Vì sao lao động phi chính thức chưa mặn mà tham gia BHXH tự nguyện?

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Năm 2022 người tham gia BHXH bắt buộc tại TP Hồ Chí Minh là 2,6 triệu người, nhưng lao động tham gia BHXH tự nguyện chỉ có 61.000 người. Đến tháng 5/2023,lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chỉ khoảng 31.000 người. Vì sao số người tham gia BHXH tự nguyện lại quá thấp?

Chính sách còn bất cập nên ít người tham gia BHXH tự nguyện

Để giải đáp cho thắc mắc cho việc vì sao lao động phi chính thức chưa mặn mà với BHXH tự nguyện để từ đó tham góp ý kiến nâng cao tỷ lệ tham gia của đối tượng lao động này, ngày 9/6, báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) và Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) tổ chức tọa đàm với chủ đề “Hiến kế mở rộng diện bao phủ BHXH với lao động phi chính chức”, đồng thời phát động cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng năm 2023”.

Ông Phạm Anh Thắng (bên trái)- Phó chánh Văn phòng Bộ LĐTB&XH chia sẻ vai trò của lao động phi chính thức trong thị trường lao động hiện nay
Ông Phạm Anh Thắng (bên trái)- Phó chánh Văn phòng Bộ LĐTB&XH chia sẻ vai trò của lao động phi chính thức trong thị trường lao động hiện nay

Ông Phạm Anh Thắng - Phó chánh Văn phòng Bộ LĐTB&XH đã đánh giá cao việc báo Kinh tế và Đô thị tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Hiến kế mở rộng diện bao phủ BHXH với lao động phi chính thức”.

Theo ông Thắng, việc báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với AAV và AFV tổ chức tọa đàm ngay tại TP Hồ Chí Minh là địa bàn có tỷ lệ lao động lớn nhất cả nước, trung tâm kinh tế của vùng Đông Nam Bộ là điều rất trân quý. Chủ đề của buổi tọa đàm đã nói lên tầm quan trọng, vì diễn ra trong bối cảnh Việt Nam tăng tốc triển khai phục hồi mọi mặt sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là tái cấu trúc lao động.

Đối với câu hỏi hiện nay cả nước có bao nhiêu lao động phi chính thức đang làm việc, trong đó có bao nhiêu % tham gia BHXH tự nguyện? Ông Thắng cho biết, theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, đến quý 1/2023 tỷ lệ lao động của cả nước khoảng 33 triệu lao động, trong đó lao động tham gia BHXH tự nguyện khoảng 1,46 triệu người, chiếm tỷ lệ khoảng 3% trên tổng số lao động trong độ tuổi.

Về vai trò của lao động phi chính thức trên thị trường lao động, ông Phạm Anh Thắng nhận định vai trò của lao động phi chính thức rất quan trọng. “Thực ra lao động phi chính thức đã xuất hiện và tồn tại từ rất lâu, chứ không phải bây giờ mới xuất hiện. Vai trò của lao động phi chính thức là một phần không thể tách rời trong cơ cấu và quan hệ lao động, và vai trò của họ rất quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nói chung, góp phần tạo việc làm, tạo thu nhập cho một bộ phận lao động”, ông Phạm Anh Thắng nói.

Lực lượng lao động phi chính thức chủ yếu không có hợp đồng lao động, phần đông nằm ở những cơ sở nhỏ lẻ, lao động tự do, ở khu vực nông thôn, lực lượng lao động phi chính thức có đóng góp rất lớn, có vai trò rất quan trọng nhưng lại là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Đặc biệt trong những đợt dịch Covid-19 vừa qua, họ ít được hỗ trợ hơn người lao động có hợp đồng (được cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động hỗ trợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp...).

Phó Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh Trần Dũng Hà chia sẻ tại tọa đàm
Phó Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh Trần Dũng Hà chia sẻ tại tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, Phó Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh Trần Dũng Hà chia sẻ rất nhiều thông tin về nguyên nhân vì sao rất ít lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện.

Theo ông Hà, nếu như năm 2022 người tham gia BHXH bắt buộc tại TP Hồ Chí Minh là 2,6 triệu người, nhưng lao động tham gia BHXH tự nguyện chỉ có 61.000 người, Bảo hiểm y tế là 8,6 triệu người. Đến tháng 5/2023, lao động bắt buộc nộp BHXH xấp xỉ gần 2,5 triệu người, nhưng số lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chỉ khoảng 31.000 người, trong khi chỉ tiêu của BHXH Việt Nam giao cho TP Hồ Chí Minh là 61.000 người. Do vậy, trong 5 tháng đầu năm 2023 chỉ có 31.000 người tham gia BHXH tự nguyện tại TP là khá thấp.

Về nguyên nhân lao động khu vực phi chính thức không mặn mòi tham gia BHXH tự nguyện có rất nhiều. Cụ thể, lao động phi chính thức chủ yếu tự tạo việc làm cho bản thân, đa số trong số này có những hạn chế nhất định về trình độ, kỹ năng nghề, thu nhập không ổn định, trong khi lại phải đối diện rủi ro trong lúc mưu sinh, ví như trong quá trình lao động bị tai nạn lao động, ốm, sinh con…, lại không có lương, không được cơ quan BHXH chi trả.

Một lý do khác mà lao động phi chính thức không mặn mòi tham gia BHXH tự nguyện vì chính sách của chúng ta hiện nay chỉ có một chế độ hưu trí; với quy định để được hưởng BHXH phải đóng đủ 20 năm, do đó hiếm có người nào đủ kiên nhẫn đóng 20 năm để được hưởng lương hưu. Đặc biệt, nếu đã đóng đủ 20 năm BHXH vẫn chưa chắc được hưởng mà phải chờ đến khi đủ tuổi mới nhận được BHXH nên lao động phi chính thức không tham gia.

“Bên cạnh đó, thu nhập lao động phi chính thức bấp bênh nên để tham gia BHXH tự nguyện cần có nguồn tài chính đảm bảo cuộc sống trước mắt, đảm bảo nguồn tiền dự phòng, nhưng họ lại không có nên không tham gia BHXH tự nguyện. Đơn cử trước dịch Covid-19, có nhiều người tham gia BHXH tự nguyện, nhưng sau dịch Covid-19, nhiều người không tiếp tục tham gia. Và một nguyên nhân khác là nhận thức lao động phi chính thức không đúng, không đầy đủ, đa số lao động khu vực này còn trong độ tuổi lao động nên họ nghĩ tham gia BHXH tự nguyện là không cần thiết, vì biết đâu ngày mai không còn sống”, Phó Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh Trần Dũng Hà nêu nguyên nhân.

Cần thêm những chia sẻ gánh nặng kinh tế cho lao động phi chính thức

Ông Phạm Anh Thắng (thứ 2 từ phải sang), ông Trần Dũng Hà (bìa phải) và bà Phạm Thị Ngọc Diệu (thứ 2 từ trái sang) tại buổi tọa đàm.
Ông Phạm Anh Thắng (thứ 2 từ phải sang), ông Trần Dũng Hà (bìa phải) và bà Phạm Thị Ngọc Diệu (thứ 2 từ trái sang) tại buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, bà Phạm Thị Ngọc Diệu - Trưởng phòng LĐTB&XH quận  Bình Tân cũng thông tin một số tình hình lao động trên địa bàn quận. Theo bà Ngọc Diệu, quận Bình Tân có hơn 53.000 đơn vị kinh tế đang hoạt động trên địa bàn, trong đó hơn 25.000 doanh nghiệp và hơn 28.000 hộ kinh doanh. Quận Bình Tân có 3 khu công nghiệp lớn là Tân Tạo, Vĩnh Lộc và Tân Bình mở rộng. Ngoài ra, còn có Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam với hơn 40.000 lao động (trước đây có thời điểm trên 90.000 lao động). Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn, vào năm 2022, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam đã cắt hợp đồng lao động với hơn 4.000 người, đầu năm 2023 đến tháng 7/2023 sẽ cắt thêm hơn 5.000 lao động.

Cũng theo bà Phạm Thị Ngọc Diệu, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân trên địa bàn quận Bình Tân. Để hỗ trợ lao động phi chính thức, Tổ chức AAV đã phối hợp với Ban Quản lý chương trình Hỗ trợ phát triển quận thực hiện hoạt động “Triệu bữa cơm”, đã trao tặng 6.550 phần quà cho 6.550 người lao động có hoàn cảnh khó khăn sinh sống tại các phường, với tổng trị giá là 1.545.885.500 đồng.

Tính đến ngày 21/3/2022, quận Bình Tân đã hỗ trợ cho 52.144 lao động tự do bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, với tổng số tiền 113,655 tỷ đồng (thuộc 6 nhóm ngành nghề: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định (buôn gánh bán bưng); thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); làm công việc thuộc các lĩnh vực, ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP tại văn bản số 1749/UBND-VX ngày 30/5/2021).

Ngoài việc hỗ trợ thực phẩm, quận Bình Tân còn hỗ trợ cho đối tượng lao động phi chính thức nguồn vốn vay không thế chấp, có trường hợp được vay tới 50 triệu đồng, sau khi dịch phục hồi đã có rà soát thống kê để đảm bảo hỗ trợ vốn vay.

Theo ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, khó khăn khi mở rộng hệ thống BHXH tự nguyện đã rõ. Giải quyết những khó khăn hiện tại chính là giải pháp để mở rộng BHXH tự nguyện trong nhóm lao động phi chính thức.

Tuy nhiên, giải pháp căn cơ nhất để nâng cao tỷ lệ tham gia BHXH của lao động phi chính thức chính thức chính là cần tăng cường đào tạo kỹ năng, nâng cao tay nghề giúp người lao động tham gia thị trường lao động, chuyển lao động phi chính thức thành lao động chính thức, nghiên cứu bổ sung thêm quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện....

 

Theo bà Phạm Thị Ngọc Diệu, tính đến tháng 5/2023, quận Bình Tân có 7.072 đơn vị tham gia BHXH cho người lao động (148.172 người). Số lao động tham gia BHXH tự nguyện là 983 người, giảm 10 người so với cuối tháng 12/2022, và giảm 1.059 người so với cuối năm 2021. Ngoài những lý do khách quan như ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một trong những lý do người tham gia BHXH tự nguyện giảm là từ ngày 1/1/2022 quy định về mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu tăng lên.

Đối chiếu quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, từ năm 2022 mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu có sự điều chỉnh theo hướng tăng từ 107.800 đồng lên 231.000 đồng/người/tháng với người thuộc hộ nghèo; từ 115.500 đồng lên 247.500 đồng/người/tháng với người thuộc hộ cận nghèo; từ 138.600 đồng lên 297.000 đồng/người/tháng với đối tượng khác.