung, cho quê hương tôi. Không có gì có thể ngăn tôi làm công tác từ thiện, tôi đã, đang và sẽ tiếp tục có mặt tại các địa điểm mà người dân cần sự hỗ trợ của cả cộng đồng." - Anh Nguyễn Hữu Dũng - thành viên đoàn cứu trợ Thuỷ Tiên (Đông Hùng ghi)

Đối với các quỹ từ thiện uy tín (bất kể công và tư) trên thế giới đều hình thành bộ phận điều hành chuyên nghiệp. Điều này nhằm bảo đảm công tác từ thiện được thực hiện một cách minh bạch và hiệu quả, vừa để bảo đảm những đồng tiền từ thiện của người dân được sử dụng đúng mục đích, vừa bảo vệ chính những người đứng ra làm từ thiện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần