Văn Toàn chia tay Seoul E-Land: Lối đi nào cho cầu thủ Việt xuất ngoại?

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau Quang Hải chia tay Pau FC (Pháp), tiền đạo Nguyễn Văn Toàn chính thức nói lời chia tay với Seoul E-Land (Hàn Quốc), khép lại hành trình 9 tháng “xuất ngoại” không thành công tiếp theo.

Gập ghềnh đường xuất ngoại

Ngày 15/9, CLB Seoul E-Land của Hàn Quốc chính thức kết thúc hợp đồng với tiền đạo Nguyễn Văn Toàn. Cầu thủ sinh năm 1996 có 9 tháng đầu quân cho đội bóng của Hàn Quốc. Đây được đánh giá là chuyến đi không thành công đối với cựu cầu thủ của HAGL.

Văn Toàn chia tay Seoul E-Land FC.
Văn Toàn chia tay Seoul E-Land FC.

Trước đó, Văn Toàn rời HAGL và đầu quân cho Seoul E-Land FC ở K-League 2, được huấn luyện viên sử dụng tổng cộng 11 trận với tổng thời lượng 425 phút, nhưng không ghi được bàn thắng và chỉ có 1 đường kiến tạo. Càng về cuối mùa giải, Văn Toàn không được thi đấu nhiều tại Seoul E-Land FC. Có lẽ, đó là lý do mà Văn Toàn và Seoul E-Land FC đường ai nấy đi khi mùa giải năm nay khép lại. Hành trình của Văn Toàn khép lại chứng tỏ khoảng cách giữa bóng đá Việt Nam với các nền bóng đá tiên tiến trong châu lục cũng như thế giới. Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, Văn Toàn không phải là lần đầu tiên có cầu thủ được các CLB nước ngoài để ý và chiêu mộ. Năm 2001, tiền đạo Lê Huỳnh Đức sang Trung Quốc đầu quân cho CLB Chongquin Lifan.

Nguyễn Việt Thắng cũng từng được gửi sang câu lạc bộ Porto B vào năm 2005 sau khi bị treo giò 3 năm. Người được cho là thành công nhất tính đến thời điểm này chính là tiền đạo Lê Công Vinh. Cầu thủ người Nghệ An không chỉ một mà những hai lần xuất ngoại, khi đầu quân cho Leixoes của Bồ Đào Nha năm 2009 và Consadole Sapporo của Nhật Bản năm 2013.

Văn Toàn kiến tạo cho Tuấn Hải ghi bàn trong trận giao hữu của tuyển Việt Nam với tuyển Palestine.
Văn Toàn kiến tạo cho Tuấn Hải ghi bàn trong trận giao hữu của tuyển Việt Nam với tuyển Palestine.

Văn Toàn là lứa cầu thủ nhận được sự kỳ vọng của người hâm mộ sau khi trưởng thành từ lò đạo tạo của HAGL. Cựu tiền đạo của HAGL thuộc lứa “cầu thủ vàng” dưới thời HLV Park Hang-seo khi giành những thành tích ấn tượng. Ngoài Văn Toàn còn có Văn Hậu, Văn Lâm, Xuân Trường, Quang Hải, Công Phượng cũng tìm đường “xuất ngoại” với mục đích tìm môi trường thi đấu cao hơn so với trong nước. Tuy nhiên, Văn Hậu đầu quân cho đội bóng ở châu Âu một cách rầm rộ cũng phải kết thúc hành trình, Quang Hải – ngôi sao của bóng đá Việt Nam cũng phải chia tay đội bóng nước Pháp là Pau FC. Trước đó, Xuân Trường vầ Văn Lâm cũng “quay xe” trở về khoác áo Bình Định và Hải Phòng. Hiện tại, chỉ còn duy nhất Công Phượng đang thi đấu tại nước ngoài, khoác áo cho Yokohama FC.

Việc các cầu thủ ra nước ngoài thi đấu đang là xu hướng tất yếu trong sự phát triển bóng đá của mỗi quốc gia. Sự kỳ vọng là điều thấy rõ mỗi khi một cầu thủ “xuất ngoại”, nhưng với bóng đá Việt Nam lúc này phải đối diện với một thực tế “không phải chặng đường nào cũng trải bước trên hoa hồng”.

Nhìn Quang Hải, Văn Toàn… nghĩ tới Công Phượng

Văn Toàn và Công Phượng là đôi bạn thân, cùng trưởng thành từ lò đạo tạo của HAGL. Người hâm mộ chưa thể quên những tình huống đi bóng lắt léo và bàn thắng tinh tế của Công Phượng tại giải U19 Đông Nam Á 2014 cũng như bứt tốc “thần gió” của Văn Toàn trong màu áo của HAGL, U23 Việt Nam cũng như tuyển Việt Nam.

Công Phượng ghi bàn trong trận giao hữu của tuyển Việt Nam với tuyển Palestine.
Công Phượng ghi bàn trong trận giao hữu của tuyển Việt Nam với tuyển Palestine.

Gắn bó cả thanh xuân với HAGL, đến thời điểm được tự quyết cả hai đã lựa chọn hướng đi riêng cho mình. Thời điểm năm 2019, Công Phượng sang Incheon United Hàn Quốc nhưng Văn Toàn quyết định gắn bó với đội chủ sân Pleiku. Nhưng mới đây nhất, cả hai đều xuất ngoại cùng thời điểm nhưng hiện tại chỉ còn Công Phượng trụ lại tại Nhật Bản. Thực tế, dù đang thi đấu tại nước ngoài nhưng Công Phượng dường như không nằm trong kế hoạch của H LV Shuhei Yomoda và đội bóng Nhật Bản. Kể từ khi khoác áo Yokohama FC, Công Phượng mới thi đấu 3 phút ở thời gian bù giờ trong trận đấu gặp Nagoya ở Cúp quốc gia Nhật Bản.

Tiền đạo Văn Toàn Công Phượng và tiền vệ Quang Hải đều là những cầu thủ xuất sắc của bóng đá Việt Nam. Nhưng việc ra nước ngoài thi đấu và chiếm được vị trí trong đội hình chính của các CLB là điều xa xỉ và khi Quang Hải, Văn Toàn có quyết định trở về thi đấu tại V-League thì Công Phượng cũng đến lúc phải cân nhắc khi đang ở đội chín của sự nghiệp.

Quang Hải khoác áo CAHN sau khi chia tay Pau FC.
Quang Hải khoác áo CAHN sau khi chia tay Pau FC.

Ở trận đấu giao hữu giữa tuyển Việt Nam và tuyển Palestine, Công Phượng và Văn Toàn đều toả sáng khi được HLV Troussier trao cơ hội ở hiệp 2. Tuy nhiên, HLV người Pháp cũng chỉ đánh giá “chấp nhận được” đối với cá nhân Công Phượng bởi việc không được thi đấu sẽ là nguyên nhân “thui chột” tài năng của mỗi cầu thủ, đặc biệt HLV tuyển Việt Nam nhấn mạnh mỗi cầu thủ cần chơi tối thiểu 40 trận mỗi mùa.

“Tôi đã trao đổi và khuyên Công Phượng tốt nhất là nên tự cho mình thêm cơ hội ở môi trường CLB. Yêu cầu của tôi là các cầu thủ phải nhiệt huyết hơn, nỗ lực trên sân, nhất là thời điểm không có bóng. Hiện tại ở V-League, một số cầu thủ đá ở vị trí tiền đạo cũng đang được chơi thường xuyên. Việc trao cơ hội cho Công Phượng và Văn Toàn thi đấu ở tuyển Việt Nam khiến cả hai phải hiểu cần tìm kiếm cơ hội để thi đấu sòng phẳng ở cấp CLB, để cạnh tranh với những cầu thủ cùng vị trí khi lên tuyển Việt Nam” – HLV Troussier nhấn mạnh.

Rõ ràng, việc trao cơ hội cho cầu thủ ở một trận đấu giao hữu là điều bình thường và khi bước vào giải đấu chính thức sẽ không có sự thử nghiệm nào. Điều này buộc những cầu thủ như Công Phượng, Văn Toàn phải biết tìm hướng đi cho mình, đó là việc ra sân thường xuyên, có vị trí chủ chốt trong đội hình CLB trước khi nghĩ đến ở tuyển Việt Nam.

Quang Hải đã về đầu quân cho CAHN để có chức vô địch V-League 2023, Văn Toàn lựa chọn Nam Định ở mùa giải 2024 và Công Phượng cũng đến lúc phải lựa chọn sự an toàn cho bản thân để hướng đến đường dài dù vẫn còn 2 năm hợp đồng với Yokohama FC ở J-League.