Vì sao đô thị trục sông Hồng chưa triển khai được?

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, quy hoạch khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, Hà Nội vẫn chưa thực hiện xong quy hoạch phân khu sông Hồng...

Theo quy hoạch nói trên, khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa của Thủ đô.
Trên dọc tuyến sông Hồng, phần đất đoạn tuyến đi qua Tứ Liên không xây dựng công trình cao tầng làm ảnh hưởng tới trục không gian cảnh quan kết nối Hồ Tây - Cổ Loa. Quyết định của Thủ tướng cũng yêu cầu việc quy hoạch mới cần khai thác, kế thừa quy hoạch cơ bản sông Hồng đoạn qua Hà Nội (đã được TP Hà Nội tổ chức nghiên cứu), tiếp tục nghiên cứu phát triển đồng bộ hai bên đoạn tuyến chảy qua TP, trục không gian cảnh quan văn hóa - đô thị Hồ Tây - Cổ Loa.
Hệ lụy từ dự án bất động
Muốn chuyển nhượng, sang tên quyền sử dụng đất, mua bán, cải tạo, xây dựng nhà... nhưng không thể thực hiện. Đây là tình cảnh của 80 hộ dân thuộc phường Yên Phụ, quận Tây Hồ sống trên khu đất thuộc dự án “treo” Sông Hồng City (dự án Trấn Sông Hồng) từ nhiều năm nay.
 Tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của các nghệ sĩ Hà Nội tạo ra không gian công cộng sinh động tại khu vực bãi sông Hồng thuộc phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm.
Ông Đào Thắng (tổ 40, phường Yên Phụ) cho biết, khu đất trên là nơi ở của người dân 2 khu tập thể T361 Quân chủng phòng không không quân và Khu tập thể Nhà máy điện với diện tích xây dựng hơn 3.400m2. Tính đến nay, các thế hệ gia đình đã sinh sống ở đây hơn 30 năm.
Năm 1992 các hộ dân nhận được thông báo từ chính quyền phường về việc thỏa thuận đền bù khu đất để TP triển khai Dự án Sông Hồng City nhưng cũng kể từ thời điểm đó đến nay người dân chưa nhận được bất kỳ thông tin gì tiếp theo. Hơn 20 năm nay, chúng tôi sống trong tình trạng thiếu thốn đủ thứ, sống tạm trên chính ngôi nhà của mình, không có quyền lợi trên chính mảnh đất mình đang ở” - ông Thắng nói.
Theo tìm hiểu, Dự án Sông Hồng City đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 từ năm 1995, nằm trong ranh giới nghiên cứu quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt. Do vậy, quá trình nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch Dự án này cần phải thống nhất đồng bộ với nghiên cứu quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và các quy hoạch do các sở ngành TP đang triển khai theo nhiệm vụ được UBND TP giao để cụ thể hóa theo Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Như vậy có thể thấy khi quy hoạch phân khu sông Hồng chưa được phê duyệt thì nhiều dự án cũng chưa có cơ sở để điều chỉnh quy hoạch, triển khai xây dựng dẫn đến hệ lụy cuộc sống sinh hoạt của nhiều người dân phía ngoài đê bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, trật tự xây dựng, quản lý đô thị khu vực này trở thành gánh nặng với chính quyền địa phương.
Lý giải về nguyên nhân quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng chậm được phê duyệt, Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng được lập 3 năm nay. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý để phê duyệt quy hoạch này còn chưa rõ ràng nên bị kéo dài.
Cụ thể, theo đúng Luật Đê điều thì TP phải lập quy hoạch chi tiết các sông có tuyến đê. Quy hoạch chi tiết này Sở NN&PTNT đang thực hiện nhưng lại gặp vướng mắc ở chỗ, Luật 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ra đời, có hiệu lực từ 1/1/2019 lại chưa rõ ràng về thẩm quyền lập và phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ các tuyến sông có đê. Đây là một lý do khiến quy hoạch phân khu sông Hồng bị chậm.
“Theo quy định, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đã triển khai lập quy hoạch sông Hồng và sông Đuống, đã rà soát, thực hiện các bước nhưng lại vướng, bởi Bộ NN&PTNT nắm toàn bộ các công trình ngoài đê. Hiện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đang xin ý kiến của Bộ NN&PTNT nhưng Bộ chưa thống nhất về vấn đề đê bối, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng. Tới đây, Sở NN&PTNT và Sở QH&KT sẽ kết hợp chặt chẽ, làm việc với Bộ NN&PTNT để hoàn thiện hai quy hoạch phân khu ngoài đê sông Hồng và sông Đuống” - ông Nguyễn Trúc Anh thông tin.
Giảm gánh nặng khu vực nội đô
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, định hướng xây dựng dọc hai bên sông Hồng hai tuyến đường trục chính đô thị, quy mô dự kiến 40 - 60m để phục vụ việc xây dựng, cải tạo khu vực bờ sông Hồng. Đây cũng là giải pháp thiết thực để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, đặc biệt là giao thông khu vực nội đô lịch sử.
Để triển khai cụ thể hóa các quy hoạch trên, UBND TP chỉ đạo tổ chức lập đồ án Quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng, trong đó xác định vị trí, phương án xây dựng tuyến đường trục chính đô thị dọc sông Hồng. Do đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng có liên quan đến kết quả nghiên cứu của đồ án Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn TP Hà Nội nên sau khi đồ án Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn TP được UBND TP phê duyệt thì mới có cơ sở phê duyệt Quy hoạch phân khu sông Hồng và nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng tuyến đường dọc sông. Tuy nhiên, trước những vướng mắc như hiện nay, dư luận băn khoăn không biết đến khi nào tuyến đường quan trọng phục vụ giảm tải khu vực nội đô trong đê mới được thực hiện?
Bàn về vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, việc đẩy nhanh nghiên cứu quy hoạch hai bên bờ sông Hồng là cần thiết, không thể kéo dài tình trạng như hiện nay vì dòng sông này có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của TP.
Khi nghiên cứu lập quy hoạch sông Hồng cần tính đến vấn đề di dân ở khu vực lòng sông. Ở khu vực này hiện nay dân cư được chia thành nhiều nhóm. Có nhóm là dân tứ xứ đến lấn chiếm đất bãi sông, cư ngụ không chính thức, cũng có nhóm được Nhà nước bố trí tái định cư..., do vậy GPMB là bài toán vô cùng khó khăn. Tuy nhiên đây là bài toán dứt khoát phải giải bởi vì nếu cứ để khu vực bãi sông Hồng như thế này thì không phải là một TP phát triển.
Theo KTS Trần Huy Ánh, trong khi đợi quy hoạch phân khu được duyệt, nhiều khu đất hai bờ sông Hồng có thể tận dụng cải tạo thành các khu không gian công cộng để phục vụ không chỉ người dân ở hai bên bờ sông mà toàn bộ người dân Thủ đô có thể đến vui chơi, giải trí, thăm thú cảnh quan. Khu vực này cần có những động thái ứng xử để dần đưa bờ sông Hồng trở thành mặt tiền của TP giống nhiều nước văn minh trên thế giới chứ không phải là mặt sau, nơi người ta thoải mái xả rác như hiện nay.
Sắp tới đây, dự án nghệ thuật công cộng tại khu vực phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, với 16 tác phẩm sắp đặt nghệ thuật trải dài trên những bức tường còn sót lại kéo dài gần 200m có thể coi là một nỗ lực của chính quyền địa phương và nhóm nghệ sĩ tình nguyện thực hiện, hy vọng sẽ là một điểm nhấn tại vùng bãi ngoài đê của TP.
Để xây dựng quy hoạch Thủ đô phát triển hiện đại và bền vững, Hà Nội phải là TP hướng mặt vào sông chứ không được quay lưng ra sông. Thực hiện được điều này nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc Luật Đê điều cần phải sửa trên cơ sở tình hình mới. Các ngành, các cấp phải cùng vào cuộc chứ đây không chỉ là việc riêng của TP Hà Nội.
Lý giải về nguyên nhân quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng chậm được phê duyệt, Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng được lập 3 năm nay. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý để phê duyệt quy hoạch này còn chưa rõ ràng nên bị kéo dài.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần