Vì sao đảo Guam trở thành mục tiêu đe dọa tấn công của Triều Tiên

Nguyễn Phương (Theo Daily Star)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù nằm rất xa nước Mỹ và biệt lập giữa biển nhưng đảo Guam đóng vai trò rất quan trọng đối với quân đội Mỹ.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa trút "hỏa lực và thịnh nộ" lên Triều Tiên, Bình Nhưỡng ngay lập tức tuyên bố "đang xem xét kế hoạch tấn công" đảo Guam, lãnh thổ hải ngoại của Mỹ nằm ở Tây Thái Bình Dương.
Mặc dù nằm rất xa nước Mỹ và biệt lập giữa biển nhưng đảo Guam đóng vai trò rất quan trọng đối với quân đội Mỹ.
Đảo Guam đóng vai trò rất quan trọng đối với quân đội Mỹ. Ảnh: AFP
Sau cuộc chiến Mỹ - Tây Ban Nha năm 1898, Guam trở thành vùng lãnh thổ hải ngoại của Mỹ. Tuy nhiên, năm 1941, phát xít Nhật giành quyền kiểm soát hòn đảo trước khi Thủy quân Lục chiến Mỹ chiếm lại năm 1944.
Đảo Guam cách Hawaii hơn 5.000km về phía tây, cách Philippines và Nhật Bản hơn 2.000km về phía đông và về phía nam và cách Bình Nhưỡng chỉ 4 giờ bay. Nằm cách Triều Tiên 3.520km, hòn đảo có chiều dài 57,6km, rộng từ 9,6km tới 19,2km là nơi sinh sống của 162.000 người. Guam cách đất liền Mỹ gần 12.000km, cách TP New York 19 tiếng bay và là lãnh thổ hải ngoại xa nhất của Mỹ.
Hòn đảo này có diện tích nhỏ nhưng lại được cho là vô cùng quan trọng với quân đội Mỹ trong các hoạt động quân sự tại châu Á.
Mỹ đang có một căn cứ hải quân và một trạm tuần duyên ở phía nam đảo Guam. Đảo Guam thường được các chỉ huy quân đội Mỹ gọi ví von là “tàu sân bay vĩnh viễn của quân đội Mỹ”.
Vùng lãnh thổ này là nơi đặt căn cứ quân sự phức hợp Marianas, trung tâm chỉ huy quân sự của Mỹ, bao gồm căn cứ Không quân Andersen ở phía Bắc và căn cứ Hải quân Guam ở phía Nam. Khu vực giữa đảo là trung tâm du lịch Tumon với rất nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng. Tại đây, người Mỹ bố trí cả sân bay và quân cảng. Ngày nay, đảo Guam trở thành căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ với 7.000 quân đồn trú.
Căn cứ không quân Andersen được đặt tại đảo Guam. Ảnh: AP
Tại đảo Guam, Mỹ sử dụng căn cứ không quân Andersen như là bệ phóng chiến lược cho các loại phi cơ ném bom chiến lược bay tới khu vực Bán đảo Triều Tiên và các khu vực khác ở châu Á - Thái Bình Dương.
Một số lượng lớn máy bay ném bom chiến lược tối tân nhất của Không quân Mỹ, bao gồm hai loại máy bay tàng hình B-2 Spirits và B-1 Lancers cùng B-52 Stratofortress đều thuộc biên chế trên đảo Guam.
Hồi cuối tháng 7 vừa qua, Mỹ đã cử thêm những chiếc B-1B Lancer tới đảo Guam trong bối cảnh căng thẳng với Triều Tiên có dấu hiệu leo thang.
Căn cứ Hải quân Guam là “nhà” của Hạm đội Tàu ngầm 15 của Hải quân Mỹ với biên chế nhiều tàu ngầm hạt nhân.
Căn cứ Hải quân Guam được đặt ở phía Nam hòn đảo. 
Đơn vị tác chiến đặc biệt số 1 của Hải quân Mỹ, bao gồm cả lực lượng Biệt kích Hải quân số 4, cũng đóng tại đảo Guam.
Hồi năm 2013, màn "võ miệng" tương tự giữa Mỹ và Triều Tiên đã dẫn tới việc Washington đã lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD cố định trên hòn đảo để sẵn sàng cho mọi tình huống tấn công.