Văn Miếu - Quốc Tử Giám sắp mở cửa vào ban đêm?

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Theo kế hoạch, vào quý IV/2023 phố đi bộ trên đường Văn Miếu sẽ đi vào hoạt động. Việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào tour đêm để kể chuyện đạo học là một trong những nhiệm vụ được đặt ra tại tọa đàm diễn ra vào sáng 25/4 tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Tọa đàm “Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám (1988-2023): Kết quả và định hướng hoạt động” diễn ra nhân dịp 35 năm thành lập đơn vị này.

Từ một di tích xuống cấp…

Ngày nay, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành địa chỉ thu hút du khách trong và ngoài nước.
Ngày nay, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành địa chỉ thu hút du khách trong và ngoài nước.

Nhớ lại 35 năm trước, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin (nay là Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội) cũng kiêm chức vụ Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám khi đơn vị này bắt đầu được thành lập, PGS Nguyễn Vĩnh Cát nhắc kỷ niệm vừa mừng vừa buồn: Hoạt động văn hóa đầu tiên của Trung tâm là Tết Xuân năm 1989 là hội chợ ở sân Thái Học, với các quầy hàng Tết, lều viết chữ - cho chữ… Dự định tổ chức Hội thi Người đẹp Hà Nội ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (chỉ mặc áo tứ thân, áo dài đương đại, không mặc áo tắm) cũng không thành. Lúc ấy cũng không có ngân sách cho các hoạt động của Trung tâm, vị Giám đốc này đã phải đi vay 60 triệu để làm Tết Xuân nhưng khi đang diễn ra thì lều chính giữa lại bị cháy… Đó là những kỷ niệm đáng nhớ thuở ban đầu.

Theo các nhà khoa học, từ năm 1991-2000, TP mới có ngân sách để tu bổ và phát huy giá trị của di tích có hơn 700 năm hoạt động với chức năng là trung tâm giáo dục cao cấp đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam thời kỳ quân chủ (1076-1802), khoa thi Hán học cuối cùng vào năm 1919. Sự bảo tồn cần thiết này đã chấm dứt thời kỳ xuống cấp kéo dài, tất cả các hạng mục của di tích đều được bảo quản và trùng tu đảm bảo đúng nguyên tắc của công tác bảo tồn, không làm biến dạng, sai lệch kết cấu của các công trình, cổng Tam quan, Khuê Văn Các, điện Đại Thành, giếng Thiên Quang, xây dựng khu Thái học, phục dựng Phương đình và tôn tạo gò Kim Châu, hồ Văn...

Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết: Nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học  được tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám để phát huy giá trị của di tích, gắn với giá trị hiếu học, tôn sư trọng đạo tôn trọng nhân tài. Các cuộc trưng bày, triển lãm được tổ chức tại Trung tâm ngày càng đi vào bài bản, mang tính chuyên nghiệp hơn và tạo nên những hiệu ứng tích cực đối với giới chuyên môn cũng như khách tham quan. Việc đón tiếp các đoàn khách tham quan, đặc biệt là các đoàn khách ngoại giao của Đảng, Nhà nước và TP luôn chu đáo, trọng thị và an toàn, góp phần tạo hình ảnh tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam.

Ứng dụng công nghệ vào tour đêm

Ứng dụng công nghệ 3D Mapping kể câu chuyện lịch sử và đạo học đã được trình diễn thử nghiệm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Ứng dụng công nghệ 3D Mapping kể câu chuyện lịch sử và đạo học đã được trình diễn thử nghiệm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám

PGS Nguyễn Vĩnh Cát nhớ lại “Đã có thời gian hoạt động văn hóa ban đêm tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám như: Đêm hội thơ, đêm vinh danh đạo học… tạo nên ánh áng đẹp mắt, không khí trong lành”. PGS Nguyễn Vĩnh Cát mong muốn điều này tiếp tục được duy trì. Ông Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch Công ty Vietsoft Pro chia sẻ: Hiện tại, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp với công ty thực hiện số hóa 82 bia tiến sĩ và các công trình tiêu biểu, cũng như số hóa các triển lãm chuyên đề, số hóa cuộc đời các danh nhân và truyền thống đạo học ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Năm 2023, đơn vị triển khai hệ thống trải nghiệm kính thực tế ảo, đang tiến hành triển khai tour trải nghiệm đêm theo hình thức ứng dụng chiếu sáng nghệ thuật và công nghệ 3D Mapping kể câu chuyện lịch sử và đạo học... Đây là những sản phẩm hy vọng sẽ tạo nên dấu ấn tour đêm tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Phát huy giá trị khu vực hồ Văn là một trong những nhiệm vụ sắp tới của Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Phát huy giá trị khu vực hồ Văn là một trong những nhiệm vụ sắp tới của Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Tại tọa đàm, các đơn vị, tổ chức, nhà khoa học đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm phát huy giá trị di sản Văn Miếu – Quốc Tử Giám. PGS.TS Đặng Văn Bài đề xuất, cần đẩy mạnh phát huy giá trị khu Nội tự, hồ Văn khi đã hoàn thành tu bổ, trước mắt cần sớm có hoạt động vào ban đêm ở hai khu này. Nhà Phương đình ở đảo Kim Châu, hồ Văn có thể tổ chức làm nơi ngâm thơ, đọc thơ, bình thơ, cũng có thể tổ chức những đêm ca trù, hát văn... Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa và văn hóa sáng tạo tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, thu hút nguồn lực tài chính để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, quản lý kiến trúc đô thị các khu phố xung quanh tạo sự hài hòa với di tích...

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám gắn liền với giáo dục Nho học Việt Nam, trở thành đỉnh cao và biểu tượng của nền giáo dục, đồng thời là khu di tích lịch sử văn hóa quảng bá những giá trị văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị khu di tích không chỉ là trách nhiệm của ngành Văn hóa Thủ đô mà cần sự chung tay của các cấp, ngành, các nhà khoa học và của cả cộng đồng.