Vì sao bạo lực gia đình vẫn tồn tại?

Nguyễn Xuân
Chia sẻ Zalo

KInhtedothi - Bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối trong đời sống xã hội. Thực tế, có rất nhiều trường hợp phụ nữ và trẻ em được điều trị tại các bệnh viện do nạn bạo lực gia đình gây nên.

Những vết thương của họ không chỉ đơn thuần là vết thương cơ thể mà ẩn sâu là nỗi đau tinh thần khó nguôi ngoai.
Chị Nguyễn Thị Vinh, 35 tuổi, trú tại một huyện ngoại thành Hà Nội có hơn chục năm chung sống với người chồng tối ngày say xỉn. Quanh năm, chị đầu tắt mặt tối, hết việc đồng áng lại quay sang chạy chợ. Vất vả là vậy nhưng chị không có một ngày được ngơi nghỉ, bởi chồng chị triền miên chìm trong những cơn say rồi về đánh đập, chửi bới vợ con, phá hoại đồ đạc trong gia đình. Hàng xóm láng giềng quá quen với việc này nhưng không ai dám có ý kiến hay can thiệp vì sợ rắc rối và cho rằng đó “là chuyện nhà người ta”. Ngay bản thân chị Vinh cũng chọn cách im lặng, chịu đựng thói bạo lực của chồng như một lẽ… bình thường.
 Ảnh minh họa.
Thống kê của Vụ Gia đình (Bộ VHTT&DL) tại Việt Nam, 5 năm trở lại đây, số vụ bạo lực gia đình được ghi nhận khoảng 20.000 vụ/năm và mức độ bạo lực ngày càng nghiêm trọng. “Ai cũng biết bạo lực gia đình là phạm pháp nhưng nó vẫn tồn tại phổ biến”- PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án Quân sự T.Ư chia sẻ. Cũng theo PGS.TS Trần Văn Độ, bạo lực gia đình xuất phát từ hai hai nguyên nhân chính là do ý thức tuân thủ pháp luật thấp và tư tưởng phong kiến lạc hậu đã ăn sâu, bám rễ vào không ít gia đình Việt Nam.

Luật sư Phan Trung Hoài - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam bày tỏ, việc tồn tại hành vi bạo lực gia đình chủ yếu là do nền tảng nhận thức pháp luật còn mơ hồ trong một bộ phận người dân. Những người này chưa tích lũy đủ hiểu biết pháp luật, chưa có điều kiện tiếp xúc hoặc công tác giáo dục pháp luật trong gia đình, nhà trường chưa cao dẫn đến có những hành vi bạo lực đối với người thân của mình.

Đồng quan điểm trên, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Hồ Xuân Hương cho biết, trước hết phải khẳng định bạo lực gia đình là hành vi thiếu ý thức tôn trọng pháp luật. Có lúc, có nơi còn chưa xử lý nghiêm hành vi này và dư luận xã hội chưa lên án sâu sắc, thêm nữa nạn nhân của bạo lực gia đình, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em còn có thái độ cam chịu, không tố cáo, thậm chí băn khoăn không biết đến đâu để tố cáo hay tố cáo với ai. Những lý do trên khiến bạo lực gia đình còn tồn tại và gây nên nhiều nỗi đau cho xã hội.

Trước tình trạng bạo lực gia đình ngày càng gia tăng, Việt Nam đã và đang nỗ lực trong hành động phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ. Pháp luật, chính sách về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống mua bán người đã được ban hành. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân đã được đẩy mạnh. Các mô hình hoạt động hỗ trợ người dân đã được triển khai… Tuy nhiên, hoạt động phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ vẫn cần sự chung tay vào cuộc của không chỉ các cấp, các ngành mà còn của toàn xã hội.

Tại Hà Nội, tính đến hết tháng 10/2017 đã có 437 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình/584 tổng số xã, phường, thị trấn. Công tác can thiệp, xử lý vi phạm trong các vụ việc bạo hành gia đình cũng được thực hiện, góp phần ngăn ngừa những vụ việc bạo lực gia đình.

Theo quy định của pháp luật, khi một cá nhân bị bạo lực gia đình, họ có quyền yêu cầu tòa án và các cơ quan chức năng có thẩm quyền can thiệp, giải quyết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe bản thân cũng như bảo vệ các thành viên trong gia đình mình.

Luật sư Phan Trung Hoài - Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam