Vì sao thu hút đầu tư FDI của Đà Nẵng đạt thấp?

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- 6 tháng năm 2023, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào Đà Nẵng đạt thấp, trong đó được 64 dự án FDI (vốn đầu tư nước ngoài) cấp mới với tổng vốn 10,6 triệu USD, bằng 46,33% cùng kỳ năm 2022.

Quỹ đất kêu gọi đầu tư khá hạn chế

Xác định thu hút đầu tư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nên Đà Nẵng đã lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư trực thuộc UBND TP để tham mưu thực hiện nhiệm vụ về xúc tiến đầu tư. Dù rất nỗ lực nhưng 6 tháng đầu năm 2023, TP động lực miền Trung này thu hút vốn đầu tư đạt không như kỳ vọng.

 

Tính đến ngày 30/6/2023, Đà Nẵng thu hút 27,341 triệu USD (đạt 26% so với cùng kỳ năm 2022 là 105,541 triệu USD). Trong đó, số dự án cấp mới toàn TP là 67 với tổng vốn đăng ký 10,638 triệu USD. Cụ thể, ngoài khu công nghiệp 64 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 9,206 triệu USD, trong khu công nghiệp 3 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,432 triệu USD.

Giám đốc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng Trần Thị Thanh Tâm cho biết, nguyên nhân của kết quả thu hút nguồn vốn đầu tư FDI 6 tháng đầu năm 2023 đạt thấp, qua số liệu cho thấy các dự án cấp mới đều quy mô nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, bà Tâm cũng chỉ ra những nguyên nhân chung như: Các tập đoàn lớn đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trước tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu và phản ứng chính sách của Chính phủ.

Ngoài ra, kể từ sau Covid-19, đầu tư toàn cầu bị suy giảm mạnh. Cùng với đó, chiến sự Nga - Ukraine kéo dài, kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao…càng khiến dòng đầu tư thêm “ngập ngừng”.

“Tâm lý nhà đầu tư là hạn chế đầu tư mới để hạn chế rủi ro, bảo toàn vốn, hầu hết hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu tập trung cho việc khôi phục hoạt động các dự án đang tạm dừng”- bà Tâm nói.

Giám đốc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng Trần Thị Thanh Tâm.
Giám đốc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng Trần Thị Thanh Tâm.

Đối với Đà Nẵng, TP có diện tích nhỏ, quỹ đất kêu gọi đầu tư khá hạn chế, chủ yếu kêu gọi đầu tư vào khu công nghiệp công nghệ cao, quỹ đất ngoài khu công nghiệp hầu hết quy mô nhỏ không đủ sức thu hút các tập đoàn FDI lớn vào đầu tư. Đây cũng là một nguyên nhân.

Mặt khác, Đà Nẵng hướng tới xây dựng TP môi trường, TP thông minh và thực hiện phát triển công nghiệp, công nghệ cao, nên việc kêu gọi đầu tư vào khu công nghiệp, khu công nghệ cao cần có sự chọn lọc kỹ về công nghệ, xem xét kỹ quy mô và tác động môi trường. Đà Nẵng xác định phương châm chậm, chắc, bền vững và lan tỏa cho thế hệ sau.

Nguyên nhân khác theo bà Tâm là một số quy định trung ương còn thiếu tính thống nhất về chính sách đất đai, xác định giá đất khi lựa chọn nhà đầu tư; hành lang pháp lý về đấu thầu một số lĩnh vực chuyên ngành, pháp luật xã hội hóa chưa đầy đủ, chưa được các bộ ngành ban hành.

Đang trong quá trình triển khai lập quy hoạch phân khu

Về chủ quan, bà Trần Thị Thanh Tâm cho rằng, việc Đà Nẵng trong quá trình triển khai lập quy hoạch phân khu, chờ kết quả cũng ảnh hưởng đến kết quả thu hút đầu tư.

Hơn nữa, quỹ đất sạch nằm ngoài các khu công nghiệp hiện có sẵn nhưng quá trình thực hiện các thủ tục theo quy định khá dài (lập quy hoạch, lập phương án đấu giá, định giá đất, chậm đấu giá quyền sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư triển khai các dự án. Quỹ đất trong khu công nghiệp hiện không còn nhiều, việc kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp mới còn chậm.

Thu hút FDI vào Đà Nẵng vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Thu hút FDI vào Đà Nẵng vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

“Hiện nay, một số nhà đầu tư nước ngoài lớn đang quan tâm dự án của TP liên quan đến Cảng Liên Chiểu, đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2, một số dự án trung tậm thương mại (đã có đất sạch), một số dự án sản xuất đầu tư vào khu công nghệ, khu công nghệ cao lĩnh vực sản xuất điện tử” – bà Tâm thông tin.  

Muốn kết quả thu hút đầu tư của Đà Nẵng đạt và tăng, Giám đốc Sở KH&ĐT TP Trần Thị Thanh Tâm cho rằng, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư cần nghiên cứu đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư các ngành lĩnh vực trọng điểm của địa phương. Trong khi đó, Ban quản lý Khu Công nghiệp, Công nghệ cao phải triển khai có hiệu quả đề án nghiên cứu kêu gọi xúc tiến nhà đầu tư lớn vào các khu công nghiệp mới.

Cùng với đó, TP cần khẩn trương hoàn thành quy hoạch phân khu; các sở ngành rà soát đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục quy hoạch, lập phương án và đấu giá đất, chủ động xây dựng phương án đấu giá để sẵn sàng kêu gọi nhà đầu tư.

Đồng thời, chủ động phối hợp với các bộ ngành T.Ư xây dựng quy trình và tiêu chí đấu thầu đối với các dự án lớn chưa có quy định đấu thầu chuyên ngành như cảng, khu công nghiệp. Song song, rà soát các quy đinh pháp luật, nghiên cứu tính toán hệ số % tính giá đất thương mại dịch vụ so với đất ở để giảm áp lực về tiền thuê đất cho doanh nghiệp, hiệu quả kinh doanh khả thi để thu hút đầu tư.

Cũng theo bà Tâm, TP phải nỗ lực thúc đẩy hoàn thành các thủ tục để thực hiện đấu giá những dự án thượng mại là khu thể thao, giải trí và thương mại Hòa Xuân, Khu đất thương mại dịch vụ phía Đông Nam ký túc xá sinh viên… “Nếu đến cuối năm 2023 hoàn thành công tác đấu giá và nhà đầu tư nước ngoài tham gia trúng đấu giá dự án, dự kiến sẽ thu hút được trên 200 triệu USD” – bà Tâm cho hay.

Đối với dự án trong khu công nghiệp và các khu công nghệ cao, bà Tâm cho biết hiện nay Ban quản lý đang chủ trì triển khai Đề án nghiên cứu kêu gọi, xúc tiến các nhà đầu tư lớn đầu tư vào các khu công nghiệp mới (Hòa Cầm-giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh). Đồng thời, đang chủ trì xem xét đề xuất của các tập đoàn lớn xin đầu tư vào khu công nghệ cao trên lĩnh vực sản xuất điện tử, thiết bị y tế, trung tâm dữ liệu…

“Chúng tôi sẽ phối hợp với Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Đà Nẵng để nắm bắt tình hình thực hiện đầu tư của những nhà đầu tư. Đồng thời có hướng dẫn hỗ trợ thông tin thủ tục đầu tư để các doanh nghiệp được tiếp cận rõ ràng và thuận lợi hơn” – bà Tâm đưa thêm giải pháp.