Vị bác sĩ ngoại khoa và những lần thót tim cứu người bệnh

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với những căng thẳng, áp lực và nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực nhưng 20 năm khoác áo blouse trắng, bác sĩ Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1979) - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn (Hà Nội) vẫn thầm lặng gánh trên vai sứ mệnh cao cả chữa bệnh cứu người.

Quyết tâm, bền bỉ với ước mơ trở thành bác sĩ

Vốn được các bạn đồng trang lứa gọi bằng cái tên thân thương “bác sĩ Cường” từ khi còn đi học, bác sĩ Nguyễn Văn Cường chia sẻ với chúng tôi, khi còn là học sinh cấp 3, anh đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành bác sĩ, được khoác trên mình màu áo blouse trắng để được chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Cũng chính xuất phát từ trong cuộc sống hàng ngày, anh thấy có những mảnh đời cần sự giúp đỡ, cần được chăm sóc sức khỏe. Vì thế, anh mong muốn được đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp chăm lo sức khỏe Nhân dân, đóng góp cho xã hội và đất nước. Và đây cũng là lý do bạn học cùng lớp vẫn thường gọi anh với cái tên thân thương ấy.

Quyết tâm, bền bỉ với ước mơ trở thành bác sĩ chữa bệnh cứu người của chàng trai trẻ ngày nào đã thành hiện thực. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y dược Hải Phòng, vị bác sĩ trẻ về công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn từ đó đến nay.

Bác sĩ Cường thăm khám cho bệnh nhân.
Bác sĩ Cường thăm khám cho bệnh nhân.

Trong những năm làm nghề, bác sĩ Cường luôn chú trọng nghiên cứu khoa học, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn qua các khóa học, thường xuyên tham gia các hội thảo nhằm học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm để phục vụ Nhân dân.

20 năm làm nghề gắn bó với Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn từ khi ra trường cho đến nay, trải qua bao thăng trầm, với vô vàn khó khăn, thách thức, có lẽ, với vị bác sĩ trẻ chuyên khoa Ngoại chẳng thể nào quên câu chuyện đáng nhớ năm 2012.

Xúc động nhớ lại câu chuyện của một người đàn ông bị tai nạn lao động “có một không hai” và cũng là người không may nhiễm HIV, bác sĩ Cường kể: Đó là một nam bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn bằng xe tải trong tình trạng nặng, cả 2 chân được bao phủ bởi gạch, bị dính vào trong máy đùn gạch. Bệnh nhân sốc nặng do mất nhiều máu…

Trước cảnh tượng đó, ai cũng e dè không dám lại gần bệnh nhân. E ngại hơn khi tất cả đều biết nam bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, trong khi máu của bệnh nhân chảy rất nhiều.

Trong hôm định mệnh đó, cảm nhận sự đau đớn đến tột cùng của bệnh nhân, bác sĩ Cường bình tĩnh lại gần ô tô trực tiếp gây tê tại chỗ, ga rô vết thương cho bệnh nhân.

Lúc đó, bệnh nhân bị tổn thương rất nặng, máu chảy rất nhiều nên khó tránh khỏi việc máu chảy dính vào quần áo, chân, giày của bác sĩ Cường. Khi bác sĩ đang mải miết sơ cấp cứu cho bệnh nhân trên ô tô tải, bỗng có tiếng nói ở dưới vọng lên: “Bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS đấy!”.

Bất giác, thoáng trong đầu vị bác sĩ trẻ có chút giật mình, nghĩ rằng, biết đâu mình sẽ bị nhiễm HIV từ ca bệnh này nhưng giờ bệnh nhân ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

“Cơ hội sống của bệnh nhân lúc ấy rất mong manh, tôi không thể không cứu bệnh nhân. Nếu không may mình lỡ bị lây nhiễm HIV/AIDS thì tôi cũng phải chấp nhận” – bác sĩ Cường tự nhủ.

Bác sĩ Cường cùng êkip phẫu thuật cho bệnh nhân.
Bác sĩ Cường cùng êkip phẫu thuật cho bệnh nhân.

Nghĩ rồi, bác sĩ Cường bảo mọi người xung quanh đứng ra ngoài và anh bắt tay vào cứu bệnh nhân H. Thật may mắn, bệnh nhân đã được bác sĩ Cường cứu sống kịp thời dù đôi chân không thể lấy lại được. Sau niềm vui của bệnh nhân là nỗi buồn của vị bác sĩ trẻ khi biết tin mình bị phơi nhiễm HIV.

Lúc ấy, tinh thần, tâm lý của anh vững vàng, lạc quan lắm nhưng ít nhiều sức khỏe cũng bị ảnh hưởng, chức năng gan kém hơn... Kiên trì với công tác xét nghiệm, bác sĩ Cường vui mừng khôn xiết khi nhận được kết quả âm tính với HIV.

Hay đó là những lần cứu sống bệnh nhân khi bệnh nhân là tài xế taxi bị các đối tượng cướp taxi, cứa cổ đến mức “bệnh nhân thở ra đằng cổ” -  theo lời bác sĩ Cường. Duyên trời định, tình cờ, có lần vị bác sĩ trẻ lại lên chuyến taxi của bệnh nhân ấy.

Nhận ra vị ân nhân đã cứu sống mình, anh tài xế đã cảm ơn bác sĩ rối rít. “Những lúc ấy, tôi thấy thật ấm lòng và hạnh phúc” – bác sĩ Cường mỉm cười chia sẻ.

Quyết định đúng đắn trong giây phút sinh tử

Với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề cùng kiến thức vững vàng, mỗi khi gặp trường hợp cấp cứu chấn thương nặng, bác sĩ Cường luôn đưa ra những chỉ đạo kịp thời và luôn là người cầm dao mổ chính trong các ca phẫu thuật phức tạp ấy.

 Như trong năm 2021, trường hợp anh D.T.H. (41 tuổi, trú tại Thái Nguyên, trong khi làm việc tại công trường, anh bị ống cống bê tông do cần cẩu đang nâng lên va đập vào bụng, khiến bệnh nhân đau bụng dữ dội, bệnh nhân được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn.

Bác sĩ Nguyễn Văn Cường - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn (Hà Nội) thường xuyên đi buồng thăm khám trực tiếp người bệnh tại các khoa.
Bác sĩ Nguyễn Văn Cường - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn (Hà Nội) thường xuyên đi buồng thăm khám trực tiếp người bệnh tại các khoa.

Qua thăm khám lâm sàng và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết chẩn đoán xác định: Chấn thương bụng kín - vỡ tạng rỗng. Bác sĩ Cường nhận định, đây là tình trạng cấp cứu nguy hiểm tính mạng người bệnh, cần phẫu thuật can thiệp sớm để cầm máu, tránh viêm phúc mạc do máu và dịch tràn trong ổ bụng.

Ngay sau đó, kíp mổ đã tiến hành khâu nối ruột xử trí chảy máu mạc treo, khâu kín lỗ thủng ở mạc treo ruột cho bệnh nhân.

Trong năm 2022, bệnh viện tiếp nhận một nam bệnh nhân 23 tuổi, sau tai nạn giao thông xe máy và ô tô, bệnh nhân được vào viện cấp cứu trong tình trạng: Lơ mơ, đau nhiều, có nhiều vết thương,… Sau khi thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng, chẩn đoán xác định: Gãy 1/3 xương đùi phải, gãy 1/3 xương trụ phải, gãy 1/3 xương mác phải.

Đây là trường hợp đa chấn thương, gãy nhiều xương lớn, mất máu nhiều, dễ dẫn đến sốc trụy tim mạch, nên lãnh đạo bệnh viện và các bác sĩ trong kíp trực đã quyết định phẫu thuật kết hợp xương khẩn cấp để đảm bảo an toàn tính mạng cho người bệnh.

Gần đây nhất, tháng 9/2023, Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn tiếp nhận nam bệnh nhân N.T.M., 19 tuổi, sau tai nạn giao thông, vào viện trong tình trạng lơ mơ, da niêm mạc nhợt, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được, bụng chướng.

Sau thăm khám, siêu âm thăm dò tại giường, chẩn đoán; sốc mất máu do vỡ lách độ V. Lãnh đạo bệnh viện lập tức kích hoạt hệ thống báo động đỏ nội viện để tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho người bệnh.

“Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã hút khoảng 3000ml máu tươi lẫn máu cục trong ổ bụng, lách vỡ nhiều mảnh. Với những trường hợp vỡ lách gây chảy máu trong ổ bụng có thể gây tử vong rất nhanh nếu không xử lý khẩn trương” – bác sĩ Cường chia sẻ.

Bệnh nhân M. được chăm sóc và điều trị tại Khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn
Bệnh nhân M. được chăm sóc và điều trị tại Khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn

Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn nằm trên địa bàn huyện Sóc Sơn với dân số đông, nhiều nút mạch giao thông chạy qua nên bệnh viện thường xuyên tiếp nhận và xử trí ban đầu các ca cấp cứu phức tạp với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Với mỗi bệnh nhân có một bệnh lý, tình huống xử lý riêng. Điều quan trọng là người lãnh đạo nhận ra “thời điểm vàng” để đưa ra quyết định đúng đắn, sáng suốt trong giây phút sinh tử của bệnh nhân.

Là một bác sĩ khi thấy bệnh nhân còn khả năng cứu sống, cần phải cấp cứu ngay, bởi các chỉ số sinh tồn đang bị ảnh hưởng. Nếu chậm, bệnh nhân sẽ bị sốc không hồi phục khi đó, bệnh nhân không còn cơ hội cứu chữa.

Vì vậy, việc cấp cứu xử trí ban đầu rất quan trọng với người bệnh. Trước ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, đòi hỏi các y bác sĩ cần quyết định sáng suốt, nhanh chóng can thiệp điều trị để cứu sống người bệnh.

Là một người lãnh đạo vừa giỏi quản lý vừa giỏi chuyên môn, động lực của bác sĩ Cường duy nhất vẫn luôn vì mục tiêu chung là phát triển chuyên môn và giúp đỡ bệnh nhân.

Bác sĩ Cường cho rằng, để hoàn thành 2 nhiệm vụ song song, công tác đào tạo là quan trọng. Do đó, bác sĩ Cường không quên đào tạo cho các y bác sĩ trẻ để khi có nhiệm vụ, các y bác sĩ cùng chung tay triển khai, có thể đảm đương được các công việc, nhất là công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Cũng chính vì lẽ đó, bác sĩ Cường thường xuyên đi buồng thăm khám trực tiếp người bệnh tại các khoa, đồng thời truyền đạt những kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ bác sĩ trẻ, đưa ra những chỉ đạo cụ thể để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng người bệnh.

2 thập kỷ khoác trên vai màu áo blouse trắng, bác sĩ Nguyễn Văn Cường vẫn luôn giữ cho mình ngọn lửa đam mê, lòng nhiệt huyết, giỏi tay nghề luôn đưa ra quyết định đúng đắn trong giây phút sinh tử những chỉ đạo kịp thời và luôn là người cầm dao mổ chính trong các ca phẫu thuật phức tạp.

Trong 20 năm làm  nghề, niềm vui lớn nhất của vị bác sĩ ở tuổi 44 là được cống hiến, khám và điều trị cho người dân, mãn nguyện khi nhìn thấy bệnh nhân khỏe mạnh trở về cuộc sống đời thường.